Xóa bỏ rào cản cho kinh tế dân doanh

Các doanh nghiệp dân doanh hiện vẫn bị “hành” bởi vô số giấy phép “con” - ảnh: D.Đ.MinhNgày 7.9, hội nghị "Phát triển doanh nghiệp dân doanh" đã được tổ chức tại Hà Nội. Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ông cũng thấy đầu óc "sáng ra", như được "nạp năng lượng" khi nghe các ý kiến, kiến nghị về nhiều vấn đề của doanh nghiệp (DN), để sắp tới đề ra các chính sách, quyết định cởi bỏ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khối DN dân doanh phát triển mạnh.

Nhiều đổi mới nhưng mới dừng lại ở văn bản

Theo ý kiến của nhiều DN, hơn 1 năm qua, đã có nhiều cải cách, đổi mới, tạo điều kiện cho DN phát triển. Điển hình như việc liên bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an ra Thông tư liên tịch 02/TTLT (27.2.2007) về cơ chế liên thông trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và cấp phép khắc dấu, giảm thời gian giải quyết thủ tục này từ 32 ngày còn 12-15 ngày. UBND các tỉnh, thành phố bãi bỏ, sửa đổi 24 văn bản ban hành trái quy định...

Xóa bỏ rào cản cho kinh tế dân doanh ảnh 2
Cần chấm dứt khoản thu phí kiểm tra an toàn thực phẩm bất hợp lý.

"Tuy nhiên, cơ chế, chính sách dường như đã có đủ nhưng thực tế triển khai chưa đầy đủ và hiệu quả" - Tổng thư ký Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội Vũ Duy Thái nhận xét. Theo ông Thái, đa số các DN dân doanh vẫn rất khó khăn để có đất đai triển khai dự án. "Hà Nội có gần 1.000 ha đất các khu công nghiệp nhưng hàng ngàn DN vẫn phải ra tỉnh ngoài để thuê đất. Riêng việc thỏa thuận với dân về giải phóng mặt bằng cũng mất ít nhất 150-180 ngày. Mua được đất rồi, sổ đỏ lại ghi: đất thuê do đó ngân hàng không cho vay vốn và cũng không được thế chấp đất đó để vay" - ông nêu lên bức xúc của các hội viên.

Cũng nhìn nhận là Nhà nước có chính sách về hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho DN nhưng theo bà Vũ Kim Hạnh, đại diện Hiệp hội DN TP.HCM: "Có nhiều hoạt động, Nhà nước bỏ ra không ít tiền nhưng DN không tham gia vì các chương trình chưa hiệu quả, không được tổ chức chuyên nghiệp, không đáp ứng nhu cầu của DN". Theo bà Hạnh, ngân sách nên tập trung vào việc đầu tư mua thông tin thị trường, nghiên cứu phát triển, đào tạo cho DN, xây dựng các trung tâm hội chợ triển lãm thì hiệu quả hơn và không vi phạm nguyên tắc của WTO.

DN phải trả tiền cho cơ quan nhà nước đi... kiểm tra

Thời gian bình quân để đăng ký kinh doanh của 1 DN là 22,7 ngày. Có 25% số DN thành lập từ năm 2006 đến nay mất hơn 30 ngày để nhận đủ giấy tờ cần thiết. 65% số DN cho rằng sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh nếu có đất đai. Cơ chế định giá đất chưa tốt, thủ tục còn phiền hà, tốn kém.

Thời gian bình quân để các DN nhận được "sổ đỏ" lên đến 131,8 ngày. Một DN trung bình vẫn cần 4,14 giấy phép kinh doanh các loại. 14,56% DN qua điều tra đánh giá là "rất khó khăn để có đủ loại giấy phép này". Qua rà soát thử 37 giấy phép kinh doanh của một số ngành, VCCI thấy 100% số giấy phép được đánh giá là điều kiện cấp phép không hợp lý; 89% số giấy phép có vấn đề về thủ tục cấp phép. Có 22,9% DN phải dành ra hơn 10% quỹ thời gian của mình để giải quyết thủ tục hành chính. 68,48% số DN thường xuyên phải trả các khoản chi phí không chính thức trong hoạt động kinh doanh.

(Nguồn: Báo cáo khảo sát của VCCI với 6.700 DN năm 2007)

Nhiều DN đã nêu lên những phi lý, những khoản chi phí lớn nhưng bất hợp lý mà họ phải oằn lưng gánh chịu trong hoạt động. Bà Nguyễn Thị Kim Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản cho biết, các DN xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn rất lớn, nguy cơ mất thị trường do tình trạng bơm tạp chất vào tôm, sử dụng thuốc kháng sinh... "Chúng tôi phải trả chi phí rất lớn để đảm bảo an toàn thực phẩm. Chúng tôi phải chịu cả chi phí cho các đoàn đi kiểm tra của cơ quan nhà nước làm chi phí cho một lô hàng tăng cao, 1.000 USD/lô. Cần phải tách bạch rõ các khoản chi phí của DN và của Nhà nước. Đề nghị Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính quy định rõ về phí, lệ phí lấy mẫu kiểm tra, chấm dứt thu phí bất hợp lý". Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Những điều DN kiến nghị đều rất đúng. DN phải trả tiền kiểm tra của cơ quan nhà nước thì vô lý quá". Ông đề nghị lãnh đạo các bộ phải "tiếp thu và giải quyết".

"Giấy phép con" vẫn lộng hành

Một số DN lên tiếng về tình trạng các bộ, ngành địa phương vẫn tùy tiện ban hành giấy phép trái luật, giấy phép con... gây khó khăn lớn cho DN. Ông Đinh Văn Ân, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư báo cáo: "Đến nay, hầu như các bộ chưa chủ động tập hợp, rà soát, đánh giá và kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất hợp lý từ các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh theo Luật DN. Thủ tướng đã 2 lần yêu cầu rà soát nhưng các bộ chưa nghiêm túc thực hiện". Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến: "Để ngăn chặn tình trạng giấy phép con tăng lên, đề nghị Chính phủ cho phép ban hành một nghị định về thủ tục ban hành giấy phép, có cơ chế để các hiệp hội DN, báo chí tham gia giám sát". Phó thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, các địa phương... về vấn đề này. Ông nói, ngay trong tháng 9 này sẽ ban hành nghị định về vấn đề trên.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ, VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các DN để xây dựng một dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng có thể ký, ban hành ngay trong tháng 9 nêu rõ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng xử lý các vấn đề cụ thể của DN nêu tại hội nghị. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan trên nghiên cứu, soạn thảo một nghị định mới về các chính sách khuyến khích phát triển DN vừa và nhỏ... Bộ Nội vụ có trách nhiệm xây dựng dự thảo nghị định riêng về hội và hiệp hội của DN với nội dung sâu, rộng hơn với tinh thần cải cách, đổi mới, tạo điều kiện về pháp lý và các chính sách hỗ trợ cho hội và hiệp hội DN hoạt động... "Thủ tục hành chính sẽ phải tiếp tục được cải cách mạnh. Tất cả những giấy phép con, điều kiện kinh doanh nào ban hành không hợp lý đều phải được xóa bỏ. Nếu năm nay chưa làm hết thì năm sau tiếp tục làm" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Mạnh Quân <EM>( Theo TNO)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm