Xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ ở Mỹ

Chiều 20-10, phái đoàn Mỹ tại Việt Nam và Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tại hội thảo này, ông Ronald Lew, thẩm phán cao cấp tòa án quận trung tâm California, đã cho thấy một cách tổng quan khó khăn và thuận lợi trong việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Mỹ và việc áp dụng tại Việt Nam.

90% là giải quyết dân sự

Ông Ronald Lew cho biết rất nhiều chủ sở hữu quyền tác giả, quyền về nhãn hiệu hàng hóa chọn cách giải quyết dân sự tại tòa vì cách này giải quyết rất nhanh chóng. Có đến 90% vụ việc sở hữu trí tuệ mà ông xét xử là vụ việc dân sự, chỉ 10% là xử hình sự.

Khi ra tòa, ngoài việc yêu cầu bị đơn chấm dứt hành vi vi phạm, bên nguyên đơn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo mức thiệt hại thực tế xảy ra. Tại Việt Nam, việc chứng minh thiệt hại thực tế là rất khó khăn và tại Mỹ cũng vậy, ông Ronald Lew cho biết.

“Thật khó để chứng minh rằng nếu anh không bán những sản phẩm nhái thì tôi đã có thể bán được bao nhiêu sản phẩm của tôi”.

Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, tại Mỹ nguyên đơn yêu cầu tòa án tịch thu tất cả lợi nhuận mà bên bị đơn có được từ việc kinh doanh hàng vi phạm. Cụ thể, ông Ronald Lew ví dụ về một công ty kiện một công ty khác đã sản xuất trên hai triệu cái đèn bấm giống hệt kiểu đèn bấm của mình. Do không chứng minh được thiệt hại thực tế nên công ty nguyên đơn yêu cầu tịch thu lợi nhuận của bên vi phạm. Số lợi nhuận lên đến hai triệu USD.

Chưa gây thiệt hại vẫn bồi thường

Tại Mỹ, với những trường hợp bên vi phạm chưa có lợi nhuận hoặc có nhưng không nhiều thì bên nguyên đơn vẫn có thể được bồi thường rất cao nhờ vào cơ chế bồi thường theo luật định.

Cụ thể, đã từng có vụ việc một người tập hợp các bài hát của Elvis Presley thành một bộ mười đĩa nhạc, dự định tung ra bán vào dịp Giáng sinh. Hồi đó, danh ca Elvis Presley thấy sự việc này và khởi kiện.

Ở Mỹ có quy định vi phạm về bản quyền sẽ phải bồi thường từ 750 USD đến 30.000 USD cho mỗi hành vi vi phạm, nếu hành vi đó có chủ định thì có thể bồi thường đến 150 ngàn USD.

Trong vụ kiện trên, bên vi phạm phải bồi thường 2,5 triệu USD và quan trọng hơn là ngăn chặn được việc tung bộ đĩa này ra thị trường. Ngoài việc bồi thường thiệt hại, bên vi phạm còn phải trả chi phí luật sư, chi phí kiện tụng.

Ông Ronald Lew cho biết có những vụ kiện mà chi phí luật sư còn cao hơn tiền bồi thường. Cụ thể, vụ một nhân viên của hãng M. sáng tạo ra một con búp bê nhưng sau đó nghỉ việc và chuyển sang làm việc cho một công ty búp bê khác. Con búp bê mà nhân viên này sáng tạo ra được sản xuất và kinh doanh dưới tên Best Doll.

Sau đó, hãng M. phát hiện ra vụ việc, cho rằng nhân viên đã sáng tạo con búp bê trong thời gian làm công ăn lương cho M. nên M. có quyền sở hữu đối với thành quả lao động của nhân viên này. Do đó, công ty M. kiện đòi công ty kia bồi thường. Tuy nhiên, công ty kia cũng cho rằng mình đã phải bỏ chi phí sản xuất, quảng cáo, khuếch trương thì con búp bê Best Doll mới trở nên nổi tiếng và đắt hàng.

Tòa án tuyên bị đơn chỉ phải bồi thường cho M. 100 triệu USD. Tuy nhiên, phí luật sư cho vụ kiện này là cực kỳ lớn - thẩm phán cho biết nhưng ông không nói con số chi tiết. Ông cho biết đã có vụ kiện mà phí luật sư lên đến chín triệu USD.

Xác định vi phạm không dễ

Ông Ronald Lew cho biết không phải vi phạm nào cũng có thể xác định dễ dàng. Ví dụ, vi phạm bản quyền về sách thì cũng còn có thể xác định được. Tuy nhiên, hai bản nhạc giống nhau bao nhiêu nốt nhạc, giống như thế nào thì bị gọi là vi phạm bản quyền thì khó xác định. Về nhãn hiệu hàng hóa thì nhận định nhãn hiệu này trùng nhãn hiệu kia rất dễ nhưng xác định nhãn hiệu này “có thể gây nhầm lẫn” với nhãn hiệu kia cũng rất khó khăn.

Ông cũng ví dụ cụ thể một trường hợp khá khó khăn khi xác định vi phạm. Một công ty sản xuất hàng thể thao của Trung Quốc dùng hình tượng một dấu hiệu như chữ V. Công ty Nike (cũng sản xuất hàng thể thao) cho rằng dấu hiệu này vi phạm dấu hiệu (hình một nét cong cong) của Nike. Như vậy có vi phạm hay không?

Ông Ronald cho rằng trong nhiều trường hợp như trên thì tòa án phải nghiên cứu thị trường, khảo sát phản ứng khách hàng hoặc sử dụng chuyên gia để phân tích thì mới có thể kết luận được.

Hỗ trợ vi phạm cũng bị xử

Ông Ronald Lew cho biết những cải tiến mới, kỹ thuật công nghệ mới cũng làm phát sinh nhiều vấn đề mới và những vi phạm mới, ví dụ tội phạm trên Internet, phát tán nhạc, phim ảnh trên Intrenet.

Ông cũng cho biết thậm chí trong những buổi chiếu phim giới thiệu (cho một ít khán giả xem trước để lấy ý kiến, bình luận) cũng bị quay lén và chỉ cần năm ngày sau là khắp thế giới đều có thể xem được phim đó trong khi nó chưa được chiếu chính thức.

Để theo kịp những vi phạm mới phát sinh, Mỹ có quy định về nghĩa vụ thứ cấp. Ví dụ chủ một trang web có thể bị yêu cầu đóng cửa trang web vì có thành viên trong đó đã đưa lên trang web này nhạc, phim, tài liệu khác vi phạm bản quyền. Mặc dù những người này không thu được lời gì từ việc thành viên vi phạm bản quyền nhưng đã có sự hỗ trợ xâm phạm. Tương tự, chủ một tòa nhà cũng có thể bị yêu cầu đóng cửa hoặc ngưng hợp đồng cho thuê đối với những người thuê gian hàng trong tòa nhà đó mà kinh doanh hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm