Xuất khẩu: Nâng lượng quên chất

LTS:Nhiều ngành xuất khẩu đang lao đao vì giá xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, kéo theo giá nội địa rớt khiến nông dân thất thu. Đó là hệ quả tất yếu của sự mất cân đối cung cầu mà nguyên nhân bắt nguồn từ chiến lược phát triển sản xuất, xuất khẩu chạy theo số lượng. Nếu không sớm có giải pháp hợp lý thì giá trị lẫn sản lượng các ngành hàng xuất khẩu sẽ ngày càng suy giảm.

“Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng, giá trị cũng không ngừng tăng nhưng sức cạnh tranh và sức mạnh thực sự từ vị thế số 1 hầu như không có. Ngược lại với chiều tăng của kim ngạch, giá các sản phẩm xuất khẩu lại sụt giảm qua từng năm, kéo theo đó là khủng hoảng ngành, doanh nghiệp (DN) lâm nợ, phá sản, nông dân thua lỗ vì giá rớt. Nguyên nhân là các ngành chủ yếu chạy theo số lượng mà không có chiến lược nghiên cứu nhu cầu thị trường rõ ràng, cụ thể” - ông Ngô Phước Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cảnh báo.

Chạy theo số lượng

Theo thống kê, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản năm nào cũng vượt kế hoạch. Ví dụ, năm 2011 ngành dự kiến đạt 23 tỉ USD và kết quả đạt hơn 25 tỉ USD. Năm 2012, kim ngạch đạt 27,5 tỉ USD, vượt kế hoạch 1,5 tỉ USD. “Rồi mỗi ngành trong đó đều có mục tiêu riêng và tất nhiên, năm sau phải cao hơn năm trước. Nếu dự báo năm tới khó khăn thì chỉ tiêu đề ra có nhẹ hơn nhưng… không bao giờ thấp hơn!” - ông Hậu chia sẻ. Chẳng hạn, ngành thủy sản đề ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 2012 đạt hơn 6,5 tỉ USD nhưng tình hình quá khó khăn, kết quả chỉ đạt bằng năm 2011: 6,1 tỉ USD. Không dừng lại, dù năm 2013 được dự báo khó khăn hơn 2012, ngành vẫn đặt mục tiêu 6,5 tỉ USD trong khi không có một báo cáo cụ thể về nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới, hay chí ít là của từng thị trường mục tiêu.

Xuất khẩu: Nâng lượng quên chất ảnh 1

Các ngành đua nhau nâng kim ngạch xuất khẩu trong khi quên mất các yếu tố ảnh hưởng đến giá. Ảnh: QUANG HUY.

Một ngành xuất khẩu khác là dệt may, năm 2012 xuất khẩu đạt 17,2 tỉ USD dù thị trường thu hẹp, chi phí nguyên liệu tăng, cạnh tranh khốc liệt… Nhưng năm 2013, dệt may vẫn có kế hoạch tăng giá trị xuất khẩu thêm 2 tỉ USD.

GS Võ Tòng Xuân nhận định: “Kế hoạch ngành thì do các hiệp hội ngành hàng đưa ra, chủ yếu dựa trên dự báo nhu cầu thị trường thế giới một cách chung chung, không có cơ sở chắc chắn. Hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều không có bộ phận chuyên nghiên cứu nhu cầu thị trường thật sự. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa trên số lượng”.

… Khiến DN lâm bệnh

“Rõ ràng, việc tăng nguồn cung không giải quyết được bài toán đầu ra, thậm chí còn tạo điều kiện để nhà nhập khẩu áp đặt giá bán, hình thức hợp đồng... Hậu quả là tôm, cá tra, gạo, điều… mấy năm gần đây bị ép giảm giá bán khiến lợi nhuận DN thu được rất ít, thậm chí lỗ nặng. Không chỉ vậy, khuyến khích tăng sản lượng xuất khẩu đồng nghĩa với việc sinh ra nhiều đầu mối xuất khẩu, gây tình trạng DN tranh mua - tranh bán, tự hại nhau bằng cách giảm giá. Nhiều DN còn trộn hàng tốt với hàng kém chất lượng để bán được giá thấp, làm mất uy tín chung toàn ngành” - ông Ngô Phước Hậu (VCCI) phân tích.

Còn ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bộc bạch: “Kim ngạch tăng nhưng  giá xuất khẩu lại bị kéo giảm. Khi giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD thì giá cá tra Việt Nam là 5 USD/kg nhưng xuất khẩu 2 tỉ USD thì giá chỉ còn 2,5-3 USD/kg. Bán giá thấp dẫn tới nguy cơ bị kiện chống bán phá, chống trợ cấp nhiều hơn. Bên cạnh đó, với nhiều đầu mối xuất khẩu thì hiệp hội, ban ngành chức năng rất khó kiểm soát về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc, dịch bệnh… Hệ quả thủy sản xuất khẩu bị các nước nhập khẩu dựng hàng rào kỹ thuật, bị thanh tra, chịu phí kiểm tốn kém…”.

Nguy cơ nông sản vỡ kế hoạch

Quy hoạch của ngành lúa gạo đến năm 2020 là đạt hơn 7 triệu ha diện tích canh tác. Thế nhưng chỉ mới đến năm 2012, diện tích trồng lúa gạo đã đạt 7,75 triệu ha. Đối với ngành cà phê, kế hoạch năm 2015 là đạt 550.000 ha nhưng hiện đã lên tới 622.000 ha, cao su cũng đã vượt quy hoạch 111.000 ha còn hồ tiêu vượt khoảng 6.000 ha. Nếu giờ các ngành muốn tăng diện tích sản xuất để tăng sản lượng chắc… cũng hơi khó!

TS NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Tư vấn
chính sách nông nghiệp

LÊ MINH LONG

Kỳ tới: Đã đến lúc có quota cho xuất khẩu?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm