Nhớ cái tết nghèo của người di dân

Năm đó khi gió chướng về, sông Bạc Liêu vừa bắt đầu nổi những con sóng bạc đầu thì dân gặt mướn từ Cửu Long, Bến Tre... đã chèo ghe kẽo kẹt kéo về. Cái lạ của năm 1978 là họ đổ về vùng Bạc Liêu, Cà Mau nhiều hơn mọi năm gấp nhiều lần. Những đêm trở lạnh, trăng sáng vằng vặc, tiếng khua chèo, tiếng í ới gọi nhau và cả những câu vọng cổ khàn đục vì khói thuốc lá... làm rộn rã những vàm sông.

Nghĩ tới là ứa nước mắt

Thường dân gặt mướn chở theo một ít trái cây để làm sở phí đi đường, nhưng năm nay họ chở cả tủ, bàn, ghế.., có chủ ghe còn mang cả con cái nheo nhóc theo. Cho đến khi gặp cậu Út người Vĩnh Long, khách thường niên về tá túc với gia đình tôi vào mỗi mùa gặt thì tôi mới hiểu. Suốt ba năm qua vùng Cửu Long, Bến Tre hạn hán, lũ lụt và nạn sâu rầy làm hại mùa màng... nên dân đói khổ lắm. Không còn chịu nổi nữa nên năm nay, gần nửa số dân của hai tỉnh kéo đi tha phương cầu thực. Họ lại đi theo con đường đã được hình thành từ hơn 300 năm trước, là về miền Hậu Giang (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) làm mướn kiếm ăn.

Sau này tôi biết thêm, năm 1978 là một trong ba đợt di dân lớn nhất trong tiến trình “hành phương Nam” khẩn hoang Nam bộ của dân miệt Tiền Giang về Hậu Giang.

Năm đó vùng Bạc Liêu mùa màng cũng không được như ý. Thời đó lúa Thần nông đỏ, Thần nông 5, Thần nông 8... đã được gọi là lúa cao sản, là “mút đọt” của khoa học kỹ thuật rồi. Vụ mùa các loại thần nông này được rút ngắn hơn lúa mùa hai tháng, thế nhưng nó rất kỵ phèn, mặn. Năm đó từ tháng 10 âm lịch trở đi không biết vì sao nước rong dâng cao lắm. Tháng 11 rồi tháng Chạp làng tôi nước ngập bờ bãi, lấp xấp nền nhà. Nhìn từ xa cứ thấy mấy chòm nhà nổi trôi trên mặt nước. Nước mặn tràn vào ruộng lúa đang trổ làm cho lúa chín háp (hạt không có gạo) mà nông dân quê tôi gọi là “lúa dựng cờ trắng đầu hàng”.

Khi tất cả đều trông cậy vào mùa lúa thì điều đó thực sự là thảm họa. Đàn ông hút thuốc mà đến giấy báo cũ cũng không có để cuốn thuốc, họ phải cuốn bằng lá chuối khô, lá trâm bầu..., hút vào khét lẹt. Các mặt hàng nhu yếu phẩm được phân phối qua hệ thống thương nghiệp và hợp tác xã thiếu thốn đến không tưởng tượng nổi. Ban đêm, nhà tôi chỉ thắp đúng một ngọn đèn cóc, còn má tôi phải lắng nước tro mà gội đầu vì thiếu xà phòng. Lác đác trong xóm đã có nhà phải ăn cháo. Nhớ mà ứa nước mắt, thằng em cô cậu của tôi con cái nheo nhóc, khi dọn cơm ăn phải nhìn dáo dác như kẻ trộm vì sợ khách tới nhà bất tử, người ta cười vì trong nồi cháo lễnh lãng ấy có độn cả chuối xanh, khoai mì... Nhà tôi thì chưa đến nỗi như thế nhưng cũng đã ăn cơm độn khoai.

10 giạ lúa đổi được vợ xinh

Giữa lúc khổ như thế thì bà con miệt vườn về tá túc hầu hết các gia đình ở xóm. Mà nào chỉ có khách gặt mướn như mọi năm, gia đình tôi ngoài gánh cậu mợ Út và mấy đứa em thì còn gánh thêm cả chục người bà con bên nội từ Vĩnh Long sang. Sau những mừng vui của hạnh ngộ thì gia đình bắt đầu phải “thắt lưng buộc bụng”. Đã thành nếp ở Bạc Liêu, hễ khách từ miệt vườn xuống là chủ nhà lo ăn ngủ, đi kêu công gặt giúp... Năm nay dù nghèo nhưng nếp cũ vẫn không khác đi. Nồi cơm độn khoai được nấu to hơn. Khách nếu có công gặt thì đi, không thì phụ giúp cuốc rẫy, nhổ cỏ, đắp bờ... Không khí vẫn vui, vẫn cởi mở, vẫn chị chị em em, vẫn anh anh chú chú chứ ít nghe tiếng kêu ca, than thở.

Những người không có mối quan hệ từ trước thì khổ hơn. Có nhà phải chở theo tủ, bàn, ghế để đổi lúa. Xót nhất là những người không có của cải, phải mang con gái đổi làm vợ người khác với giá 10-20 giạ lúa. Thằng Huệ, nhà ở ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch đổi 10 giạ lúa lấy một cô vợ rất đẹp; anh Bây (người Khmer) lưng khum, người nhỏ thó... cũng đổi được một cô vợ cao ráo, trắng như bông bưởi. Giờ hai cặp vợ chồng đó con cái đề huề, nhìn vào mấy ai biết được họ lấy nhau trong hoàn cảnh như thế.

Nhà tôi mỗi ngày có cả chục chiếc ghe ghé lại xin gặt mướn. Ba tôi nói “Lúa gặt xong rồi”, họ lại xin “Làm thứ gì cũng được, không có tiền thì lấy công bằng gạo”, ba tôi trả lời “Gạo còn thiếu ăn lấy gì trả công”, họ lại nói “Thôi thì lấy khoai”. Ba tôi quay mặt đi chỗ khác, giấu nước mắt lầm lũi xách cuốc ra rẫy đào cho mỗi người mấy củ khoai. Chiều ra bến sông thấy những gia đình nheo nhóc ăn khoai trên sạp ghe thay cơm, má tôi cũng rớt nước mắt.

Mỡ heo mà ngỡ nem công chả phượng

Năm đó, hợp tác xã phân phối cho mỗi phụ nữ một cái áo ni-lông ba tít, còn đàn ông con trai thì chỉ có một cái quần màu tím vải thun để đón tết. Ba tôi nhường phần của ông để tôi may thêm cái áo mà đủ bộ. Chị Hai tôi may cho em một bộ đồ kiểu “lục quân”, có túi đắp, con đỉa (cầu vai) trông oai lắm. Nhưng khốn khổ, khi má tôi đem giặt nước đầu tiên thì nó rút lên cả tấc, tôi mặc vào quần ngắn cũn cỡn chó táp ba ngày không tới. 17 tuổi, mặc đồ mới, tôi khóc như con nít.

Ba tôi qua nhà anh Ba Ngàn, bà con cô cậu với tôi mượn mấy ký nếp về gói bánh tét cúng ông bà. Không có tiền mua mỡ để gói bánh tét nhân đậu, má tôi giú chuối ở nhà trồng để gói bánh tét chuối. Thời kỳ đó thịt heo là một thứ chỉ tưởng tượng thôi đã chảy nước dãi. Một xoong cá kho chỉ dám bỏ vào một tí mỡ heo cho có mùi, bữa nào hên gắp được miếng tóp mỡ là ăn ngon như ăn nem công chả phượng.

Có những gia đình ở Tiền Giang, tết cũng không về xứ vì không có tiền, có gạo. Tốp ở nhà tôi chỉ có hai người về Cửu Long để lo thắp nhang cho ông bà, số còn lại tiếp tục tá túc với gia đình tôi. Nhiều chiếc ghe không có người quen sở tại thì cắm sào ở bến sông mà chịu trận. Ngày tết, họ cứ ngồi sau ghe mắt buồn xa xăm, đau đáu trông về cố thổ, nơi ấy bàn thờ ông bà cha mẹ đang lạnh lẽo khói hương.

Người miền Tây vốn rất hiếu khách và lòng hiếu khách ấy được thể hiện cao nhất vào ba ngày tết. Không phân biệt sang hèn, quen lạ, tính từ bữa tiệc ngày 30 tết trở đi, gặp bất kỳ ai người ta cũng mời dùng cơm, uống rượu. Đây là nếp sinh hoạt phổ biến vẫn còn ở nông thôn đến ngày nay. Thế là những người cơ nhỡ miệt Tiền Giang được mời lên bờ để hòa chung niềm vui của hàng xóm, cũng say khướt, cũng đàn ca, cũng chúc mừng năm mới, thắp nhang ông bà.

Mười năm sau, một lần đi dự hội nghị báo chí khu vực ĐBSCL ở Bến Tre, ông chủ tịch tỉnh nơi đăng cai tổ chức hội nghị biết có đoàn Bạc Liêu, Cà Mau về dự đã nói: “Trước khi phát biểu những vấn đề của hội nghị, cho phép tôi được dành riêng một phút, qua đoàn báo chí Cà Mau, Bạc Liêu tôi gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến nhân dân hai tỉnh đã đùm bọc, cưu mang nhân dân Bến Tre trong lúc thiên tai hoạn nạn. Ơn nghĩa này chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ”. Ở đất khách quê người nghe người ta cảm ơn nhân dân quê mình, tôi xúc động và tự hào đến rớm nước mắt.

Lòng thành không thể mua bằng tiền

Trở lại năm 1978, đói khổ là thế nên tôi cứ tưởng sẽ chẳng có tết nhất, lễ lộc gì. Thế nhưng gió xuân cứ len lén kéo về, người quê vẫn tất tả chuẩn bị vui xuân, cúng kiếng ông bà. Năm đó anh ruột của tôi không biết tìm đâu được mấy tấm hình báo cũ lòe loẹt đem dán trên vách lá nhà, em gái tôi thì dùng giấy ngũ sắc cắt những chùm hoa treo lủng lẳng... Đơn giản vậy nhưng căn nhà cũng sáng rỡ. Hai mươi tám tết làng xóm ai cũng chộn rộn sửa sang nhà cửa, tát đìa, gói bánh, làm mứt. Ở quê tôi bánh mứt của ba ngày tết không ai mua bao giờ mà tự làm lấy cả. Bánh mứt dù không ngon như ở chợ nhưng nó hàm chứa một quan niệm sống là lòng thành đối với ông bà phải được thể hiện bằng công sức. Mấy năm sau này, kinh tế gia đình kha khá một chút, sợ má tôi cực, em tôi đòi mua bánh tét về cúng tết nhưng má tôi không cho, bởi “Lòng thành không thể mua được bằng tiền, con ơi!”.

Làm bánh mứt ngày tết cũng là dịp các má, các chị thể hiện đức tính của người phụ nữ Nam bộ. Các má, các chị thường tụ họp thành nhóm để gói bánh, làm mứt vần đổi công. Vui lắm, chái bếp cứ rộn rã tiếng cười nói. Phụ nữ nông thôn ai cũng biết gói bánh, làm mứt dù chưa qua một lớp nữ công gia chánh nào. Điều đó cũng không có gì lạ, là con nhà nghèo, năm ba tuổi đã lân la theo mẹ, theo chị đi gói bánh, lớn lên một chút thì chị dạy em, dì dạy cháu, thế là cô thôn nữ nghiễm nhiên trở thành cô thợ làm mứt, gói bánh.

Năm 1978 vừa phải ăn cơm độn khoai, vừa phải giúp đỡ bà con ở Tiền Giang xuống chạy đói, vậy mà má tôi vẫn nuôi được con heo bằng nước cơm vo và canh thừa cá cặn để rồi tết đến bán đủ mua đồ cúng kiếng, trang trải nợ nần. Hai đứa em gái tôi thì đi mò cá, mót lúa nuôi được bầy gà, bán vài con mua được mỗi đứa một bộ đồ và nguyên liệu làm mứt dừa, bánh bông lan... Họ nhẫn nại, bình thản đi qua nghèo đói.

Vùng nông thôn Bạc Liêu còn nhiều nếp sinh hoạt tết thật đáng quý. Năm 1978 nghèo là thế mà ở quê tôi nhà nào cũng bày mâm cỗ để cúng rước ông bà chiều 30 tết. Mâm cỗ được làm từ cây nhà lá vườn, ai không có thịt thì thay bằng cá. Tết là dịp để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ đã khuất cho nên cái gì ngon nhất, sang trọng nhất... đều được bày trên bàn thờ - vị trí trang trọng nhất trong một ngôi nhà. Chiều 30 tết con cái mặc tình đi nhậu giao lưu với hàng xóm nhưng đến gần giao thừa là phải tề tựu đông đủ, tắm rửa sạch sẽ, thay đồ mới rồi bày bánh mứt, nước trà lên bàn thờ để lạy trả nghĩa gia tiên. Họ quan niệm rằng: thời khắc giao thừa linh thiêng lắm, hễ lạy trả nghĩa ông bà, cha mẹ là ta trả nghĩa suốt năm, ta cầu ông bà phù hộ điều gì thì khắc sẽ linh nghiệm.

Ảnh: Phan Thanh Cường

Thuở nhỏ tôi và anh trai không “nhập tâm” lắm với quan niệm ấy nên có đôi lần chểnh mảng. Một lần như thế là ba tôi giận đúng một năm. Trong năm đó ba tôi không la rầy mà trở nên trầm lặng đến khó hiểu. Rồi ông đối xử với chúng tôi một cách lạ lùng. Hằng đêm ông đều giăng mùng, chong đèn đập muỗi cho cả hai ngủ, dù chúng tôi đã lớn bộn. Có lần anh em tôi đi chăn trâu về, ba tôi làm gà đãi như thượng khách. Ông lựa miếng ngon gắp cho từng đứa và giọng buồn buồn: “Ông bà nội tụi bây mãn phần sớm quá, không kịp chăm sóc con cháu nên tụi bây không biết công lao khai phá 20 công đất nhà mình của ổng bả. Má mầy ngày trước (lúc này má tôi đã qua đời) giỏi giang lắm, vậy mà không lo lắng chu đáo cho con nên tụi bây không nhớ công lao nuôi dưỡng của bả. Còn ba thì lo sợ lắm nên ba ráng lo...”. Nói xong, ông gắp cho mỗi đứa một miếng thịt gà rồi giọng ngọt sớt: “Ăn đi con!”.

Ba tôi nói tới đâu anh em tôi nổi da gà tới đó, rồi đâm sợ và không dám bỏ buổi lạy ông bà đêm giao thừa nào nữa. Hồi đầu thì lạy chiếu lệ nhưng riết rồi nhập tâm. Hễ chắp tay quỳ trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, trong một không gian thiêng liêng thành kính là lập tức trí tưởng tượng được khơi dòng, thấy cái dáng lực lưỡng cầm dao dọn rừng đến mướt mồ hôi của ông nội tôi, thấy má tôi trầm mình dưới nước cấy lúa trong những chiều mưa tối đất, để nuôi anh em tôi nên hình nên vóc. Cứ thế, một nhân cách, một tâm hồn đẹp hình thành hồi nào không biết. Đó là nhân cách, tâm hồn của những con người biết trước biết sau, tỏ tường công lao trời biển của ông bà cha mẹ. Người không tỏ tường công lao tổ tiên thì không thể hiểu được đất nước gấm vóc chúng ta được xây bằng máu xương, mồ hôi nước mắt thế nào. Đã không hiểu thì không thể yêu. Đã yêu thì nó còn làm ta hiểu và yêu nhiều thứ khác.

Tôi từ một làng quê cày sâu cuốc bẫm, đói nghèo tăm tối mà đi ra để viết văn làm báo, hành trang mang theo là chiếc giỏ đệm với hai bộ đồ mà ba má tôi làm mướt mồ hôi mới mua được. Thế nhưng lẫn trong những thứ đơn sơ ấy có những điều vô cùng quý giá, đó là những luân lý của nông dân. Cho nên với tôi, cả đời tôi, nông thôn là miền đất đầy ân tình và cảm động.

Lấy lễ đãi nhau

Tập quán “mùng một tết cha” vẫn được nhiều vùng ở Bạc Liêu giữ gìn đến hôm nay. Sáng mồng một là con cái cưới vợ gả chồng ở xa phải về để thắp nhang mừng tuổi ông bà cha mẹ, sau đó đi thắp nhang họ hàng rồi láng giềng. Ở làng tôi nếp này được giữ gìn rất chặt chẽ. Thế nên mối quan hệ của gia đình dòng họ, láng giềng ngày càng thắt chặt. Nhà có cúng cơm, làm nhà... thì dâu rể đến ở trước mấy bữa để giúp. Con cháu đi ngang ruộng ông cậu, chú, dì thấy có lỗ mọi khiến nước rỉ ra là cởi áo nhảy xuống vá ngay chứ không cần ai sai bảo.

Cho đến giờ này ở quê tôi ít nghe ai tranh chấp một thước đất. Người ta lấy lễ đãi nhau, tình làng nghĩa xóm vẹn toàn, đạo làm con sáng như gương. Người quê ít học vậy thì ai dạy họ những nếp sống mà bây giờ người ta gọi là nếp sống văn hóa? Ðó chính là truyền thống văn hóa đã được môi trường nông thôn nuôi dưỡng, giữ gìn, truyền từ đời này qua đời khác, tiêm nhiễm vào máu thịt người quê. Ðó cũng chính là cội nguồn sức mạnh của nông thôn, giúp cho nông dân vượt qua bao phen lận đận của đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm