Công an xã điều tra dễ vi phạm tố tụng

Tại phiên họp chiều 14-10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), có ý kiến cho rằng dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nên giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã, phường, thị trấn, đồn công an (gọi chung là công an cấp xã). Bởi lẽ trong nhiều trường hợp, đây là cơ quan đầu tiên, trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, cũng như phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người bị truy nã đang lẩn trốn trên địa bàn.

Năng lực hạn chế nên dễ vi phạm

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong phản đối ngay: “Cho công an cấp xã có quyền xác minh, lấy lời khai ban đầu là không phù hợp bởi trình độ, năng lực của lực lượng này còn hạn chế, không đảm bảo về mặt nghiệp vụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ án có vi phạm tố tụng”.

Đồng tình với ý kiến này nhưng Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng công an cấp xã là một cấp hành chính nên trước tiên giải quyết các vụ việc xảy ra bằng biện pháp hành chính. Nhiều tài liệu cơ quan này thu thập chỉ có giá trị tham khảo nhưng nhiều tài liệu cũng có giá trị phục vụ cho cơ quan tố tụng sau này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét: “Việc công an cấp xã lấy lời khai ban đầu là đúng bởi khi xảy ra sự việc thì người dân tìm đến chính quyền đầu tiên, khi ấy chính quyền phải ghi lại. Tuy nhiên, biên bản đầu tiên này chưa mang tính chất hình sự hay điều tra. Nếu sau này vụ án đó nghiêm trọng thì lúc ấy cơ quan điều tra (CQĐT) mới xem xét lại biên bản ban đầu này và chuyển hóa thành tài liệu tố tụng”.

 
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong: “Cho công an cấp xã quyền xác minh, lấy lời khai ban đầu là không phù hợp”. Ảnh: T.PHÚ

Điều tra phải chuyên sâu

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hiện cho hay: Đa số ý kiến của đại biểu QH cũng như ý kiến của UBTVQH đều cho rằng dự thảo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự không nên quy định nội dung điều tra trong trường hợp phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan khác. Bởi lẽ quy định thì sẽ vi phạm nguyên tắc của điều tra hình sự là “phân công, phân cấp chuyên sâu, rành mạch, tránh chồng chéo và được kiểm soát chặt chẽ”. Hơn nữa, tranh chấp về thẩm quyền điều tra phải do BLTTHS quy định. Do vậy, nội dung này đã được bỏ ra khỏi dự thảo mới nhất.

Về nội dung này, ông Nguyễn Hải Phong cho biết một trong những nguyên nhân khiến hồ sơ vụ án bị trả lại để điều tra bổ sung, dẫn tới kéo dài thời hạn là do điều tra không đúng thẩm quyền. Chẳng hạn lẽ ra điều tra ma túy lại đi làm án buôn lậu, điều tra án kinh tế lại làm án hình sự, điều tra tội phạm an ninh lại làm tội phạm kinh tế... “Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, điều tra lĩnh vực nào thì chỉ nên phụ trách lĩnh vực đó. Đồng thời, việc tách án trong BLTTHS khi không thuộc thẩm quyền của mình phải được VKS phê chuẩn chứ cứ tách án mà không giám sát chặt thì lại dễ chìm xuồng” - ông Phong nhấn mạnh.

“Không có còng, phải dùng dây thừng bắt người”

Ông Nguyễn Hải Phong còn đề cập tới việc dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự không đề cập đến thẩm quyền được sử dụng còng tay khi bắt tội phạm của CQĐT VKSND Tối cao.

Ông Phong than: “CQĐT VKSND Tối cao hiện nay bắt người cũng không có cả cái còng, phải dùng dây thừng” và dẫn chứng: Vừa rồi khi bắt ông Nguyễn Duy Hiệp (nguyên quyền chánh án TAND huyện Thanh Liêm, Hà Nam), CQĐT VKSND Tối cao đã phải dùng dây thừng để trói. Từ đó, ông Phong đề nghị “cần quy định rõ ràng, công bằng, điều tra cấp cục bên công an, quân đội có gì thì VKS cũng phải có cái đó”.

Trước ý kiến này, ông Nguyễn Văn Hiện cho rằng: CQĐT của công an và VKS không nhất thiết phải giống nhau vì còn phải phụ thuộc vào nhiệm vụ cụ thể được giao. Ông Phong phản bác: “Điều tra viên là người thực hiện lệnh bắt, BLTTHS cũng quy định như vậy. Ra lệnh bắt thì VKS phê chuẩn, sau khi có lệnh rồi thì điều tra viên CQĐT VKS phải bắt nhưng bắt lại không được dùng còng”. Ông Phong cho rằng nếu điều tra viên CQĐT VKS được giao nhiệm vụ bắt người thì phải được trang bị công cụ hỗ trợ phù hợp.

Về việc này, ông Lê Quý Vương nói: “Tất cả trường hợp bị bắt không nhất thiết phải dùng còng. Còng chỉ để đề phòng người vi phạm chạy trốn. Cái còng nằm trong công cụ hỗ trợ, chẳng ai cấm các anh trang bị cả”.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận: “Hiện nay pháp lệnh về công cụ hỗ trợ đã quy định rõ ai, khi nào được sử dụng công cụ hỗ trợ. Tôi đề nghị thực hiện theo tinh thần như vậy”.

Tách giam, giữ độc lập với CQĐT

Trong chiều 14-10, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Đa số các ý kiến trong UBTVQH đều cho rằng đề xuất của Bộ Công an về việc chuyển bốn trại giam cấp bộ hiện do Văn phòng CQĐT (Bộ Công an) quản lý cho Tổng cục An ninh điều tra và Tổng cục Cảnh sát điều tra quản lý là không phù hợp bởi các đơn vị này vẫn thực hiện nhiệm vụ điều tra. Việc một cơ quan đóng hai vai “vừa điều tra, vừa giữ người” dễ dẫn tới tình trạng bức cung, dùng nhục hình. Do đó, UBTVQH thống nhất tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp (Bộ Công an) quản lý.

Riêng trại tạm giam ở cấp tỉnh, nhà tạm giữ ở cấp huyện thì vẫn giữ nguyên như hiện nay vì đang do Cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống CQĐT cùng cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều