Công an xã được hỗ trợ điều tra?

Khoản 3 Điều 44 dự thảo Luật Tổ chức CQĐT hình sự mới nhất mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa đưa ra lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu: “Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì khám người, thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của bộ trưởng Bộ Công an; dẫn giải ngay người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho CQĐT có thẩm quyền”.

Cho hỗ trợ vì phù hợp thực tiễn?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đã có hai luồng quan điểm xung quanh điều này.

Luồng ý kiến thứ nhất ủng hộ việc luật hóa trách nhiệm hỗ trợ điều tra của công an cấp xã và đưa vào Luật Tổ chức CQĐT hình sự.

Giảng viên Lưu Đức Quang (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét quy định trách nhiệm của công an cấp xã như dự thảo là phù hợp với thực tiễn. Thực tế, công an cấp xã thường là cơ quan đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ điều tra. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì có những vụ việc không thể chuyển ngay đến CQĐT có thẩm quyền, mà nếu để lâu hơn thì gây khó khăn cho hoạt động điều tra sau này.

Một buổi diễn tập của công an xã phối hợp với các lực lượng truy bắt kẻ trộm. Ảnh: Yến Anh

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng cần quy định thật chặt chẽ hoạt động hỗ trợ của công an cấp xã. Lực lượng này mang yếu tố quyền lực công nên mọi hành xử phải theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn CQĐT có thẩm quyền tuyệt đối không được dựa vào hoạt động lấy lời khai ban đầu của công an cấp xã để hợp thức hóa thành văn bản pháp lý có giá trị chứng minh. Khi lấy lời khai ban đầu phải có mặt lực lượng có chức năng điều tra hình sự để tránh những sai lầm đáng tiếc như thời gian qua vì dù sao công an xã cũng chỉ là lực lượng bán chuyên trách. Cạnh đó, cần có chế độ khen thưởng xứng đáng, chế độ bảo vệ quyền lợi cho công an cấp xã khi gặp rủi ro trong quá trình đấu tranh với tội phạm…

Luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét: Dân thường còn có quyền bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã huống gì là công an cấp xã - lực lượng được giao quyền lực công. Những việc công an cấp xã đang làm như bảo vệ hiện trường, thu thập vài chứng cứ ban đầu thì cứ để họ làm. Nhưng phải xác định rõ đó không phải là hoạt động tố tụng. Mặt khác, có bảo vệ hiện trường thì cũng chỉ nên bảo vệ vòng ngoài để tránh làm xáo trộn hiện trường, mất dấu vết. Hoặc lấy lời khai thì phải gọi ngay cho lực lượng có chức năng điều tra chứ không được tùy tiện...

Không nên quy định trong luật này?

Luồng ý kiến thứ hai không đồng tình và cho rằng không nên quy định trách nhiệm của công an cấp xã trong Luật Tổ chức CQĐT hình sự vì công an cấp xã không phải là CQĐT, cũng không phải là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Theo luật gia Nguyễn Thanh Lương (Hội Luật gia TP.HCM), nên bỏ hẳn trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ điều tra của công an cấp xã trong dự thảo. Một số hoạt động của công an cấp xã hiện nay theo Pháp lệnh Công an xã đã hạn chế quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013. Nếu luật hóa trách nhiệm của công an cấp xã sẽ gián tiếp tăng thẩm quyền, càng hạn chế quyền công dân hơn.

Hơn nữa, công an cấp xã không được đào tạo bài bản, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ hạn chế nên dễ xảy ra sai sót khi thi hành pháp luật, tạo ra những bất cập và khó xác định trách nhiệm trong hoạt động điều tra nếu xảy ra rủi ro. Từ đó, luật gia Lương kết luận: “Khi điều kiện cho phép thì nên nâng Pháp lệnh Công an xã thành Luật Công an xã chứ không nên đưa vào Luật Tổ chức CQĐT hình sự”.

Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt vấn đề: “BLTTHS không quy định gì về công an cấp xã mà dự thảo Luật Tổ chức CQĐT hình sự lại quy định hoạt động phối hợp điều tra của công an cấp xã thì liệu có căn cứ?”. Trong khi đó, luật sư Bùi Viết Nông (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Chức năng hỗ trợ điều tra của công an cấp xã là hoạt động tiền tố tụng nhưng khoản 3 Điều 44 dự thảo Luật Tổ chức CQĐT hình sự lại chứa nhiều nội dung thuộc hoạt động điều tra chính thức. Theo tôi, nên bỏ hẳn Điều 44 này trong dự thảo”.

Hạn chế quyền công dân

Theo khoản 6 và 7 Điều 9 Pháp lệnh công an xã, công an cấp xã được tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang. Tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền. Lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của bộ trưởng Bộ Công an. Cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý vụ việc. Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp.

Theo UBTVQH, một số hoạt động trên đã hạn chế quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013. Do đó, UBTVQH chỉ tán thành việc quy định trách nhiệm phân công và phối hợp của công an cấp xã trong hoạt động điều tra hình sự như quy định tại Điều 44 dự thảo. Đây là cơ sở cho công an cấp xã được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người bị truy nã đang lẩn trốn trong địa bàn; thu giữ vũ khí, hung khí, tài liệu có liên quan và chuyển ngay cho CQĐT có thẩm quyền…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều