ĐỂ THỪA PHÁT LẠI PHÁT TRIỂN - BÀI CUỐI

Đẩy mạnh việc thừa phát lại thi hành án

Có một thực tế là số lượng vụ việc thi hành án (THA) dân sự đang ngày càng nhiều và phức tạp trong khi đội ngũ cán bộ THA thì bị quá tải. Ngược lại, số lượng việc THA của các văn phòng thừa phát lại (TPL) còn rất ít và họ luôn phải chờ việc với mong muốn được “chia lửa” cùng cơ quan THA.

Số lượng ít nhưng đạt kết quả cao

Ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng văn phòng TPL quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mặc dù số lượng việc THA của các văn phòng TPL còn thấp nhưng bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội. Ông Hùng dẫn chứng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh đã từng tổ chức THA theo đơn yêu cầu của một công ty tài chính với giá trị về tiền lên đến hơn 148 tỉ đồng. Nếu khách hàng không tin tưởng thì TPL không có cơ hội thi hành những vụ có giá trị đặc biệt lớn như vậy.

Theo ông Hùng, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn THA giữa cơ quan THA hoặc văn phòng TPL sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Việc THA của văn phòng TPL sẽ làm giảm tải công việc cho các cơ quan THA, đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân, phù hợp với sự phát triển của xã hội…

Theo thống kê của Văn phòng TPL quận 1 (TP.HCM), tính đến giữa năm 2015, văn phòng này đã tiếp nhận 37 vụ yêu cầu THA, đã thi hành xong 11 vụ với tổng giá trị thi hành được là hơn 15,6 tỉ đồng. Nhiều vụ việc rất khó nhưng bằng nỗ lực của các TPL, văn phòng cũng đã làm xong. Chẳng hạn, vụ Công ty Đ. thắng kiện trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, được tòa buộc Công ty C. phải trả hơn 7,4 tỉ đồng. Khi Công ty Đ. yêu cầu THA, Văn phòng TPL quận 1 đã nhanh chóng yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản ngân hàng và phối hợp với cơ quan hải quan phong tỏa kê biên được 43 container hàng hóa của Công ty C. đang tập kết ở cảng Cát Lái. Sau đó TPL đã tìm cách ngăn chặn việc xuất hàng rời khỏi cảng. Để tiến hành được các biện pháp kê biên, phong tỏa, ngăn chặn xuất hàng này là một chuỗi công việc rất công phu và khó khăn vì việc liên hệ với cơ quan hải quan, lãnh đạo cảng và hãng tàu là không hề dễ dàng. Nhưng bù lại, chỉ bốn ngày sau, vì áp lực xuất hàng, Công ty C. đã chịu thanh toán cho Công ty Đ. số nợ cộng lãi suất.

 
TPL Nguyễn Thị Hạnh (Văn phòng TPL quận 1, ngồi giữa) trong một vụ phối hợp cưỡng chế kê biên để THA. Ảnh: T.TÙNG

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng văn phòng TPL quận 1), không chỉ người dân trong nước, nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài cũng tin tưởng tìm đến văn phòng để yêu cầu tổ chức THA. Chẳng hạn, vụ một công ty nước ngoài thắng kiện một công ty Việt Nam và yêu cầu THA. Chỉ hơn 10 ngày sau khi nhận hồ sơ, Văn phòng TPL quận 1 đã thi hành dứt điểm, thu về cho công ty nước ngoài 300 triệu đồng. Sau đó vị tổng giám đốc người Malaysia đã đến cám ơn, cho biết hết sức bất ngờ và thán phục về khả năng làm việc của TPL ở Việt Nam.

Vụ khác, một doanh nhân người Nhật là người phải THA có ý định bỏ về nước khi Văn phòng TPL quận 1 đang thụ lý THA. Văn phòng TPL quận 1 đã phối hợp với Cục THA và Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) ngăn chặn việc xuất cảnh này. Thấy vậy, vị doanh nhân người Nhật này đã lo thi hành hết nghĩa vụ của mình để được quyền về nước qua cửa khẩu Việt Nam.

Tăng quyền ngang chấp hành viên

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THA của TPL, ông Nguyễn Tiến Pháp (Trưởng văn phòng TPL quận Thủ Đức, TP.HCM) đề xuất: Các tòa án nơi văn phòng TPL có trụ sở nên tạo điều kiện để TPL được bố trí bàn làm việc gần khu vực tòa thụ lý, phát hành bản án. Người dân sẽ biết đến chức năng tổ chức THA của TPL nhiều hơn và có thêm cơ hội để lựa chọn cơ quan THA hay văn phòng TPL đứng ra tổ chức THA cho mình. Ngoài ra, nên quy định cho phép cơ chế TPL được quyền nhận bản án hoặc quyết định của tòa để tự tiếp xúc, giới thiệu chức năng THA của mình đến cá nhân, tổ chức có nhu cầu THA.

Bà Nguyễn Thị Hạnh đề nghị về pháp lý, cần sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng thẩm quyền THA của TPL ngang bằng như chấp hành viên. Chẳng hạn, hiện nay với trường hợp cưỡng chế THA cần huy động lực lượng bảo vệ, TPL phải lập kế hoạch cưỡng chế và có văn bản báo cáo, xin ý kiến của ban chỉ đạo THA cấp huyện nơi văn phòng TPL đặt trụ sở. Trên cơ sở nhất trí của cơ quan này, TPL lại phải lập kế hoạch và báo cáo cục trưởng Cục THA cấp tỉnh xem xét ra quyết định và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế. Lẽ ra luật nên giao việc này cho các văn phòng TPL tự làm và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“TPL là một chức danh bổ trợ tư pháp do Bộ Tư pháp công nhận, có chức năng tổ chức THA cũng như vị trí ngang bằng với chấp hành viên. Không nên để TPL lệ thuộc vào cơ quan THA vì nếu xảy ra rủi ro trong quá trình cưỡng chế THA thì không biết người đứng đầu cơ quan THA hay TPL phải chịu trách nhiệm” - bà Hạnh nói.

Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng nếu có quy định TPL ngang quyền với chấp hành viên thì việc THA sẽ trở nên dễ dàng hơn với TPL. Khi TPL phát triển đến số lượng nhiều và chất lượng tốt hơn thì mảng công việc về THA sẽ đạt hiệu quả cao. Lúc đó cơ quan THA sẽ được giảm tải công việc, có thể sẽ thực hiện chức năng quản lý, còn TPL là nơi tổ chức thực hiện THA chủ yếu. Tức là các văn phòng TPL phải dần thay thế công việc của cơ quan THA hiện nay. Làm được như vậy thì mục tiêu xã hội hóa hoạt động THA mới thành công. Còn nếu cứ tiếp tục duy trì quy định kiểu “bó chân bó tay” như hiện nay thì các văn phòng TPL rất khó thoát khỏi được cái bóng của cơ quan THA.

“Cơ quan THA rất cần TPL hợp tác”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Lực (Cục trưởng Cục THA TP.HCM) tại hội nghị đánh giá kết quả thí điểm chế định TPL ở TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức gần đây.

Theo ông Lực, Cục THA rất kỳ vọng hoạt động trực tiếp tổ chức THA của TPL sẽ chia sẻ được công việc của cơ quan THA. TPL là người bạn đồng hành chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ trên tinh thần hợp tác chân thành, cạnh tranh lành mạnh với cơ quan THA. Có cạnh tranh lành mạnh thì mới có chuyển biến tích cực. Đối với công việc của TPL thì người dân có lợi, cơ quan THA cũng có lợi nên phải hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ.

Đừng bỏ lỡ