Không thể sung công tiền lừa ‘chạy việc’, ‘chạy án’

Tháng 4-2013, ông NVH (ngụ Bến Tre) đã nhờ em họ tìm người giúp con trai mình vào làm trong ngành hải quan. Em họ của ông H. bèn hỏi người em rể của mình ở TP Cần Thơ xem có biết ai thì nhờ lo xin việc cho con ông H.

Tòa sung công tiền “chạy việc”

Người em rể này lại hỏi Trương Anh Vũ là có biết người nào lo xin việc được vào ngành hải quan hay không. Vũ nói: “Có người anh quen biết nhiều người có chức vụ lớn, sẽ lo được”. Vì vậy, người em rể đã xin số điện thoại của Vũ rồi đưa cho em họ của ông H.

Sau đó, Vũ bàn với một người tên Vững (chưa rõ địa chỉ) để thống nhất cách nói chuyện, giá tiền. Khi em họ của ông H. liên lạc, Vũ nói sẽ xin việc được cho con ông H. vào ngành hải quan nhưng phải chi 170 triệu đồng. Em họ của ông H. về nói lại với ông H. là có người nhận lời nhưng phải chi 200 triệu đồng. Ông H. đồng ý.

Ban đầu, Vũ nói em họ của ông H. đưa 40 triệu đồng (có làm biên nhận). Vũ về đưa tiền cho Vững, được Vững chia lại 10 triệu đồng. Tiếp đó, Vũ nói em họ ông H. đưa 30 triệu đồng. Lần này Vũ được Vững chia 10 triệu đồng. Vũ còn hẹn phía ông H. chuẩn bị 120 triệu đồng và vào ngày 6-9-2013 đến quán cà phê trước cổng Cục Hải quan TP Cần Thơ để gặp Vũ. Tới ngày này, nhận tiền và hồ sơ xin việc xong, Vũ tìm cách bỏ về, đưa tiền cho Vững và được Vững chia lại 30 triệu đồng. Không thấy Vũ quay lại, ông H. đã trình báo công an.

CQĐT còn xác định Vũ từng giả danh “cán bộ cấp cao” của một ngân hàng và “nổ” có khả năng xin việc ở ngân hàng này để lừa gần 40 triệu đồng của ba người khác.

Mới đây, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã xử sơ thẩm, phạt Vũ bảy năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, tòa còn buộc Vũ phải nộp sung công 203 triệu đồng (số tiền Vũ chiếm đoạt chưa trả lại cho ba nạn nhân). Tòa cho rằng các nạn nhân này đã nhờ bị cáo chạy chọt xin việc. Giao dịch giữa các nạn nhân và bị cáo là giao dịch trái pháp luật nên phải sung công số tiền “chạy việc”.

Bị cáo Trương Anh Vũ tại phiên xử sơ thẩm mới đây của TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: N.NAM

Tòa trả lại tiền “chạy án”

Ở một vụ lừa đảo khác, TAND quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) lại tuyên trả số tiền bị cáo lừa “chạy án” cho nạn nhân.

Theo hồ sơ, tháng 11-2013, Nguyễn Minh Châu bị TAND quận Bình Thủy phạt ba năm tù về tội tổ chức đánh bạc. Trong thời gian chờ xử phúc thẩm, Châu nhờ Nguyễn Văn Hải (anh họ bên vợ) tìm người giúp Châu hưởng án treo.

Hải kể chuyện này với Nguyễn Đào Long (hàng xóm của Hải) và cả hai bàn kế hoạch lừa nạn nhân. Long tự nhận là cảnh sát hình sự, có cậu là lãnh đạo công an tỉnh, có quen người có thể lo cho Châu hưởng án treo. Tin tưởng, gia đình Châu đã đưa cho Hải, Long 50 triệu đồng để “lo việc”.

Sau đó, TAND TP Cần Thơ tuyên y án ba năm tù với Châu. Lúc này, Hải và Long tiếp tục thuyết phục gia đình Châu rằng sẽ “chạy” cho Châu được miễn chấp hành hình phạt tù. Gia đình Châu lại tin tưởng, tiếp tục đưa tiền. Đến khi Châu phải đi thụ án, Hải và Long vẫn tiếp tục lừa gia đình Châu với lời hứa sẽ “bốc” Châu ra khỏi trại giam. Một lần nữa gia đình Châu lại chuyển tiền cho Hải, Long làm “kinh phí”.

Đầu tháng 5-2014, gia đình Châu mới tố cáo ra công an việc bị Hải, Long lừa chiếm đoạt tổng cộng 415 triệu đồng. Sau đó, CQĐT chỉ chứng minh được Hải và Long đã chiếm đoạt của gia đình Châu 369 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đã phạt Hải năm năm sáu tháng tù, Long năm năm tù, đồng thời buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho phía bị hại 369 triệu đồng...

Nếu như trong vụ lừa “chạy việc”, tòa sơ thẩm cho rằng giao dịch giữa bị cáo và những người bị hại là giao dịch trái pháp luật nên sung công số tiền “chạy việc” thì ở vụ lừa “chạy án” này, thẩm phán xử sơ thẩm lại có lập luận khác hẳn. Theo vị thẩm phán này, bị cáo đã gian dối ngay từ đầu để lừa lấy tiền của phía bị hại. Số tiền này là vật chứng trong vụ án lừa đảo, là tài sản của phía bị hại do các bị cáo chiếm đoạt bằng hành vi gian dối nên phải trả lại cho họ.

Trả lại mới đúng!

Về mặt pháp lý, luật sư Trần Chấn Hoàng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nhận xét: Một khi cơ quan tố tụng đã xác định đó là vụ án lừa đảo, những người nhờ “chạy việc”, “chạy án” là những người bị hại thì tòa phải trả lại số tiền “chạy việc”, “chạy án” cho họ theo Điều 76 BLTTHS.

Đồng tình, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM Phạm Công Hùng phân tích: Thứ nhất, khoản 1 Điều 51 BLTTHS định nghĩa người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Thiệt hại của người bị hại là đối tượng tác động của tội phạm. Như vậy hiểu nôm na họ là người bị thiệt hại về tài sản, do tin tưởng vào người phạm tội nên mất tài sản, vì thế họ có quyền nhận lại tài sản của mình.

Thứ hai, Điều 139 BLHS (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) cũng quy định “người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ…”. Quy định này nói rõ tài sản là vật chứng đã bị chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối của người phạm tội chứ không phải người bị hại chủ động dùng tài sản đó đưa cho người phạm tội giống như hành vi đưa hối lộ.

Thứ ba, khoản 2 Điều 51 BLTTHS quy định về quyền của người bị hại cho phép họ được đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường, trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Vì thế không thể dùng lập luận giao dịch giữa bị cáo và người bị hại là trái pháp luật để tuyên sung công tiền vật chứng.

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) bổ sung: Điều 76 BLTTHS (về xử lý vật chứng) liệt kê các trường hợp tịch thu sung công thì không có trường hợp nào là tiền đã dùng giao dịch trong vụ án lừa đảo cả. Ngoài ra, khoản 2 Điều 41 BLHS (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm) cũng quy định rõ đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Khái niệm tiền bị người phạm tội chiếm đoạt trong quy định trên bao gồm cả tiền bị chiếm đoạt trong tội lừa đảo.

Tuyên không công bằng

Trong vụ lừa “chạy việc”, bị cáo Trương Anh Vũ đã lừa tổng cộng bốn người nhưng TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) chỉ buộc Vũ nộp sung công số tiền đã chiếm đoạt của ba người mà Vũ chưa trả cho họ là 203 triệu đồng. Đối với phần tiền của người bị hại còn lại (5,5 triệu đồng), do bị cáo đã trả lại cho người này nên tòa... không xét. Mặt khác, do người này vắng mặt tại phiên xử nên tòa tách ra “thành vụ kiện khác khi có yêu cầu”.

Theo luật sư Trần Chấn Hoàng, việc TAND quận Ninh Kiều xử lý vật chứng như trên là không công bằng, không triệt để. Một khi đã quyết định sung công tiền “chạy việc” thì tòa phải tuyên sung công cả 5,5 triệu đồng mà bị cáo đã trả lại cho một người bị hại, tức buộc người này phải nộp lại số tiền đó. Chứ xử như tòa, cùng là tiền bỏ ra “chạy việc” nhưng người bị sung công, người được giữ lại là hoàn toàn không ổn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều