Tăng mức hình phạt với kẻ mua bán người

Tại buổi tọa đàm về dự thảo BLHS (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 10-11, Đại tá Lê Văn Chương (Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an) cho biết hoạt động tội phạm mua bán người tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp, có xu hướng tăng và quốc tế hóa.

Mua bán người lộng hành

Theo Đại tá Chương, từ năm 2011 đến nay cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 2.200 vụ với 3.300 đối tượng, lừa bán gần 4.500 nạn nhân. So với cùng thời gian trước đã tăng 11,63% số vụ (2.205/1.896)... Những kẻ mua bán người thường lợi dụng tình trạng khó khăn kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, dân trí thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán từ nông thôn ra thành thị. Trong đó hơn 85% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Hoặc những kẻ mua bán người đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của học sinh, sinh viên để lừa bán.

Tình trạng mua bán người đang diễn ra trên khắp cả nước. Đáng chú ý đã xuất hiện cả tình trạng mua bán đàn ông, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê, trong đó có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai sang Trung Quốc. “Điển hình như năm 2011 đã xảy ra vụ Nguyễn Thị Ngọc Hiền (Đồng Nai) thu gom 25 trẻ sơ sinh bán sang Trung Quốc. Tiếp đó, Công an TP Cần Thơ bắt 10 đối tượng đưa 75 người thuộc các địa phương phía Nam sang Trung Quốc, Singapore bán thận. Riêng ở Hà Giang, từ năm 2010 đến nay phát hiện gần 80 vụ mua bán, chiếm đoạt hơn 100 trẻ em” - Đại tá Chương cho hay.

Phiên tòa xét xử một đối tượng mua bán trẻ em.  Ảnh:  Lam Giang

Khó xử lý hình sự

Dù tình hình như thế nhưng theo Đại tá Chương, BLHS hiện hành lại đang có nhiều bất cập, vướng mắc nên khó xử lý hình sự kẻ mua bán người về tội mua bán người, mua bán trẻ em.

Cụ thể, Điều 119 và Điều 120 BLHS đều không mô tả hành vi khách quan của tội mua bán người và tội mua bán trẻ em. Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01 ngày 23-7-2013 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em thì phải chứng minh được mục đích tư lợi. Việc chứng minh yếu tố tư lợi này trong nhiều trường hợp rất khó khăn do chứng cứ buộc tội chủ yếu dựa vào lời khai của người bị hại, trong khi người bị hại thường không biết được kẻ mua bán mình đã hưởng lợi bao nhiêu hoặc có thỏa thuận gì về việc hưởng lợi hay không. Người bị hại cũng không nhìn thấy việc giao nhận tiền bạc giữa kẻ mua và người bán. Nghi can thì một mực không thừa nhận việc hưởng lợi.

“Nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự nghi can về tội mua bán người, mua bán trẻ em mà chỉ có thể xử lý về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép hoặc tội môi giới mại dâm” - Đại tá Chương nói.

Sửa quy định, tăng mức hình phạt

Đại tá Chương đề nghị cần xem mục đích yếu tố “để bóc lột” và “giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” là một trong những yếu tố bắt buộc của cấu thành tội mua bán người. Đây chính là dấu hiệu quan trọng để phân biệt tội phạm mua bán người với một số tội phạm khác như đưa người di cư trái phép. So sánh tội phạm mua bán người với tội phạm đưa người di cư trái phép cho thấy cùng là một hành vi đưa người sang bên kia biên giới nhưng sau đó người di cư trái phép được tự do định đoạt cuộc sống, còn người bị buôn bán thì phải sống trong sự kìm tỏa và bóc lột bởi bọn buôn người (thu lợi nhuận từ việc người đó hoạt động mại dâm, bóc lột tình dục hoặc lao động khổ sai…).

Đại tá Chương cũng đề nghị tăng mức hình phạt với hành vi mua bán người: Tăng mức khởi điểm của hình phạt tù từ hai năm (khoản 1 Điều 119 BLHS) lên năm năm. Mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (khoản 3 Điều 119 BLHS) cần tăng lên từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Đối với tội mua bán trẻ em, cần tăng mức khởi điểm của hình phạt tù từ ba năm (khoản 1 Điều 120 BLHS) lên bảy năm. Mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (khoản 3 Điều 220) cần tăng lên từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đồng tình, TS Ngô Thị Minh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) cũng cho rằng cần làm rõ các hành vi cụ thể về mua bán người, mua bán trẻ em như chuyển giao, tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất, có những điều chỉnh phù hợp với những diễn biến của thực tiễn, tăng mức phạt tù và phạt tiền. Đặc biệt, TS Minh còn đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa lên tới 14 tỉ đồng.

Cạnh đó, TS Minh đề nghị tăng mức hình phạt tù từ tám đến 12 năm thay vì từ năm năm đến 10 năm như quy định tại khoản 1 Điều 120 BLHS để bảo đảm tính răn đe, giáo dục đối tượng phạm tội. Đồng thời, cần bổ sung vấn đề bồi thường thiệt hại cho cha mẹ, người giám hộ của nạn nhân là trẻ em khi họ phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đi tìm con em mình. “Cần nghiên cứu, bổ sung quy định để xử lý hành vi buôn bán xuyên biên giới đối với bào thai của phụ nữ. Đây là vấn đề phức tạp mà BLHS chưa quan tâm thỏa đáng” - TS Minh nói.

Đề xuất bổ sung hai tội danh mới

Theo Đại tá Lê Văn Chương, tình trạng mua bán người dưới dạng xuất khẩu lao động cũng diễn ra phức tạp. Các chủ lao động thông qua tuyển dụng lao động, đưa người ra nước ngoài với thủ đoạn thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức, lạm dụng tình dục... Điển hình như vụ Công ty Vinastar và Garizon Open tại Liên bang Nga đưa 100 lao động Việt Nam sang Nga cưỡng bức lao động bị cơ quan chức năng phát hiện trục xuất về nước. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng chưa đưa ra truy tố, xét xử vụ án nào liên quan đến lĩnh vực này.

Để ngăn chặn tình trạng này, Đại tá Chương cho rằng BLHS (sửa đổi) lần này cần bổ sung hai tội danh mới có liên quan trực tiếp đến tội phạm mua bán người gồm tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người và tội cưỡng bức lao động. Đặc biệt, cần bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (các trung tâm, công ty môi giới) để bảo vệ nạn nhân.

Các nơi xử lý chưa thống nhất

Từ năm 2010 đến nay TP.HCM đã phát hiện, ngăn chặn 38 vụ môi giới hôn nhân trái phép cho người nước ngoài với hơn 200 đối tượng tham gia nhưng chưa khởi tố vụ án mua bán người nào.

Trong khi đó, cùng thời gian này Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các đơn vị liên quan khởi tố 19 vụ án mua bán người sang Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp, bắt 185 đối tượng (có 72 người Trung Quốc).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều