Có thể uỷ quyền cho mẹ giải quyết việc ly hôn?

Con gái tôi hiện là công nhân ở khu chế xuất nên công việc liên tục khó xin nghỉ làm để ra toà nộp đơn yêu cầu ly hôn. Vừa qua, tôi đến toà án để nộp đơn ly hôn thay cho con (đơn này con tôi tự viết và ký tên) nhưng cô cán bộ toà yêu cầu phải đích thân đi nộp thì mới được. Ly hôn tốn nhiều thời gian nên con tôi có thể uỷ quyền cho tôi ra toà thay được không?

Bà Phạm Thị Bích Hà (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Luật sư LÊ ĐĂNG LIỆU, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Đăng Liệu (TP.HCM), trả lời: Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Căn cứ vào quy định trên thì bà không thuộc trường hợp được quyền nộp đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của con gái mình.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 quy định đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.

Như vậy, con gái của bà phải là người nộp đơn yêu cầu toà án giải quyết việc ly hôn của mình chứ không thể uỷ quyền cho bất kỳ ai khác kể cả bà (trừ trường hợp khoản 2 Điều 51 Luật trên).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều