Việt kiều kiện ủy ban huyện, tòa nào xử?

Trước đây, bà HTT (Việt kiều Bỉ) đã về nước khởi kiện vụ án hành chính đối với UBND một huyện, yêu cầu tòa án huyện này hủy giấy đỏ ủy ban cấp cho người khác mà theo bà T. là trái pháp luật, xâm phạm đến tài sản thừa kế của cha mẹ bà để lại.

Huyện chuyển lên, tỉnh trả xuống

Thụ lý vụ kiện này được một thời gian, tòa án huyện đã chuyển hồ sơ lên tòa án tỉnh với lý do vụ án có yếu tố nước ngoài (bà T. là Việt kiều định cư tại Bỉ), có những thủ tục cần phải ủy thác tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án mà tòa cấp huyện sẽ không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, mới đây tòa án tỉnh đã trả lại hồ sơ và yêu cầu tòa án huyện giải quyết sơ thẩm. Theo tòa tỉnh, theo các điều 28, 29, 30 Luật Tố tụng hành chính 2010, tòa cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng địa giới hành chính với tòa cấp huyện đó. Ở đây, bà T. kiện ủy ban huyện nên dù bà là Việt kiều định cư tại nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vẫn phải thuộc về tòa án huyện.

Cần bổ sung quy định

Những vụ các tòa địa phương lúng túng về thẩm quyền khi Việt kiều định cư tại nước ngoài khởi kiện hành chính như trường hợp của bà T. kể từ khi Luật Tố tụng hành chính 2010 có hiệu lực không phải là hiếm.

Có chuyện này bởi Luật Tố tụng hành chính 2010 không phân biệt vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài như BLTTDS. Trong tố tụng dân sự, án có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp tỉnh (trừ một số tòa cấp huyện được tăng thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong trường hợp không phải ủy thác tư pháp). Tuy nhiên, với án hành chính, việc phân biệt thẩm quyền giải quyết sơ thẩm căn cứ vào đối tượng hành chính bị khởi kiện và thẩm quyền ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện chứ không căn cứ vào vụ án có yếu tố nước ngoài hay không.

Điều 4 Nghị quyết 02 ngày 29-7-2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính 2010) có hướng dẫn tòa cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện trong trường hợp vụ án có đương sự, hoặc tài sản ở nước ngoài, hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước ta ở nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Tuy nhiên, hướng dẫn này không phải là luật, mặt khác nó mang tính tùy nghi (có thể) chứ không mang tính bắt buộc là tòa cấp tỉnh phải thụ lý, giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài. Do đó vẫn có những vụ việc tòa cấp tỉnh từ chối và yêu cầu tòa cấp huyện phải giải quyết.

Việc Luật Tố tụng hành chính 2010 không có quy định cụ thể về giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài đã làm các tòa có sự nhận thức, áp dụng pháp luật chưa thống nhất dẫn tới việc khởi kiện của đương sự là Việt kiều định cư tại nước ngoài gặp khó khăn hoặc kéo dài hơn so với công dân Việt Nam. Do đó, dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung một chương mới về thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài (Chương XVIII với các điều từ Điều 299 đến Điều 309).

Theo tôi, việc bổ sung Chương XVIII về việc giải quyết án hành chính có yếu tố nước ngoài trong dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, để áp dụng pháp luật thống nhất về thẩm quyền xét xử, cần bổ sung quy định tại Điều 33 dự thảo là việc giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài quy định tại Chương XVIII thuộc thẩm quyền của tòa cấp tỉnh.

Tố tụng hành chính khác dân sự

Sau khi Luật Tố tụng hành chính 2010 có hiệu lực (1-7-2011), Tòa Hành chính TAND TP.HCM cũng đã nhận được nhiều vụ án hành chính mà nhiều tòa quận, huyện chuyển lên để giải quyết theo thẩm quyền với lý do người khởi kiện định cư ở nước ngoài. Trong những vụ án này, đối tượng khởi kiện hành chính là các quyết định do cơ quan cấp quận, huyện ban hành. Tòa Hành chính TAND TP.HCM đã căn cứ vào Điều 28, 29, 30 Luật Tố tụng hành chính 2010 để chuyển hồ sơ về lại cho các tòa quận, huyện với lý do vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp tỉnh.

Trong một tài liệu tập huấn gần đây, Tòa Hành chính TAND TP.HCM cũng lưu ý các tòa quận, huyện là thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện trong tố tụng hành chính khác với tố tụng dân sự, phải căn cứ vào đối tượng hành chính bị khởi kiện và thẩm quyền ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện để xác định thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều