Xử án treo theo chỉ đạo: Sai nghiêm trọng!

Theo luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM), điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo) quy định chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi họ có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.

Xử sai hướng dẫn

Đối chiếu với trường hợp của ba bị cáo Phạm Đức Thảo, Nguyễn Tiến Hải, Lê Xuân Trường, luật sư Tâm khẳng định việc TAND thị xã Hồng Lĩnh cho họ được hưởng án treo về tội đánh bạc là hoàn toàn sai hướng dẫn trên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Bởi lẽ ba người này đều đang có tiền sự, thuộc trường hợp không đủ điều kiện được hưởng án treo.

Nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Phạm Công Hùng bổ sung: Việc TAND thị xã Hồng Lĩnh cho bị cáo Thảo (có thông tin là người nhà một lãnh đạo TAND Tối cao) được hưởng án treo lại càng sai nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ VKS xác định Thảo là người khởi xướng, trực tiếp tham gia, dùng nhà mình làm địa điểm đánh bạc, có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Trong khi đó khoản 2 Điều 3 BLHS quy định rõ nguyên tắc xử lý là “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy…”. Điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 cũng quy định không cho hưởng án treo đối với người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy.

Vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập

Bên cạnh đó, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: Việc thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cho biết phải xử án treo theo chỉ đạo của chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh, rồi chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh thừa nhận chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh gọi điện thoại yêu cầu xử án treo đã vi phạm trắng trợn nguyên tắc hiến định là “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm” (khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 2013). Nó cũng vi phạm trắng trợn nguyên tắc tố tụng hình sự cơ bản là “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 16 BLTTHS).

“Về mặt xã hội, đây còn là trường hợp thể hiện sự can thiệp quá sâu, dùng quyền lực hành chính chỉ đạo hoạt động xét xử của cấp dưới khiến cấp dưới buộc phải tuân theo dù biết là sai” - luật sư Tuấn nói thêm.

“Bản án sơ thẩm bị VKSND thị xã Hồng Lĩnh kháng nghị là hoàn toàn chính xác, có căn cứ pháp luật rất rõ ràng” - ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao) cũng nhận xét. Theo ông Quế, trách nhiệm sửa cái sai của tòa sơ thẩm lúc này thuộc về TAND tỉnh Hà Tĩnh. “Vụ việc đã bị phanh phui ra công luận nên tôi bảo đảm rằng trong phiên xử phúc thẩm sắp tới, có các vàng thì TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng không dám y án sơ thẩm, cho ba bị cáo Thảo, Hải, Trường hưởng án treo nữa đâu” - ông Quế dự đoán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều