Án tử hình cho cả gia đình

Trong một phiên xử vào quí IV-2012, tòa án Delhi đã phán quyết án tử hình đối với một gia đình gồm cha, mẹ, anh ruột, người bác và cô của chính nạn nhân.

Nạn nhân là cô gái Asha đã bị chính gia đình mình đánh đập và chích điện tới chết. Vụ giết người này đã khiến cả thủ đô Ấn Độ sửng sốt.

Hai nạn nhân: Yogesh và Asha.

Thảm sát đêm khuya…

Hơn hai năm về trước, vào khuya 16-6-2010, Umesh Kumar và vợ là Satvati Devi thức dậy khi nghe những tiếng kêu khóc lớn từ căn nhà kế bên, thuộc khu vực ngoại ô mạn tây bắc của thủ đô Delhi. Bà Devi kể: “Tôi nghe thấy tiếng của Asha khóc, năn nỉ: “Hãy giết con nhưng xin đừng động đến anh ấy”. Asha yêu chàng trai Yogesh và họ muốn kết hôn với nhau”.

Trong cộng đồng nghèo khổ này, những căn nhà nhỏ xíu nằm chen chúc nhau và giấy dán tường không thể cách âm. Khi những tiếng kêu khóc ban đêm trở nên không thể chịu nổi, ông Kumar cố can thiệp. Ông kể: “Khi tôi bước vào nhà, tôi nhìn thấy Yogesh bị trói bằng dây thừng, khắp người chằng chịt vết thương. Họ đang đánh Asha”. “Họ” là Omprakash Saini (bác của Asha), Suraj Saini (cha Asha), Maya (mẹ Asha), Sanjeev (anh Asha) và bà cô Khusboo.

Ông Kumar kể tiếp: “Tôi cố cứu cô gái nhưng họ đẩy tôi ra. Họ làm bể cặp mắt kiếng của tôi. Họ nói tôi không nên can thiệp bởi đây là chuyện nội bộ gia đình họ”. Họ lên tiếng đe nẹt ông Kumar không được báo cảnh sát.

Ông Kumar nói: “Tôi bị đẩy ra khỏi nhà. Tôi định gọi điện thoại công cộng nhưng trạm đóng cửa vào ban đêm, trong khi đó các nhà hàng xóm e ngại dính vào việc này”. Những tiếng kêu khóc đột ngột chấm dứt vào lúc 4 giờ sáng. Theo lời vợ của Kumar: “Chúng tôi thắc mắc không rõ đã xảy ra chuyện gì với Asha và Yogesh”.

Khi cảnh sát có mặt vào buổi sáng hôm sau, hai thi thể của đôi bạn trẻ được khiêng ra ngoài. Một sĩ quan cảnh sát cao cấp kể lại: “Miệng của họ bị nhét giẻ. Có dấu hiệu bị đánh và nhiều vết phỏng nhỏ ở chân gây suy đoán họ đã có thể bị gí điện”.

Gia đình của chàng trai Yogesh nói: “Nếu họ muốn giết con gái thì họ cứ việc. Nhưng sao họ lại giết luôn con, cháu chúng tôi?”.

Một người hàng xóm chỉ ngôi nhà nơi đôi trẻ bị đánh, tra tấn và giết chết.

“Giết người vì danh dự”

Renu Jatav, chị của Yogesh, bật khóc khi nghe hỏi về em trai mình. Cô nói: “Tôi không thể nào ngờ chuyện này lại xảy ra. Yogesh ăn cơm tối với tôi. Đến 9 giờ 30 tối thì mẹ của Asha tới gọi em trai tôi lấy taxi vì có người cần đi. Yogesh lập tức đi theo bà ấy”.

Rakesh Kumar, anh rể của Yogesh, kể lại trong sự tức giận: “Có khoảng 4-5 nhân viên cảnh sát đến nhà chúng tôi vào sáng hôm sau. Họ nói Yogesh đã chết. Chúng tôi muốn họ bị trừng phạt thật nặng, họ phải bị tử hình”.

Một người hàng xóm, Meera Devi, bày tỏ: “Yogesh là một chàng trai tốt. Vì thế chúng tôi hết sức giận dữ khi hay tin này. Chúng tôi muốn công lý phải được thực thi”.

Trong khi đó, Omprakash Saini (bác của Asha) ngang ngược nói với các phóng viên sau khi bị bắt: “Tôi chẳng hối hận chút nào. Tôi vẫn sẽ trừng phạt chúng nếu có cơ hội”.

Cảnh sát miêu tả vụ giết người này là một trường hợp “giết vì danh dự”. Gia đình Asha phản đối đám cưới bởi vì họ cho rằng Yogesh thuộc một đẳng cấp thấp hơn. Những vụ “giết người vì danh dự” vẫn thường xảy ra tại các bang như Punjab, Haryana, Uttar Pradesh ở mạn tây, tuy nhiên đây lại là chuyện rất bất thường tại thủ đô Delhi.

Phụ tá ủy viên cảnh sát Pankaj Kumar Singh, đóng ở Swaroop Nagar, nói mặc dù khu vực ngoại ô này là một phần của thủ đô nhưng cách suy nghĩ của dân chúng tại đây vẫn còn rất bảo thủ. “Đa số họ là di dân từ các bang Uttar Pradesh và Bihar. Họ vẫn cắm đầu cắm cổ tin vào truyền thống về đẳng cấp, tin vào quá khứ” - ông Singh giải thích thêm.

Tại nhà của Asha, họ hàng của cô tụ tập lại bàn tán, tìm cách đối phó. Người anh họ Lokesh Kumar Saini cho biết: “Chúng tôi đã nói chuyện với Yogesh cùng gia đình hắn trước đó và nói chúng nên xa nhau. Chúng tôi đã tìm được một đám tốt, xứng đáng với Asha và cô gái đã hứa hôn. Các bậc phụ huynh sẽ làm gì khi thấy con gái mình đú đởn với một người đàn ông khác? Mọi người sẽ làm gì nếu lâm vào tình trạng như vậy? Đó là lý do tại sao bác tôi giết chết chúng”.

Một người bác khác của Asha, Titoo Saini, tin rằng “giết chúng là đúng”. Theo ông: “Chúng tôi làm vậy vì danh dự. Đối với chúng tôi, danh dự trong cộng đồng chúng tôi và xã hội là tối cao”.

Khu phố nghèo nơi Yogesh sinh sống. 

Áp lực của truyền thống

“Asha khi còn là một đứa bé từng nô giỡn trong tay tôi. Giờ đây, tôi ẵm nó trong đám tang. Điều này chẳng khiến tôi đau đớn sao?” - ông Titoo phân trần và đặt câu hỏi - “Nếu Asha chạy trốn với Yogesh, danh dự của chúng tôi còn lại gì? Hơn nữa, điều này sẽ đặt tiền lệ xấu cho bọn trẻ khác trong gia đình. Chúng có thể cũng bắt chước. Và rồi sẽ là cái chết chậm chạp và đau đớn đối với những người còn sống như chúng tôi”.

Titoo Saini cũng nói rõ rằng kết hôn ngoài đẳng cấp còn xấu xa hơn cả giết người: “Làm cách nào chúng tôi có thể cho phép kết hôn ngoài đẳng cấp? Điều này không thể dung thứ”.

Trong xã hội truyền thống Ấn Độ, phụ nữ thường bị coi là sở hữu của gia đình. Việc kết hôn được cha mẹ và những người họ hàng lớn tuổi sắp xếp, bất chấp sự phản đối từ các cô gái.

Tuy nhiên, niềm tin truyền thống ấy trở thành xung đột đối với mong ước của giới trẻ cư ngụ ở thành phố và chịu ảnh hưởng của nếp sống văn minh hiện đại. Đôi khi sự xung đột dẫn đến những hậu quả ghê gớm, như trường hợp của Asha và Yogesh.

Mặc dù gia đình Asha chẳng khá giả gì hơn gia đình Yogesh nhưng họ lại thuộc đẳng cấp cao hơn. Trong xã hội Hindu, những đẳng cấp khác nhau được phân chia trong những nhóm xã hội khác nhau và một thành viên thuộc đẳng cấp cao hơn kết hôn với người thuộc đẳng cấp thấp hơn thường bị coi là mang lại nhục nhã.

Yogesh Kumar Jatav 21 tuổi và Asha Saini 19 tuổi, sống trong khu ngoại ô đông đúc Gokulpuri ven thành phố. Yogesh làm tài xế taxi, cha mẹ anh đều đã qua đời trong khi cha của Asha mua bán rau cải và thuộc một đẳng cấp cao hơn.

Cho đến nay không có con số thống kê chính xác về số vụ “giết người vì danh dự” ở Ấn Độ. Bởi vì không phải vụ giết người nào cũng được báo cáo mà bị giấu nhẹm đi - theo lời phụ tá ủy viên cảnh sát Pankaj Kumar Singh.

CUNG HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm