Án oan do giám định khoa học hình sự- Bài cuối: Khi định kiến chi phối khoa học

Nhiều đối tượng vô tội bị oan sai nhưng không thể nào được xóa án bởi vì phán quyết của tòa dựa trên những chứng cứ khoa học rạch ròi, không thể thay đổi được.

Theo Trung tâm Thông tin về án tử hình (DPIC, Mỹ), kể từ năm 1973 đến nay, 135 người đã thoát chết và được trả tự do sau khi bị kết án tử hình oan uổng. Trong đó, riêng năm 2009 có năm người. Không có cách nào để biết được trong số hơn 1.000 người bị tử hình từ năm 1976 tới nay có ai chết oan không.

Rõ ràng đây là hậu quả nghiêm trọng tại nước Mỹ, trong đó có nguồn gốc rất lớn từ việc giám định sai lệch của ngành khoa học kỹ thuật hình sự nước này. Từ đó, những người phản đối án tử hình đã lên tiếng đòi hỏi phải xem lại hiệu quả của công tác giám định pháp y từ mẫu DNA thu được. Họ cho rằng những sai lầm này đã tạo ra một sự khủng hoảng lòng tin vào thể chế tư pháp tại Mỹ.

“Huyền thoại” về cảnh sát khoa học hình sự

Xét về khía cạnh chuyên môn, đội ngũ giám định viên là lực lượng nòng cốt và làm việc độc lập, họ sẽ nghiên cứu mẫu chứng để đưa ra giả thuyết rồi thực nghiệm lại để có các kết luận và sẽ được một hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia cùng ngành thông qua. Nhưng trên thực tế, các bước kỹ thuật được áp dụng cho quy trình giám định pháp y thường là do bên cảnh sát đề xuất, mà ngành cảnh sát thì luôn hấp tấp muốn khai thác nhanh các yếu tố cấu thành tội trạng của các đối tượng bị tình nghi sao cho quá trình điều tra được diễn ra một cách suôn sẻ nhất. Thế là cảnh sát thường đề xuất với ngành khoa học kỹ thuật hình sự những kỹ thuật xét nghiệm chủ yếu chỉ dựa trên kinh nghiệm mà thôi, ít mang tính khoa học thuần túy.

Án oan do giám định khoa học hình sự- Bài cuối: Khi định kiến chi phối khoa học ảnh 1

Kennedy Brewer, bị kết án tử hình vì tội hiếp dâm và giết người, do giám định viên nha khoa đã kết luận (sai) rằng các vết cắn để lại trên cơ thể nạn nhân chắc chắn là dấu răng của anh ta. Anh được trả tự do vào tháng 2-2008 sau 15 năm tù oan.

Tháng 8-2009, một bài viết ở Popular Mechanics (một tạp chí của Mỹ, chuyên về khoa học và công nghệ), nói về những gì được gọi là “huyền thoại” của ngành cảnh sát khoa học kỹ thuật hình sự Mỹ, đã kết luận rằng nhiều chuyên ngành không có được những giám định viên xứng tầm. Và nhiều sơ suất đã xảy ra, cụ thể được chứng thực như sau:

Năm 2006, Đại học Southampton tại Anh đã làm một đợt thử tài các giám định viên bằng cách đề nghị sáu chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực này giám định lại các dấu vân tay mà chính họ đã phân tích trước đây (hẳn nhiên là các giám định viên kia hoàn toàn không biết điều đó). Kết quả thật đáng ngạc nhiên: Bốn trong số sáu người này đưa ra kết luận hoàn toàn khác với những gì mà chính họ đã đưa ra trước đây trên cùng những mẫu dấu vân tay như nhau!

Một nghiên cứu khác tại Úc cho thấy trong số 74% các trường hợp, chó nghiệp vụ cũng sai lầm về sự nhận diện của ma túy trong các vật chứng mà chúng được cho kiểm tra.

Một thí nghiệm của cảnh sát Anh cũng đã nêu lên rằng chó nghiệp vụ chỉ đúng cỡ 12% các trường hợp mà thôi. Chúng không thể phân biệt được đâu là thủ phạm mang theo ma túy và đâu là những đối tượng đã vô tình tiếp xúc với chất ma túy. Một bài viết trên tạp chí National Geographic (Mỹ) cho biết thực tế theo một cuộc điều tra năm 2009 tại Mỹ, 90% số tờ giấy bạc USD của ngân hàng Mỹ đang lưu hành đều có dấu vết của cocain bám trên đó!

Án oan do giám định khoa học hình sự- Bài cuối: Khi định kiến chi phối khoa học ảnh 2

Stephan Cowans, bị kết án 30 năm tù vào năm 1997 vì tội giết chết một cảnh sát, do dấu vân tay của anh ta trùng khớp với dấu vân tay của hung thủ. Song đó là sự nhầm lẫn tệ hại: Giám định viên đã so sánh hai dấu vân tay của chính… Stephan Cowans! Anh ngồi tù oan sáu năm.

Những sai lầm thuộc về con người

Dù vô tình hay cố ý, những sai lầm thuộc về con người này cũng đã để lại hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến những phán quyết sai ở tòa án. Tổ chức Innocence Project đã liệt kê ra nhiều trường hợp các phòng thí nghiệm và các giám định viên có hành vi gian dối, đã tự ngụy tạo ra tất cả yếu tố cấu thành tội phạm, hoặc đã thảo ra những kết luận sai lệch từ những lời chứng giả, hay tệ hại hơn đã cố tình tiêu hủy hoặc che giấu bớt những tài liệu dùng để gỡ tội cho đối tượng đang bị nghi vấn khiến nhiều trường hợp người vô can bị liên lụy.

Về phía nhân chứng, xét trên khía cạnh tâm lý, vẫn luôn tồn tại hiện tượng chủ quan và bất nhất, như phóng viên David Grann (tạp chí Popular Mechanics) viết: “Khi được lấy lời khai, một nhân chứng đang trong trạng thái nghi ngờ một đối tượng nào đó thì hoạt động não của nhân chứng này sẽ tự động chuyển hướng sao cho có được thông tin phù hợp nhất với những nghi vấn mà nhân chứng đó đang có”. Nói cách khác, khi nghi ngờ ai thì người đó có tội!

Grann chứng minh thực nghiệm về việc lấy lời khai từ bối cảnh một vụ đụng xe với những nhân chứng mẫu. Kết quả là ở một nhóm nhân chứng, khi được hỏi rằng hai chiếc xe hơi kia đã “va chạm nhau” ở vận tốc bao nhiêu, họ trả lời rằng “khoảng 50 km/ giờ”. Nhưng vẫn với bối cảnh đó, với một nhóm nhân chứng khác, khi câu hỏi khác đi, rằng hai chiếc xe đã “gây tai nạn” ở vận tốc bao nhiêu, câu trả lời lại là “khoảng 65 km/ giờ”. Thậm chí nhiều nhân chứng còn khẳng định là họ thấy kính xe bị vỡ, lời khai này không đúng với hiện trường tai nạn.

Án oan do giám định khoa học hình sự- Bài cuối: Khi định kiến chi phối khoa học ảnh 3

William Dillon, năm 1981 bị kết án chung thân vì tội giết người nhưng vì chó nghiệp vụ đã nhầm mùi của anh ta với mùi của chiếc áo mà hung thủ đã mặc. Anh được trả tự do cuối năm 2008 sau 27 năm tù oan.

Năm ngoái, Đại học Warwick (Anh) cũng đã thực hiện một cuộc kiểm tra thực nghiệm và đã chứng minh được rằng việc thu thập những chứng cứ giả, hoặc có được những lời khai hoàn toàn sai lệch từ phía các nhân chứng là rất dễ và hoàn toàn nằm trong tầm tay các nhà chuyên môn nào có sẵn dã tâm nếu họ muốn. Cụ thể, những người tham gia khảo sát được cho xem một đoạn băng hình giả về một sự kiện mà họ đã chứng kiến trước đó. Kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng gần 50% trong số họ tin vào băng hình hơn là vào những gì chính mắt mình đã trông thấy lúc trước.

Hẳn nhiên chúng ta không thể phủ nhận tính chất hợp pháp của công tác giám định pháp y, cũng như phải thừa nhận khả năng chuyên môn cao của các giám định viên và của ngành cảnh sát kỹ thuật và khoa học hình sự. Tuy nhiên, vấn để ở đây là cũng phải thừa nhận còn có những mặt hạn chế về chuyên môn và về tình cảm phải khắc phục. Lâu nay chúng ta thường nhìn chứng cứ khoa học với tất cả những ưu điểm hoàn hảo của nó, nhất là qua những gì mà phim ảnh và các phương tiện truyền thông đã và đang tâng bốc lên tận mây xanh mà chúng ta không nghĩ rằng cảnh sát và các giám định viên cũng là con người. Và họ không thể không phạm sai lầm, đôi khi dù đó là những sai sót sơ đẳng nhất và mang tính con người nhất.

Theo tổ chức Innocence Project (một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận của Mỹ), chỉ có thể tiến hành điều tra lại trên 5% đến 10% các vụ án hình sự mà thôi, do chúng hội đủ các yếu tố chứng cứ về mặt di truyền. Từ thực tế trên, hẳn đã có nhiều tên tội phạm đúng nghĩa nhưng vẫn còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật trong khi nhiều người vô tội lại ngồi tù.

Tại Mỹ, 90% số giấy bạc đang lưu hành có dính cocain

Các chuyên gia của Hội Các nhà hóa học Mỹ đã phân tích các mẫu giấy bạc đang được lưu hành tại hơn 30 thành phố lớn của năm quốc gia là Mỹ, Canada, Brazil, Trung Quốc và Nhật Bản. Kết quả cho thấy giấy bạc của Mỹ bị nhiễm cocain nhiều nhất (90%), sau đó là Canada (85%), Brazil (80%), Trung Quốc (20%) và Nhật Bản (12%). Trong số 17 trung tâm đô thị lớn nhất tại Mỹ, nơi các tờ giấy bạc được đưa đi phân tích, các mẫu đến từ bang Washington bị nhiễm nhiều nhất (95%) và giấy bạc tại Salt Lake City (bang Utah) là sạch nhất. Đây là lần đầu tiên giấy bạc Trung Quốc và Nhật Bản được kiểm tra để phát hiện ra các dấu vết ma túy trên đó và kết quả đã khiến các chuyên gia ngạc nhiên.

Cụ thể, lượng cocain được tìm thấy trên một tờ giấy bạc USD của Mỹ dao động từ 0,006 microgram, tức khối lượng nhỏ hơn một hạt cát vài ngàn lần, cho đến 1,24 microgram, tương đương 50 hạt cát.

Lâu nay các nhà khoa học đều biết rằng các tờ giấy bạc bị dính dấu vết cocain là do quá trình trao đổi mua bán giữa những tay buôn lậu ma túy và người tiêu thụ, hoặc do việc sử dụng tiền giấy cuộn tròn để hít ma túy. Song theo các chuyên gia phân tích, việc lây nhiễm cocain ở mức độ cao như thế đa phần là do các máy đếm tiền gây ra.

(Theo AFP)

TƯỜNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm