MAFIA QUỐC TẾ ĐỔ BỘ VÀO PHÁP:

Bài 2: Các băng mafia từ Đông Âu và Liên Xô cũ

Đây cũng là những băng nhóm tội phạm năng động nhất châu Âu, được tổ chức theo kiểu mafia Ý. Đặc biệt tại Pháp, đó là những nhóm người Lithuania và Estonia. Chúng có được những ưu thế vượt trội so với nhiều “đồng nghiệp” khác nhờ ba thế mạnh: Địa bàn hoạt động lý tưởng (do “đất mẹ” nằm giữa ngã ba đường nối liền các nước từ vùng Scandinavia sang Nga rồi tỏa xuống châu Âu); đã thiết lập được các mối liên kết chặt chẽ về chính trị và kinh tế ngay tại “đất mẹ”; hoạt động với đường lối lấy bạo lực làm phương châm hành động.

Bài 2: Các băng mafia từ Đông Âu và Liên Xô cũ ảnh 1

Hình xăm đặc trưng của “Vory V. Zakone”

Từ tiêu thụ tiền giả đến ăn cắp trong siêu thị

Trên thực tế, tại Nga từ lâu đã tồn tại một hệ thống các tổ chức hoạt động bất hợp pháp. Ngay từ thời Nga hoàng, trước Cách mạng tháng 10 đã có một tổ chức chuyên cướp bóc ngự trị trong thế giới tội phạm có tổ chức.

Song khác với mafia Ý, các hoạt động mafia tại Nga không được chỉ đạo chung bởi một nhân vật “trùm” mà được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, “bám trụ” trên những “đại bản doanh địa phương”. Song các đại bản doanh này có thể bao trùm cả một tỉnh rộng lớn, thậm chí một quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Tên gọi “Kẻ cắp trong vòng pháp luật” “Vory V. Zakone” được sử dụng từ thập niên 1930.

Kể từ năm 2003, nước Pháp đã chứng kiến những băng nhóm người Estonia thao túng trong việc lưu hành tiền giả mà theo DGSE, cơ quan phản gián nước này, đó là những tay buôn tiền sừng sỏ nhất châu Âu. Hoạt động này được triển khai thông qua hệ thống các đối tượng được cảnh sát gọi là “khách vãng lai”.

Đó là những thanh niên Lithuania còn rất trẻ, trên dưới 20 tuổi, hoạt động theo nhóm 3-4 tên với kẻ cầm đầu là người lớn tuổi nhất trong bọn. Chúng rất linh hoạt, di chuyển trên những chiếc xe hơi được thay đổi kết cấu để có thể giấu được 150 tờ tiền giả. Sau khi “nạp” đủ tiền, bọn chúng tỏa ra nhiều địa bàn khác nhau và trú tại các khách sạn rẻ tiền. Sau khi đã chọn được một TP mục tiêu, các nhóm này bắt đầu hành sự, trung bình khoảng 10-15 phi vụ mỗi ngày. Để hạn chế rủi ro, mỗi vị “khách vãng lai” sẽ chỉ tiêu đúng một tờ tiền giả để mua hàng trong một cửa hiệu đã được chọn trước.

Một “chuyên ngành” đặc biệt nữa của mafia Lithuania chính là việc đánh cắp các động cơ canô. Kể từ năm 2000, các nhóm “công nhân” Estonia đã rong ruổi trên khắp các vùng duyên hải châu Âu để tìm kiếm các loại động cơ tàu thủy. Năm 2003, theo thống kê chính thức đã có trên 900 động cơ, giá trị tương đương 1 triệu euro, bỗng dưng không cánh mà bay từ các khu cảng biển nhỏ nằm dọc bờ Đại Tây Dương của nước Pháp.

Chiêu thức thứ ba của các băng đảng mafia đến từ vùng Baltic, đó là ăn cắp trong các siêu thị. Tại đó, chúng cuỗm đi một cách thành thạo các món hàng nhỏ gọn, dễ cất giấu nhưng lại có giá trị thặng dư cao như dao cạo và các loại mỹ phẩm. Chúng cũng rất thích những phi vụ có giá trị dưới 150 euro, bởi nếu như bị phát hiện, các chủ siêu thị và cảnh sát thường khoan dung trước sự nài nỉ rất “dẻo lưỡi” của chúng. Song nếu cộng lại tất cả thì các hàng hóa bị mất cắp trong siêu thị lên đến hàng nhiều ngàn đơn vị sản phẩm…

Thiết kế máy rút tiền giả

Bulibasha, những tay trùm lãnh đạo các băng nhóm đến từ vùng Balkan, đi đâu cũng được các cận vệ vây quanh, luôn di chuyển trên những chiếc xe hơi Porsche sang trọng và sở hữu nhiều biệt thự đắt tiền.

Tại Pháp, các băng nhóm này tổ chức các đường dây ma cô dắt gái và hoạt động trộm cắp có quy mô, kể cả thụt két ngân hàng. Chúng chiêu dụ được nhiều kỹ sư tin học và điện tử người Bulgaria và Romania, những người vốn đã bị mất việc hàng loạt sau khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã và sử dụng họ để thiết kế các máy rút tiền giả.

Những “thùng tiền” này chỉ có chức năng đọc và đánh cắp mật mã cá nhân của khách hàng nào đến đưa thẻ vào nhằm rút trọn số tiền trong tài khoản của họ. Ngoài ra, các băng đảng người Bulgaria, dưới quyền điều khiển của các ông trùm được gọi là mutri (“Kẻ mặt dày”), còn quản lý được hơn 700 đối tượng gái mại dâm tại Pháp.

Mafia Nga vẫn khét tiếng nhất

Nhưng nghiêm trọng hơn cả và cũng từ gần 20 năm nay, người dân Pháp đã từng khiếp đảm khi nghe nhắc đến cụm từ “mafia Nga”! Đó là những “chiến binh” đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ, những khuôn mặt có biệt danh là “kẻ cắp trong vòng pháp luật” - những “Vory v zakone” (tiếng Nga “Воры в законе” - “Kẻ cắp trong vòng pháp luật”).

Bọn này chủ yếu tiến hành các vụ trộm cắp và cướp bóc, trong đó các nhóm người đến từ nước Georgia được xem là các “chuyên gia lão luyện”. Dẫu sao, đây sẽ là những bước đi đầu tiên và rất uyển chuyển nhằm tạo cơ hội để có thể “trụ” vững khi đặt chân đến một vùng đất mới. Sau đó là giai đoạn hai: Đầu tư tiền của về “đất mẹ” song song với việc đa dạng hóa các hoạt động tội phạm ngay trên “đất khách”.

Khi tổ chức được tốt các chuyến “ăn hàng” tại các khu nhà riêng hay tấn công các doanh nghiệp, cho dù đó chỉ là những phi vụ nhỏ lẻ, “phần thưởng” lại rất lớn. Và tần suất hoạt động đã ngày càng tăng. Ngày 7-2-2011, 14 người Georgia do hai tay trùm cầm đầu đã bị bắt tại TP Caen (Tây - Bắc nước Pháp) sau khi tiến hành 39 phi vụ ăn hàng. Ngày 22-3, sau đó tại vùng Annecy (Đông - Nam nước Pháp), cảnh sát đã bắt giữ một nhóm nhỏ năm người bị nghi là thủ phạm của trên 60 vụ trộm cắp tại đây.

Những vụ thanh toán đẫm máu

Thế nhưng việc “làm ăn” thuận lợi và ngày càng phất lên của các băng nhóm mafia Nga trên đất Pháp cũng đã gây nhiều hiềm khích và tranh giành giữa các nhóm. Cũng tại Caen, ngày 3-11-2011, một ông trùm người Georgia đã tự tay bắn chết một đồng hương và cũng là đối thủ cạnh tranh của hắn. Trước đó, vào tháng 3, Vladimir Janashia, một “kẻ cắp trong vòng pháp luật” khác, cũng là người Georgia, đã bị hạ tại Marseille (miền Nam nước Pháp), nơi hắn đang lẩn trốn sau khi thoát chết từ vụ mưu sát trước đó hai tháng.

Ngày 5-5-2011, Edvard Margaryan, một thành viên “kẻ cắp trong vòng luật pháp” người Armenia, vừa chân ướt chân ráo đến “lập nghiệp” tại Nice (miền Nam nước Pháp) đã bị hạ gục ngay tại nhà một “đồng nghiệp” người Georgia, nơi hắn được mời đến ăn tối.

Ngày 18-3-2010, Vladimir Janashia đã bị bắn chết tại Marseille (miền Nam nước Pháp) sau khi thoát hiểm thành công vào tháng 1 cùng năm. Kẻ “xử” hắn chính là hai anh em nhà Shushanashvili. Chính Kakhaber Shushanashvili đã huy động hai thuộc hạ của mình thanh toán Vladimir Janashia nhưng hắn đã bị bắt ngay từ ngày 15-3-2010 khi đang ở Tây Ban Nha.


Bài 2: Các băng mafia từ Đông Âu và Liên Xô cũ ảnh 2

Theo báo cáo từ Bộ Nội vụ Nga, hiện nay mafia nước này có khoảng 100.000 thành viên thuộc 5.600 nhóm tội phạm khác nhau. Chúng hoạt động rất kỷ luật và được chia thành nhiều “đội tự quản” gồm 3-4 thành viên. Cảnh sát rất khó khăn khi muốn lần ra manh mối của chúng. Theo một điều tra nghiên cứu vào năm 1995 trên các doanh nghiệp Nga, 25% doanh nghiệp nước này đã từng bị mafia tống tiền. Tại Moscow, năm 1996, đã có hơn 180 tổ chức tội phạm hoạt động và 23 trong số đó đã thiết lập được nhiều “chi nhánh” tại nước ngoài.

Bài 2: Các băng mafia từ Đông Âu và Liên Xô cũ ảnh 3

Mafia Nga chủ yếu buôn lậu ma túy và chất gây nghiện, tống tiền, cho vay nặng lãi, giết mướn, làm giả thẻ tín dụng, buôn lậu vũ khí và đồ cổ, tổ chức các đường dây mại dâm, kinh doanh hàng giả, trộm cắp xe hơi và tác phẩm nghệ thuật, đánh cắp và buôn lậu đá quý, hối lộ cảnh sát, khai thác phim khiêu dâm trẻ em, buôn người qua biên giới, ám sát có tổ chức.

TƯỜNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm