Bốn thách thức thời hậu Chávez

Tội phạm: Bất chấp nỗ lực của chính phủ, tình hình an ninh tại Venezuela vẫn căng như dây đàn. Các băng nhóm tội phạm ma túy vẫn xem Venezuela (giáp Colombia) là nơi trung chuyển ma túy sang Mỹ và châu Âu. Từ năm 1998, tỉ lệ giết người tại Venezuela đã tăng gần bốn lần. Kết quả các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy tội phạm là mối quan tâm chính của cử tri Venezuela.

  Lạm phát: Sau 14 năm cầm quyền của Tổng thống Hugo Chávez, xã hội Venezuela đã bình đẳng hơn. Tuy nhiên, kinh tế phát triển mất cân bằng. Tuy doanh thu kỷ lục từ dầu mỏ đã góp phần giảm tỉ lệ đói nghèo nhưng Venezuela vẫn vất vả đối phó với nợ nần và lạm phát.

Trong vòng 10 năm, Venezuela đã giảm giá tiền tệ xuống 30% nhằm thu hẹp khoảng cách giữa tỉ giá chính thức và thị trường chợ đen. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Venezuela, lạm phát đang ở mức trên 22%. Chi phí tăng cao, ưu đãi thấp và quản lý yếu kém dẫn đến tình trạng hạn chế đầu tư sản xuất trong nước. Cơ sở hạ tầng không được chú trọng đầu tư đúng mức nên đường sá kém chất lượng và hệ thống giao thông thiếu đồng bộ.

 Chính trị:Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới có thể gây chia rẽ sâu sắc tại Venezuela. Các đảng phái có rất ít lập trường chung. Tổng thống Hugo Chávez qua đời sẽ là bài thử nghiệm đối với vấn đề đoàn kết của liên minh cầm quyền. Phó Tổng thống Nicolás Maduro phải cần đến sự ủng hộ từ liên minh cầm quyền (đảng XHCN thống nhất Venezuela).

Lập trường của phe đối lập từ lâu đã bị phân tán. Phe đối lập đang cố xây dựng lại tinh thần đoàn kết sau bầu cử tổng thống hồi năm ngoái. Câu hỏi đặt ra là liệu phe đối lập có thể duy trì tinh thần đoàn kết vào thời hậu Chávez hay không.

 Đối ngoại: Nhờ trữ lượng dầu khổng lồ và tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc, Venezuela đã thể hiện được phần nào vai trò lãnh đạo tại Mỹ La tinh. Dưới thời Tổng thống Hugo Chávez, quan hệ chính trị Mỹ-Venezuela đã xuống cấp. Venezuela tiến gần hơn với Trung Quốc, Nga, Cuba và quan hệ thân thiết với Iran, Syria, Libya.

Đối với Trung Quốc, Venezuela là con nợ lớn. Đối với Mỹ, Washington vẫn hy vọng người kế nhiệm Tổng thống Hugo Chávez có lập trường khác.

Phó Tổng thống Nicolás Maduro có thể không đưa ra bất cứ thay đổi lớn nào và đã khởi đầu thời kỳ hậu Chávez bằng thông báo trục xuất hai tùy viên quân sự Mỹ. Tuy nhiên, một khi bầu cử tiến hành xong, có thể ông sẽ xem xét nhiều thỏa thuận với Mỹ nhằm giảm gánh nặng kinh tế.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm