Điều tra chưa bắt đầu, thủ phạm đã bị điểm danh

Hầu hết báo chí Mỹ và châu Âu hối hả trút trách nhiệm cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine và Nga. Chưa đầy một ngày sau tai nạn, có báo ở London (Anh) giật ra trang nhất tựa bài mang tính chất kết án: “Putin đã giết con tôi rồi!”.

Một nguyên tắc quốc tế thường được sử dụng trong các vụ tai nạn máy bay. Đó là tránh chỉ đích danh người phạm tội và tránh nêu lên những cách giải thích tai nạn mang tính chất giật gân. Vậy phải hiểu thế nào khi báo chí phương Tây vội vã quy chụp như vậy?

Lâu nay các nước phương Tây rõ ràng nghiêng về phía Ukraine, bởi thế chụp mũ cho Nga và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine là phải lý. Các nhà lãnh đạo mới ở Ukraine đắm chìm trong tin tức báo chí trong nước và báo chí phương Tây với đầy rẫy những lời lên án Nga đầy kịch tính. Không dưng mà Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố: “Hôm nay, toàn thế giới đã nhìn thấy bộ mặt thật của quân xâm lược bởi lẽ phá hủy máy bay dân dụng là hành vi khủng bố quốc tế”. Đương nhiên ông Poroshenko không gán từ “quân xâm lược” cho quân đội Ukraine.

Trong khi đó, tựu trung Ukraine chỉ nêu được bằng chứng là cuộc điện đàm của lực lượng ly khai ở miền Đông nói về chuyện bắn máy bay do cơ quan an ninh Ukraine ghi âm lại qua Internet. Nếu nói về chuyện bắn máy bay thì hơn hai tháng nay, lực lượng ly khai đã bắn rơi hơn 10 máy bay quân sự Ukraine ở hai vùng Luhansk và Donetsk (miền Đông).

Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chấn động âm German Zoubov ghi nhận nguyên cuộn băng ghi âm trên mạng Internet mới là bằng chứng pháp lý được chấp nhận chứ không phải các đoạn ghi âm cắt ra. Ukraine chưa cung cấp được nguyên băng ghi âm. Có thể biết điều này vì đoạn ghi âm công bố không có các câu mở đầu và kết thúc như “xin chào”, “hẹn gặp lại”, “bái bai”.

Theo chuyên gia German Zoubov, cần phải sử dụng chương trình phân tích âm để thẩm định đoạn băng Ukraine công bố vì có thể Ukraine chỉ cắt lấy các đoạn băng có lợi nhất cho mình.

Trong khi chờ đợi Ukraine cung cấp nguyên cuộn băng hay chờ kết luận điều tra quốc tế, Tổng thống Obama đã vội vã nói tên lửa bắn máy bay MH17 phóng từ khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát. Mâu thuẫn ở chỗ trước đó, chính cơ quan tình báo Mỹ thông báo hình ảnh vệ tinh cho thấy máy bay MH17 trúng tên lửa nhưng không thể xác định tên lửa bắn từ đâu.

Nếu Tổng thống Obama có bằng chứng để tuyên bố như trên thì sao không cung cấp cho Hội đồng Bảo an LHQ? Báo chí phương Tây khoái trá công bố nội dung ghi âm điện đàm do Ukraine công bố nhưng lạ là không ai quan tâm băng ghi âm do Nga cung cấp về chuyện các binh sĩ Ukraine nói với nhau về máy bay mới bị họ bắn rơi.

Nhận thấy lực lượng ly khai khó đủ trình độ sử dụng tên lửa Buk, báo chí Mỹ bèn xoay sang quy kết cho Nga. Báo New York Times viết tên lửa được bắn đi từ Ukraine nhưng radar đặt bên Nga điều khiển. Bạn đọc phương Tây có khi chưa rõ vào thời Liên Xô (cũ), Nga hay Ukraine đều sử dụng vũ khí do Nga sản xuất. Báo chí phương Tây cũng không làm rõ vấn đề: Tại sao nhân viên không lưu Ukraine không cảnh báo máy bay MH17 tránh xa không phận có chiến sự?

DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm