Đòn bẩy kinh tế từ du thuyền 1 tỉ euro

Đây thực sự là một tin vui đối với nền kinh tế Pháp trong không khí ảm đạm vì khủng hoảng và nạn thất nghiệp gia tăng.

“Queen Mary 2” là chiếc du thuyền lớn nhất thế giới hiện nay với chiều dài 345 m, chiều ngang 41 m và 1.310 buồng. Thế nhưng nếu so với chiếc  “A34” - tên của chiếc du thuyền được đặt hàng cho STX - thì “Queen Mary 2” cũng chỉ sẽ là một chiếc tàu khách… bình thường mà thôi.

“A34” là chiếc thứ ba trong đội tàu thủy chở khách mang tên “Oasis of the Seas” của Tập đoàn Royal Caribbean International và nó sẽ là chiếc du thuyền đắt nhất, lớn nhất thế giới.

Paris và Helsinski tranh đua ngoạn mục

Trang web mạng chuyên đề “Biển và Hải quân” (“Mer et Marine”) đã tiết lộ những chuyện hậu trường của các cuộc thương thuyết về bộ hồ sơ hợp đồng 1 tỉ euro.

Lúc đầu Tập đoàn Royal Caribbean International (RCI) giao dịch với xưởng đóng tàu Turku của Phần Lan, bởi chính nơi đây đã cho ra đời những chiếc du thuyền thế hệ đàn anh trong gia đình “Oasis of the Seas”. Tuy nhiên, sau sáu tháng trời thương thảo ròng rã, người Phần Lan vẫn không đưa ra được một bản dự trù kinh phí thỏa đáng. Rủi thay cho họ, người Pháp đã biết được tin này và đã âm thầm, lặng lẽ chuẩn bị “chiến dịch” tiếp cận với RCI. Và khi Tập đoàn RCI chuyển qua “nháy mắt” với STX, người Pháp khi đó đã có được sự đáp ứng nhanh nhạy…

Đòn bẩy kinh tế từ du thuyền 1 tỉ euro ảnh 1

Công ty STX trúng thầu hợp đồng đóng du thuyền lớn nhất thế giới.

STX France đã huy động riêng cho “chiến dịch” này một đội ngũ chuyên gia gần 40 người, trong đó có đến 10 người đặc trách khoản pháp lý và tài chính cho dự án. STX France cũng cố gắng dàn xếp một cách khéo léo nhất, sao cho không có một thông tin mật nào bị rò rỉ ra ngoài. Mục tiêu của người Pháp là “ru ngủ người Phần Lan để cuối cùng có thể vượt lên đối phương ngay tại đích đến”.

Chính phủ Pháp cũng tỏ ra rất thận trọng và quan tâm kỹ về vấn đề này, bởi hợp đồng đóng tàu nếu được ký kết thì chắc chắn sẽ giúp 2.100 nhân công của STX France đang phải chịu thất nghiệp định kỳ có việc làm trở lại.

Theo trang web “Biển và Hải quân”, người Phần Lan chỉ có được thông tin về ưu thế của người Pháp trong dự án du thuyền “Oasis thứ ba” này rất muộn màng, khi mà STX France đã ngấm ngầm thực hiện xong xuôi các cuộc tiếp xúc với các nhà cung cấp tài chính.

Người Phần Lan ráo riết chạy nước rút để cứu vãn tình thế khiến cho STX France cũng phải vài phen thót tim và tìm cách tung hỏa mù. Hãng Turku và chính phủ Phần Lan sau đó triệu tập cuộc họp khẩn nhưng… mọi sự đã muộn màng. Ông chủ Tập đoàn RCI là Richard Fain đã bay qua Pháp để “hoàn tất hợp đồng” trong tháng 12-2012.

Việc trúng thầu du thuyền xấp xỉ 1 tỉ euro nhanh chóng trở thành một sự kiện kinh tế đáng chú ý vào cuối năm 2012 của nước Pháp.

Chính phủ Pháp can dự tích cực

Hồ sơ dự án của Pháp được hoàn tất chỉ trong vòng có một tháng. Ông Laurent Castaing, Tổng Giám đốc STX France, vô cùng phấn khích về cuộc chạy đua tuyệt vời này. Trong đó có sự can dự không nhỏ từ Bộ Kinh tế và Tài chính, đặc biệt là từ cá nhân Bộ trưởng Pierre Moscovici. Ông Laurent Castaing cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế và Tài chính, chúng tôi đã có thể có được nguồn tài chính đủ để hoàn tất bản dự trù kinh phí một cách nhanh chóng và đúng theo yêu cầu của đối tác”.

Về phía đơn vị đặt hàng, Tập đoàn RCI cũng mong muốn chiếc du thuyền khổng lồ này sẽ là mô hình tiết kiệm năng lượng đúng chuẩn, do đó STX France phải tuyệt đối tuân thủ các quy chuẩn về sinh thái đặt ra cho các động cơ. Thêm vào đó, còn là tham vọng muốn ghi được một kỷ lục mới vào lịch sử ngành đóng tàu thế giới: chiếc “A34” sẽ có chiều dài hơn 361 m, chiều ngang 66 m và cao 72 m với 2.700 buồng!

Suốt hai năm qua, nhà máy STX France (ở Saint-Nazaire, thủ phủ của tỉnh Loire-Atlantique thuộc miền Tây nước Pháp) không nhận được hợp đồng nào. Kinh tế đình trệ đã ảnh hưởng xấu đến ngành đóng tàu khiến gần một nửa trong số 2.100 nhân công của STX bị mất việc.

Theo ước tính, hợp đồng trị giá 1 tỉ euro (tính tròn) tương đương với hơn 10 triệu giờ làm việc, trải dài trong vòng ba năm. Chiếc du thuyền “A34” sẽ được bàn giao vào giữa năm 2016 và rất có thể Tập đoàn RCI sẽ tiếp tục đặt đóng con tàu thứ hai để chuyển giao vào mùa xuân 2018. Hàng ngàn công nhân đóng tàu tại Saint-Nazaire giờ đây đã có thể bình tâm nghĩ đến tương lai phía trước.

Phần Lan nghi ngờ Pháp “phạm luật”

Ngày 28-12-2012, chính phủ Phần Lan đã ra thông báo cho biết sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu xác minh xem Pháp có tôn trọng luật cạnh tranh thương mại hay không. Phần Lan tỏ ý nghi ngờ “bản chất thật” từ sự hỗ trợ của chính phủ Pháp đối với STX France. Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan, ông Jan Vapaavuori, nhấn mạnh rằng chính phủ Phần Lan cũng đã quan tâm rất sâu sát đến hồ sơ dự án này nhưng đã ba lần từ chối khoản vay 50 triệu euro dành cho xưởng đóng tàu Phần Lan để “không phạm luật”. Thay vào đó, chính phủ Phần Lan chỉ tháo khoán 28,3 triệu euro hỗ trợ cho việc nâng cấp mới xưởng đóng tàu Turku.

Về phía Pháp, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chánh Pierre Moscovici sau cuộc họp với Tổng thống François Hollande tại Điện Élysée, đã lên tiếng đáp trả: “Chúng tôi đã làm tất cả để cứu các xưởng đóng tàu nằm trên bờ Đại Tây Dương của Pháp trong sự tuân thủ hoàn toàn các quy định của châu Âu”. Theo ông Moscovici, đây là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ chứ không phải chính phủ “trợ giá”, bởi vì chính phủ Pháp là một cổ đông với tỉ lệ góp vốn 33% vào STX France từ trước đây.

Cuối cùng, ông Moscovici kết luận: “Khi một cuộc tranh đua đã được thừa nhận là ngã ngũ, tức là nó đã ngã ngũ”.

Áp lực quốc hữu hóa

Ngoài việc đóng tàu du lịch, STX còn đóng tàu chiến cho hải quân Pháp. Chính phủ Pháp sở hữu một phần vốn nhưng STX vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của một nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngày 29-11-2012, các công đoàn đại diện công nhân tại nhà máy đóng tàu STX ở Saint-Nazaire đã ra tuyên bố chung yêu cầu chính phủ Pháp “làm tất cả những gì có thể để giữ nhà máy đóng tàu tiếp tục hoạt động”. Jean-Marc Pérez, đại diện công đoàn Force Ouvrière (Lực lượng Thợ thuyền) của STX, nhấn mạnh: “Việc quốc hữu hóa nhà máy là điều cần thiết để giữ lại công ăn việc làm”.

Đòn bẩy kinh tế từ du thuyền 1 tỉ euro ảnh 2

Công nhân STX biểu tình đòi duy trì nhà máy và công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp ở Pháp không ủng hộ việc quốc hữu hóa các công ty có vốn nước ngoài. “Xã hội của chúng ta xây dựng trên nền tảng quyền sở hữu. Nếu rời bỏ nguyên tắc đó, chúng ta phải trả giá đắt”. Le Monde, tờ báo trung tả ở Pháp, cho rằng lời đe dọa quốc hữu hóa của chính phủ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài “hoảng sợ”. 

CD

TƯỜNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm