Trò tra tấn của mật vụ Anh - Mỹ bị lật tẩy tại chốn pháp đình

Trò tra tấn của mật vụ Anh - Mỹ bị lật tẩy tại chốn pháp đình ảnh 1

Binyam Mohammed.

Vụ bê bối được bắt đầu, sau khi tòa thượng thẩm Anh ra phán quyết cho phép công khai nhiều tài liệu mật về các cuộc thẩm vấn Binyam Mohammed (gốc Ethiopia), bất chấp những yêu cầu cấm công bố trước đó từ phía Bộ ngoại giao.

 Quyết định của tòa án Anh không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan mật vụ Anh - Mỹ, mà chắc chắn sẽ giúp đưa ra ánh sáng về nhiều trò tra tấn phi nhân tính mà các giới chức phản gián và ngoại giao Anh từ trước vẫn tìm cách che giấu trước quốc hội...

Vụ bê bối trong quan hệ của hai đồng minh thân cận nhất trong cuộc chiến chống khủng bố đã nảy sinh, ngay sau khi Bộ Ngoại giao Anh buộc phải công bố một tài liệu mật giúp làm rõ những phương pháp thẩm vấn Binyam Mohammed, công dân Anh gốc Ethiopia, người bị bắt giữ vào năm 2002 tại Pakistan vì nghi ngờ hợp tác với những tên khủng bố.

Theo lời Mohammed, anh ta được đưa lên một chiếc máy bay của CIA để tới Morocco, nơi đã bị giam giữ và tra tấn trong suốt 18 tháng. Đến năm 2004, tù nhân này được chuyển tới Afghanistan và sau cùng tới Guantanamo.

Những cuộc thẩm vấn Mohammed trong thời gian trên với sự tham gia của các nhân viên CIA và Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) đã diễn ra không chỉ tại Guantanamo, mà còn trên lãnh thổ của Pakistan, Afghanistan và Morocco - những quốc gia có mặt trong "liên minh chống khủng bố" do Mỹ đứng đầu, là nơi nghi phạm trên bị giam giữ trước khi được chuyển tới Guantanamo. Binyam Mohammed cũng là tù nhân đầu tiên tại Guantanamo được trả tự do sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, trước khi quay trở về Anh tháng 2/2009.

Theo nội dung tài liệu vừa được công bố tại Anh, Mohammed trong quá trình thẩm vấn đã phải chịu nhiều biện pháp tác động khác nhau nhằm gây ra những "căng thẳng và đau đớn về tâm lý và tinh thần" nặng nề nhất. Chẳng hạn như giữa những đợt thẩm vấn, anh ta không được ngủ, bị còng tay và bị đe dọa nếu không chịu cộng tác với các cơ quan mật vụ thì sẽ bị "biến mất không để lại dấu vết".

Việc công bố tài liệu nhạy cảm trên là kết quả của một trận chiến kéo dài mà người thua cuộc cuối cùng là Chính phủ Anh, cho dù họ đã dồn hết mọi nỗ lực để thông tin mật về hợp tác CIA - MI-5 không bị đưa ra trước công luận.

Ngay từ năm 2008, Tòa án tối cao London từng ra lệnh công bố một số tài liệu mật được Washington chuyển cho phía Anh, ngoại trừ 7 đoạn được cho là "nhạy cảm nhất". Tuy nhiên đến tháng 10/2009, 2 thẩm phán của Tòa án tối cao đã ra lệnh phải công bố đầy đủ tài liệu trên với lý do "có sự quan tâm rộng lớn của dư luận" tới vụ này.

Chính phủ Anh đã phải đưa ra nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng nhằm ngăn chặn nguy cơ phải tiết lộ hoàn toàn nội dung tài liệu khi nộp đơn kháng án lên Tòa thượng thẩm. Tuy nhiên, lá đơn kháng án do đích thân Ngoại trưởng David Miliband nộp lên cũng không thể xoay chuyển tình hình. Tòa thượng thẩm vẫn kiên quyết yêu cầu Chính phủ Gordon Brown phải công bố toàn bộ những tài liệu bê bối trên mà không được lược bỏ bất cứ đoạn nào.

Hơn nữa, Chủ tịch Tòa thượng thẩm Neuberger nhân dịp này còn chỉ trích kịch liệt Bộ Ngoại giao và MI-5, buộc tội họ trong một thời gian dài đã cố tình lừa dối Quốc hội khi tuyên bố không có dữ liệu làm bằng chứng về các hoạt động tra tấn.

Cũng theo ngài Neuberger, các quan chức ngoại giao và tình báo Anh bằng cách này đã tự mình làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của bản thân trước con mắt người dân, khiến công luận không khỏi nghi ngờ về khả năng họ luôn tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ nhân quyền cơ bản.

Không chỉ có Chính phủ Anh, Washington cũng có những phản ứng khá quyết liệt trước phán quyết trên của Tòa án Anh. "Chúng tôi đặc biệt thất vọng trước quyết định của Tòa án Anh, do đã trót trao cho nước này những thông tin mật với điều kiện không được công bố rộng rãi. Quyết định này sẽ làm phức tạp hóa mối quan hệ hợp tác tiếp theo của chúng ta trong lĩnh vực trao đổi thông tin tình báo" - đại diện chính thức Ben LaBolt của Tổng thống Obama đã phát biểu như vậy sau khi nhận được thông tin trên.

Có thái độ phản ứng gay gắt không kém với Tòa án Anh là Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair, người đã gọi quyết định trên là "không thể chấp nhận", đồng thời nhắc nhở thêm rằng, "bảo vệ thông tin mật luôn là nền tảng của sự hợp tác có hiệu quả của các đồng minh trong lĩnh vực an ninh". 

Nhưng theo đánh giá chung của các chuyên gia, vụ việc trên dù có hậu quả không phải là nhỏ, nhưng khó có thể phá vỡ được mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa các cơ quan mật vụ Anh và Mỹ đã có lịch sử từ rất lâu đời. Cần nhớ chính người Anh có thể coi là những nhà sáng lập ra cơ quan tình báo của Mỹ.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ vẫn chưa có một cơ quan tình báo đúng nghĩa nào. Wiliam Stevenson, đứng đầu Tổ chức British Security Coordination của Anh tại Mỹ, đã trực tiếp đứng ra giúp Washington thành lập một cơ quan tình báo của riêng mình, cơ cấu trên cũng chính là tiền thân của CIA ngày nay.


 Theo Linh Nga (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm