Án oái oăm làm khổ dân nghèo

Bà Lê Thị Hà khởi kiện bà Danh Thị Tắc ra TAND huyện Nhà Bè (TP.HCM) đòi khoản nợ 42 triệu đồng. Ra tòa, bà Tắc khai có vay 7 triệu đồng nhưng đã trả xong rồi. Việc bà ký giấy nhận nợ là do phía bà Hà ép buộc…

Chấp nhận kháng cáo nhưng buộc trả nợ… nhiều hơn

Tháng 6-2012, TAND huyện Nhà Bè xử sơ thẩm đã buộc bà Tắc phải trả cho bà Hà 42 triệu đồng. Ba tháng sau, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm. Theo tòa, trong quá trình xét xử sơ thẩm, cấp sơ thẩm đã tiến hành thu thập chứng cứ, theo luật thì phiên xử phải có sự tham gia của VKS cùng cấp. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại không chuyển hồ sơ sang VKS để VKS tham gia phiên tòa là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Xử sơ thẩm lần hai hồi tháng 3-2013, TAND huyện Nhà Bè đã buộc bà Tắc trả bà Hà 19,3 triệu đồng. Theo tòa, việc bà Tắc ký giấy nhận nợ là nhằm xác nhận lại số nợ, đồng thời được trả góp số nợ mỗi ngày 50.000 đồng và bà Tắc đã trả góp được 107 ngày. Đó là chứng cứ xác định việc bà Tắc có vay tiền của bà Hà.

Sau đó, bà Tắc kháng cáo không đồng ý trả nợ vì cho rằng mình có nợ nhưng đã trả xong rồi. Bà Hà không kháng cáo. VKS cũng không kháng nghị.

Án oái oăm làm khổ dân nghèo ảnh 1

Bà Danh Thị Tắc vẫn ngày ngày bán vé số nuôi con. Ảnh: PL

Tại phiên phúc thẩm mới đây, bà Tắc giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, bà Hà cũng giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. TAND TP.HCM nhận định bà Tắc cho rằng mình phải ký giấy vay tiền do bị bà Hà ép buộc nhưng không chứng minh được. Án sơ thẩm xử đúng pháp luật nhưng có nhầm lẫn trong cách tính toán. Từ đó, tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bà Tắc, sửa một phần án sơ thẩm và buộc bà Tắc phải trả cho bà Hà gần… 30 triệu đồng.

Sau phiên xử, bà Tắc buồn bã cho biết: “Tôi nghèo khó, bán vé số nuôi con. Tôi chỉ vay 7 triệu đồng của bà Hà mà mỗi tháng phải trả lãi 700.000 đồng. Tuy vậy, tôi cũng đã trả hết nợ cho bà Hà. Tưởng rằng kháng cáo lên tòa cấp trên thì sẽ được chấp nhận yêu cầu, hoặc nếu không được chấp nhận thì cũng giữ nguyên như án sơ thẩm. Nào ngờ, tòa chấp nhận một phần yêu cầu của tôi nhưng lại buộc tôi trả nợ nhiều hơn. Tôi thật không hiểu nổi vì sao lại có chuyện oái oăm như vậy!”.

Lập luận không ổn

Sáng 22-10, làm việc với PV, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho biết: “Dù nguyên đơn không kháng cáo nhưng việc sửa án sơ thẩm, tăng số tiền bị đơn phải trả từ hơn 19 triệu đồng lên gần 30 triệu đồng đã được cả hội đồng xét xử nhất trí. Việc chấp nhận kháng cáo của bà Tắc không có nghĩa là phải đạt được quyền lợi cho bà. Luật cũng không có quy định nào cho rằng tôi không được chấp nhận kháng cáo, sửa án nhưng lại gây bất lợi cho đương sự. Nếu bà Tắc không đồng tình với phán quyết của tòa có thể làm giám đốc thẩm. Tôi khẳng định mình không làm sai pháp luật”.

Trao đổi, nhiều chuyên gia không đồng tình với cách lập luận trên của chủ tọa phiên tòa phúc thẩm.

Theo kiểm sát viên Trần Minh Sơn (VKS quận Gò Vấp), Điều 263 và Điều 275 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 (về thẩm quyền, phạm vi xét xử phúc thẩm) thì cấp phúc thẩm có quyền sửa án sơ thẩm, có quyền xem xét lại một phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Ở đây, rõ ràng việc quyết định, tuyên án của tòa phúc thẩm có mâu thuẫn: Bà Tắc kháng cáo với nội dung không chấp nhận trả 19,3 triệu đồng vì đã trả hết nợ rồi. Do vậy, nếu tòa phúc thẩm quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bà Tắc thì có nghĩa bà Tắc không nợ bà Hà (miễn trừ nghĩa vụ), hoặc có nợ nhưng số tiền nợ ít hơn số tiền mà án sơ thẩm đã tuyên (giảm nghĩa vụ). Còn trong trường hợp vì một lý do nào đó mà cấp phúc thẩm tuyên sửa án sơ thẩm (như trường hợp cấp sơ thẩm tính toán sai) và buộc bà Tắc phải trả cho bà Hà số tiền nhiều hơn số tiền mà cấp sơ thẩm đã tuyên thì đương nhiên kháng cáo của bà Tắc đã không được chấp nhận. Do vậy, phần quyết định của bản án phúc thẩm phải ghi là không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Tắc thì mới phù hợp.

Đồng tình, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng nhận định bản chất của vấn đề là cấp sơ thẩm đã tính toán nhầm nên cấp phúc thẩm sửa án, điều chỉnh lại cách tính lãi chứ không phải nâng số tiền lên theo yêu cầu của nguyên đơn (vì nguyên đơn không kháng cáo). Trong trường hợp này, phần quyết định của bản án phúc thẩm phải là không chấp nhận kháng cáo của bà Tắc thì mới chính xác.

Vị thẩm phán này cho biết thêm: Thực tiễn xét xử cho thấy một khi nguyên đơn đã bằng lòng với án sơ thẩm, không kháng cáo thì thông thường cấp phúc thẩm nếu có sửa án cũng không làm bất lợi cho phía người kháng cáo (bị đơn). Nếu việc tính toán có nhầm lẫn thì việc sửa án nếu có là công việc của cấp giám đốc thẩm.

Quá vô lý!

Trong trường hợp này, nguyên đơn không kháng cáo tức đã hài lòng với bản án sơ thẩm. Bị đơn kháng cáo, mục đích là để được xem xét thay đổi bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho mình. Nếu tòa cho rằng bị đơn có nợ thì nên bác kháng cáo, giữ nguyên mức bồi thường mà tòa sơ thẩm tuyên. Không nên làm xấu đi tình trạng của người kháng cáo. Không thể lập luận rằng luật không cấm việc chấp nhận kháng cáo và sửa án nhưng lại gây bất lợi cho người kháng cáo bởi chuyện luật không cấm là quy định đối với người dân, còn về phía tòa thì chỉ được làm những việc mà luật có quy định.

Phạm vi xét xử phúc thẩm là chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nguyên đơn không có yêu cầu kháng cáo thì xem xét cái gì? Bị đơn yêu cầu thì tòa phúc thẩm xem xét yêu cầu của bị đơn, nếu không chấp nhận thì thôi, giữ nguyên mức bồi thường như cũ chứ làm sao lại có chuyện vô lý là chấp nhận yêu cầu của bị đơn mà lại làm bất lợi cho tình trạng của bị đơn. Tôi cho rằng tòa phúc thẩm đã xét xử vượt quá giới hạn yêu cầu kháng cáo của đương sự trong vụ kiện.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Đoàn Luật sư TP.HCM

HẢI DƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm