Bài 2: Ðương sự dùng... “chiêu”

Pháp luật đã có quy định tòa được quyền xử vắng mặt nếu triệu tập hợp lệ hai lần mà bị đơn không đến. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ như vậy. Có những vụ việc tòa đã phải bó tay vì các “chiêu” trì hoãn án của đương sự…

Thay nhau “trốn” tòa

Trước đây TAND TP thụ lý một vụ đòi nợ khá hi hữu giữa bà K. và ông C. Vụ án ban đầu tưởng đơn giản khi bà K. trưng ra tòa tờ giấy vay nợ của ông C., đồng thời được nhiều nhân chứng xác nhận là sự thật đúng như lời bà K. trình bày.

Biết vậy, ông C. đã trì hoãn bằng cách cố tình vắng mặt khi tòa triệu tập đến làm việc, hoặc chỉ cho người đến nghe ngóng tình hình. Sau đó, dù đã ký biên bản hòa giải thành nhưng ông lại đổi ý. Ông bắt đầu phản công, nộp cho tòa nhiều chứng cứ mới liên quan tới nhiều cơ quan, tổ chức khác. Lúc này, đến lượt bà K. chùng lại. Tòa mời thì bà không đến. Ông C. tuyên bố đang giữ nhiều bằng chứng khác và “sẽ chỉ tung ra khi nào bên kia tung ra trước”. Rồi hai bên cứ nắn gân cù cưa nhau mãi khiến việc giải quyết án kéo dài đến gần ba năm!

Một “chiêu” khác của các đương sự là thay nhau xin hoãn xử, hoặc cố tình cung cấp chứng cứ theo kiểu nhỏ giọt để kéo dài thời gian khi thấy bất lợi. Một thẩm phán ở TAND TP kể ông đang giải quyết một vụ án đòi tài sản mà phía bị đơn có tới tám người. Vụ này nguyên đơn cung cấp chứng cứ khá đầy đủ và phần lý nghiêng về bên họ nên khả năng thắng kiện rất cao nhưng ngay từ quá trình thu thập chứng cứ và hòa giải, tòa đã phát mệt vì các bị đơn thay nhau vắng mặt.

Bài 2: Ðương sự dùng... “chiêu” ảnh 1

Nếu các đương sự đều có mặt đầy đủ khi được triệu tập thì quá trình giải quyết án sẽ nhanh, gọn hơn. Ảnh minh họa: HTD

Mãi đến gần đây (sau hơn hai năm thụ lý), vụ án mới tiến đến được giai đoạn lên lịch xử. Lúc này tòa còn thấy mệt hơn bởi cứ trước ngày xử vài hôm lại nhận được đơn xin hoãn xử của một bị đơn (theo quy định mỗi đương sự được quyền xin hoãn xử hai lần). Họ cứ lần lượt thay nhau nghĩ ra đủ mọi lý do để xin hoãn, có người còn làm đơn có xác nhận của bệnh viện xin hoãn vài tháng vì bệnh tật, sinh nở. Tòa thụ động trong kế hoạch, thẩm phán và nguyên đơn đều bị ức chế. Đến nay, vụ tranh chấp vẫn chưa thể giải quyết xong.

Luật còn “hở”, thẩm phán chưa quyết đoán

Pháp luật dân sự quy định các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp, bổ sung tài liệu, nhân chứng... trong quá trình giải quyết án nhưng lại không quy định thời hạn “khóa sổ”. Mặt khác, các bên đương sự có nghĩa vụ đến tòa theo giấy triệu tập của tòa nhưng chế tài quá “mềm” (chỉ phạt 50.000 đồng) nên nhiều người chẳng ngán. Nhiều đương sự đến đôi lần rồi “lặn” luôn sau khi được ai đó tư vấn “cứ ở nhà đi, án càng kéo dài càng lợi”. Kết quả là án đã quá hạn lại càng quá hạn hơn!

Ở một góc nhìn khác, một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao cho rằng sở dĩ các đương sự “làm mưa làm gió” được là do tòa chưa vận dụng các thủ tục rút gọn, thẩm phán chưa quyết đoán khi xử án. Tranh chấp dân sự là chuyện của các đương sự, họ có quyền tự định đoạt nhưng thẩm phán lại chưa thấm nhuần thói quen xử theo chứng cứ. Khi bị đơn không có đủ lý lẽ, thay vì xử ngay, tòa lại sợ họ bị “oan” nên tự đi điều tra, xác minh thêm, mất nhiều thời gian.

Nhiều chuyên gia cho rằng thủ tục hòa giải áp dụng một cách cứng nhắc là bắt buộc phải hai lần cũng tạo điều kiện cho các đương sự kéo dài thời gian bởi rất nhiều vụ án các bên không thể và không cần hòa giải. Thay vào đó, nên chăng chỉ xem hòa giải là một thủ tục tự nguyện của đương sự. Nếu các bên đương sự yêu cầu thì tòa tiến hành, không thì thôi.

Bỏ đi khỏi nơi cư trú

TAND TP đang thụ lý một vụ kiện đòi nhà giữa bà L. và bà B. (em gái) kéo dài hơn 10 năm nay chưa xong.

Đầu tiên, bà B. kiện con bà L. đòi lấy lại nhà đang cho ở nhờ vì đã bán cho người khác. Năm 1995, TAND quận 10 và TAND TP đều tuyên bà B. thắng nhưng cả hai bản án sơ, phúc thẩm đã bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy án.

Đầu năm 1998, TAND TP thụ lý lại vụ kiện, triệu tập bà B. đến. Thấy chiều hướng có vẻ bất lợi, bà B. bèn “bỏ đi khỏi nơi cư trú” khiến tòa phải tạm đình chỉ vụ án vì không biết bà ở đâu. Trong lúc này, người mua nhà của bà B. cũng nhanh tay “gả” tiếp căn nhà cho người khác dù tòa đang áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Mấy năm sau, tòa xác định phía mẹ con bà L. được quyền kiện ngược bà B. Trong đơn khởi kiện mới nhất hồi tháng 6-2009, bà L. phải đưa cả những người mua căn nhà của bà B. vào với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khắt khe hơn với đương sự

Ở TAND huyện Phước Long, nếu gặp phải những đương sự “ba gai”, tôi thường áp dụng biện pháp mạnh: tòa lập biên bản giao hẹn dứt khoát rằng trong một tháng tới nếu không nộp đủ chứng cứ cho tòa thì coi như họ từ chối quyền lợi của mình. Vì đã cam kết với tòa nên khi đưa ra xử vắng mặt hoặc đình chỉ vụ án thì đương sự không có quyền khiếu nại nữa. Ngoài ra, để quá trình giải quyết án nhanh gọn, luật nên quy định các cơ quan bổ trợ tư pháp như hội luật gia nên nhập cuộc giúp đương sự. Khi ấy đương sự có thể ủy quyền cho họ để tham gia tố tụng vừa nhanh vừa hiệu quả.

Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng,
Phó Chánh án TAND huyện Phước Long (Bình Phước)

Ủy quyền cho luật sư

Phải quy định như ở các nước ngoài là tất cả loại án dân sự thì đương sự bắt buộc phải có luật sư tham gia hết. Sau đó họ phải ủy quyền hết cho luật sư những ý kiến của mình để đại diện theo pháp luật cho mình tại tòa, khi tòa tống đạt giấy tờ, triệu tập hoặc mở phiên xử thì luật sư phải có mặt theo luật định. Làm như vậy vừa gọn quy định, vừa rút ngắn được tố tụng và hết đất cho đương sự “dùng chiêu” với tòa.

Tiến sĩ Chu Hải Thanh, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp

Giới hạn lại việc xét xử

Quy định về việc đương sự cung cấp chứng cứ, việc được xin hoãn tòa hai lần như hiện nay là quá dễ dãi cả về nội dung cũng như thời gian. Ngoài ra, nên giới hạn lại những loại án nào tòa xét xử và loại nào được quyền kháng cáo chứ không nên chuyện gì cũng lôi nhau ra tòa được. Mình thể hiện tính dân chủ nhưng phải theo khuôn khổ nhất định.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng,
Chánh án TAND tỉnh Bình Dương

Định thời hạn cung cấp chứng cứ

Các bên đương sự có nghĩa vụ phải cung cấp tất cả chứng cứ liên quan cho tòa trong thời hạn nhất định. Nếu các bên cố tình ém nhẹm hay chỉ tung ra tại tòa hoặc tại phiên phúc thẩm thì chứng cứ này dứt khoát cần phải bị tòa bác bỏ.

Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao

Rút gọn việc tống đạt, triệu tập

Nên áp dụng chế độ thừa phát lại trong việc tống đạt, triệu tập đương sự vì hiện nay quá phức tạp. Hoặc nên quy định tòa án gửi cho công an phường đi tống đạt, nếu đương sự không có nhà thì dán giấy ở cửa là coi như hợp lệ. Hoặc cho đương sự lựa chọn trọng tài kinh tế hay tòa án trong các tranh chấp của mình vì các tranh chấp về hợp đồng thuê nhà, đất… có thể do trọng tài phán quyết, đâu nhất thiết cứ phải tòa dân sự phân xử. Nên tăng thẩm quyền cho trọng tài để họ chia sẻ công việc với tòa án.

Tiến sĩ luật Lê Nết

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm