Bài cuối: Quyết liệt kéo giảm

. Phóng viên: Thưa ông, liệu có thể xóa bỏ được án quá hạn trong ngành tòa án?

+ Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh: Không một vị lãnh đạo nào của ngành tòa án có thể tuyên bố sẽ loại trừ hoàn toàn án quá hạn bởi đó là điều không tưởng! Chúng ta chỉ có thể kéo giảm được số lượng mà thôi.

Chứng cứ tới đâu, xử tới đó

. Để kéo giảm, ngành TAND TP có giải pháp nào khi các bên đương sự không hợp tác, thưa ông?

+ Tôi chưa thể có lời giải toàn bộ cho vấn đề nan giải này nhưng đã có một nửa rồi. Thực tế, trước một số mánh lới của đương sự, tòa không thể làm gì được mà phải sống chung với nó. Chẳng hạn một vụ án có 10 đương sự, theo luật mỗi đương sự được yêu cầu tòa hoãn xử hai lần thì tổng cộng số lần họ được hoãn xử sẽ là 20. Dù biết rõ đương sự đang kéo rê án nhưng tòa vẫn phải tôn trọng vì pháp luật cho họ quyền đó. Hay là chuyện các bên đương sự không đến tòa, hiện chưa có chế tài nên chúng tôi chưa có giải pháp hạn chế.

Bài cuối: Quyết liệt kéo giảm ảnh 1

Người dân tìm thông tin lịch xét xử các vụ án tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, việc đương sự cố tình không cung cấp đầy đủ chứng cứ hay nộp kiểu nhỏ giọt cho tòa thì sắp tới sẽ không còn đất diễn nữa! Chúng tôi sẽ chỉ đạo cấp dưới cứ xét xử chứ không đứng ra xác minh hộ chứng cứ cho họ. Tòa sẽ áp dụng nguyên tắc nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ thuộc về phía đương sự mà luật đã định. Có nghĩa là đương sự nộp cho tòa được bao nhiêu thì tòa xử bấy nhiêu để đảm bảo hạn định.

Dĩ nhiên, tòa vẫn giúp đương sự nhưng thay bằng cách khác là chỉ ra văn bản yêu cầu các cơ quan cung cấp chứng cứ cho tòa. Các cơ quan đó có trách nhiệm trả lời; nếu không, tòa vẫn xử theo chứng cứ đương sự có chứ không chờ cho bằng được văn bản phúc đáp.

Giao chỉ tiêu cho từng thẩm phán

. Với những thẩm phán ngại khó, nhát tay thì sao, thưa ông?

+ Tôi biết có nhiều thẩm phán khi được phân công thì cứ chọn những vụ án dễ xử trước, vụ khó xếp lại nên chuyện quá hạn là dễ hiểu. Tỉ lệ này ở ngành tòa án TP tuy ít nhưng không phải không có vì như năm nay nó vẫn chiếm khoảng 10% trong tổng lượng án quá hạn.

Với tư cách là lãnh đạo, tôi quán triệt anh em luôn phải tích cực giải quyết cho bằng được và đã nhắc nhở, kiểm điểm, thậm chí cắt thi đua. Sắp tới, tôi sẽ giao trách nhiệm và chỉ tiêu cho từng chánh tòa chuyên trách, từng chánh án tòa quận, huyện, từng thẩm phán trong từng vụ việc cụ thể.

Trong quá trình giải quyết, nếu có vướng mắc gì thì thẩm phán sẽ được gặp gỡ, trao đổi với Ủy ban Thẩm phán TAND TP để tìm cách gỡ. Tôi sẽ yêu cầu Ủy ban Thẩm phán làm việc ngoài giờ, họp đột xuất để cùng các thẩm phán gỡ khó. Chỉ có như vậy, chúng tôi mới khắc phục được nguyên nhân từ phía con người.

Lập bộ phận chuyên trách

. Hoạt động giám định tư pháp bổ trợ cho việc xét xử của tòa thường chậm có kết quả. Làm sao để khắc phục, thưa ông?

+ Từ trước đến nay, UBND TP đã thành lập các hội đồng định giá gồm thành viên ở các lĩnh vực khác nhau tập hợp lại. Hội đồng này không chuyên trách nên không đáp ứng được nhu cầu thẩm định, định giá ngày càng nhiều và phức tạp hơn của tòa. Hơn nữa, cán bộ chuyên ngành ở các cơ quan tòa yêu cầu giám định thường kiêm nhiệm. Công việc chuyên môn quá tải, họ không còn thời gian giúp tòa sớm dù biết hậu quả là án bị quá hạn.

Vì vậy, chúng ta nên thành lập bộ phận chuyên trách ở các cơ quan mà tòa thường xuyên trưng cầu giám định. Bộ phận này thuộc quyền quản lý của các cơ quan đó nhưng lại chuyên làm nhiệm vụ xác minh theo yêu cầu của tòa.

. Ông nghĩ sao khi nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài quá hạn vì ủy thác tư pháp bị chậm trễ?

+ Chúng ta chưa thể khắc phục ngay được vì còn phụ thuộc vào phía nước ngoài. Thường những nước đã ký hiệp định tương trợ tư pháp với ta thì họ làm giúp, còn lại là không. Chưa kể bản thân quy trình bắt buộc phải ủy thác ít nhất hai lần hiện nay đã tạo sự phức tạp và mất nhiều thời gian cho tòa. Giải quyết vướng mắc này cần phải có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền.

Còn một thực tế nữa là hiện các thẩm phán không có trong tay các hiệp định tương trợ tư pháp nên không nắm rõ nội dung. Bản thân tôi từng đề xuất với ngành ngoại giao là nên tập hợp tất cả nội dung các bản hiệp định tương trợ tư pháp chúng ta đã ký kết với các nước thành một tập kỷ yếu để trang bị cho các thẩm phán.

. Xin cảm ơn ông.

Gỡ vướng trong kiện đòi bảo hiểm xã hội

Theo Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh, việc doanh nghiệp bị kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là loại tranh chấp mới nhưng khá phức tạp. Thời gian đầu ngành tòa án TP lúng túng về thẩm quyền giải quyết nhưng đến nay, TAND TP đã thống nhất là các tòa quận, huyện cứ thụ lý loại tranh chấp này dù lượng án của TP đang quá tải.

Về vấn đề tạm ứng án phí, lúc đầu tòa các quận, huyện chưa biết xử lý thế nào vì số tiền rất lớn, cơ quan bảo hiểm xã hội không lo nổi nên chuyện thụ lý đơn kiện gặp trục trặc. Nay vì quyền lợi của người lao động, TAND TP chấp nhận giải pháp linh hoạt là tạm miễn tiền tạm ứng án phí cho cơ quan bảo hiểm xã hội...

Hòa giải ngay từ cơ sở

Theo Chánh án Bùi Hoàng Danh, về lâu dài, ngành tòa án TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và chính quyền các địa phương để đẩy mạnh việc hòa giải giữa các đương sự ở cơ sở. Thực tế có rất nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn chỉ cần hòa giải tốt ở cơ sở là xong. Khi đó các đương sự không cần phải đưa nhau ra tòa nữa.

Lập cơ quan bổ trợ tư pháp

Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND TP.HCM cuối tháng 11-2009, TAND TP kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm thành lập cơ quan bổ trợ tư pháp thực hiện việc tống đạt giấy triệu tập và các tài liệu khác của tòa để giảm bớt quá tải. Tòa cũng kiến nghị các ngành liên quan đến công tác giám định, định giá cần sớm có kết quả để tòa xử trong hạn luật định.

Nâng vai trò của người đứng đầu tòa án

Theo Chánh án TAND quận 2 Phạm Thao, chánh án là người trực tiếp phân án và nắm cụ thể về số lượng cũng như tình hình xét xử. Tâm lý chung của thẩm phán là chọn vụ dễ làm trước, xếp vụ khó lại nên chánh án phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở thẩm phán để công việc trôi chảy hơn.

THANH TÙNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm