Băn khoăn chuyện bảo lĩnh trong án hình sự

Theo Điều 92 BLTTHS, cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ (ít nhất phải có hai người). Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên tổ chức của mình.

Thiếu tiêu chuẩn của cơ quan, tổ chức

Vấn đề là luật quy định về tiêu chuẩn của người nhận bảo lĩnh (có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật) nhưng lại không quy định tiêu chuẩn của cơ quan, tổ chức. Trong khi đó, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng đủ tư cách cam đoan rằng bị can, bị cáo không tiếp tục phạm tội, bảo đảm bị can, bị cáo có mặt theo triệu tập của cơ quan tố tụng.

Hiện nay, nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường, có nhiều cơ quan, tổ chức kinh tế-xã hội nước ngoài làm việc hoặc có trụ sở hoạt động tại nước ta. Như vậy, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng có đủ những tiêu chuẩn để bảo lĩnh, nhất là đối với các trường hợp cơ quan, tổ chức và bị can, bị cáo là người nước ngoài.

Xác nhận như thế nào?

Khoản 4 Điều 92 BLTTHS quy định việc bảo lĩnh của cá nhân phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Tuy nhiên, nội dung xác nhận như thế nào thì pháp luật lại không đề cập.

Chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức xác nhận về tiêu chuẩn của người nhận bảo lĩnh hay chỉ xác nhận về nơi họ cư trú, làm việc? Chuyện này đang gây tranh cãi với hai luồng quan điểm.

Theo quan điểm thứ nhất, khi luật còn chung chung thì các cơ quan tố tụng chỉ cần hướng dẫn người nhận bảo lĩnh viết đơn cam kết, có chữ ký, đóng dấu của chính quyền địa phương hay cơ quan, tổ chức là được.

Băn khoăn chuyện bảo lĩnh trong án hình sự ảnh 1

Theo quan điểm thứ hai, luật đã đòi hỏi tiêu chuẩn của người nhận bảo lĩnh thì phải có nơi xác nhận. Ở đây, nếu người nhận bảo lĩnh làm việc tại một cơ quan, tổ chức thì cơ quan, tổ chức này phải xác nhận cả về nơi làm việc lẫn tiêu chuẩn của họ. Nếu người nhận bảo lĩnh không làm ở một cơ quan, tổ chức nào thì chính quyền địa phương nơi họ cư trú phải xác nhận cả về nơi cư trú lẫn tiêu chuẩn. Bởi lẽ ở góc độ quản lý thì cơ quan, tổ chức hay chính quyền địa phương là nơi gần gũi nhất, có thể nắm được lý lịch, quá trình sinh hoạt của người nhận bảo lĩnh.

Chúng tôi nghiêng về quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, cái khó là chưa có văn bản nào quy định về trách nhiệm, chế tài nếu chính quyền địa phương hay cơ quan, tổ chức không xác nhận đầy đủ cả nơi cư trú, làm việc lẫn tiêu chuẩn của người nhận bảo lĩnh. Do đó, nếu các nơi này từ chối xác nhận về tiêu chuẩn thì cũng không ai bắt bẻ gì được.

Chế tài sao nếu vi phạm?

Khoản 4 Điều 92 BLTTHS quy định cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan. Nhưng chịu trách nhiệm như thế nào, chế tài ra sao thì luật lại không quy định, cũng không có văn bản hướng dẫn. Gặp tình huống này, các cơ quan tố tụng đành phải bó tay vì không biết xử lý sao.

Có vi phạm nhưng lại thiếu chế tài xử lý là một bất cập làm cho việc thực thi pháp luật thiếu nghiêm minh. Vì vậy, việc sửa luật để đề ra các chế tài cụ thể đối với người vi phạm là điều rất cần thiết.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 92 BLTTHS

- Khoản 4: Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có đủ tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Khi nhận bảo lĩnh phải được công an cấp phường (xã) nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc nhận xét và xác nhận. Tổ chức nhận bảo lĩnh bị can, bị cáo phải là tổ chức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, chưa có quyết định giải thể, chuyển ra nước ngoài... Khi nhận bảo lĩnh người đứng đầu tổ chức đứng ra cam đoan và phải được cơ quan công an cấp phường (xã) nơi đặt trụ sở nhận xét và xác nhận. Nếu có yếu tố nước ngoài thì cơ quan công an cấp huyện nhận xét và xác nhận.

- Khoản 5: Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ cam đoan sẽ bị UBND cấp xã, huyện nơi họ cư trú hoặc nơi họ làm việc, nơi đặt trụ sở làm việc xử phạt hành chính. Trong trường hợp này, bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Ngoài ra, văn bản hướng dẫn về mức phạt vi phạm hành chính cần được quy định như sau:

Đối với cá nhân: Nếu để bị can, bị cáo không có mặt theo giấy triệu tập thì bị xử phạt gấp ba lần; nếu để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội thì bị xử phạt gấp 10 lần mức lương cơ bản do Nhà nước quy định tại thời điểm xử phạt.

Đối với tổ chức: Nếu để bị can, bị cáo không có mặt theo giấy triệu tập thì bị phạt gấp sáu lần; nếu để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội thì bị phạt gấp 20 lần mức lương cơ bản do Nhà nước quy định tại thời điểm xử phạt.

Những vụ bảo lĩnh “lùm xùm”

Mới đây, Nguyễn Ngọc Luân, Nguyễn Thị Tuyết Vân và năm đồng phạm buôn lậu 336 kg vàng xuyên biên giới tại tỉnh Tiền Giang, bị VKSND tỉnh Tiền Giang truy tố về tội này theo khoản 4 Điều 153 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến tù chung thân). Ngày 31-1-2011, Luân và Vân được bảo lĩnh, cho tại ngoại để chờ xét xử.

Điều đáng nói là cả Luân và Văn đều có nhân thân xấu, nhiều lần bị bắt vì buôn lậu; người bảo lĩnh cho Luân cũng từng... bị phạt tù về tội buôn lậu. Chưa kể, đây là một vụ buôn lậu có tổ chức đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, vụ việc đã bị các đại biểu HĐND đưa ra chất vấn khá gay gắt tại kỳ họp lần hai HĐND tỉnh Tiền Giang ngày 25-8...

Tháng 4-2009, Nguyễn Hoàng Vũ bị Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cướp hơn 10 triệu đồng cùng nữ trang của một phụ nữ. Chỉ ba ngày sau, Vũ được bà NTTT, Trưởng phòng Kiểm sát giam giữ VKSND tỉnh Tiền Giang, bảo lĩnh cho tại ngoại trở về địa phương.

Trở về, Vũ đe dọa nạn nhân và ngang nhiên tuyên bố: “Công an không làm gì được bởi có dì và cậu ruột làm ở VKS tỉnh”. Trước phản ứng bất bình của dư luận, VKSND tỉnh đã phải cử cán bộ xác minh, làm rõ việc bảo lĩnh của bà T...

PHẠM NGỌC ÁNH, Phó Chánh án Tòa án Quân sự Khu vực 2 Quân chủng Hải quân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm