Bắn người bằng súng hoa cải, tội gì?

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 29-3 có bài “Bắn súng hoa cải là giết người?”, phản ánh chuyện vì bênh vực nhóm ông M. trong sới đá gà mà Luyện Danh Tâm đã xách hai khẩu súng hoa cải ra bắn một người đứng cách Tâm khoảng 16 m. Nạn nhân bị nhiều vết thương vào phần mềm, tổng thương tật 39%.

Tâm bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS (khung hình phạt từ năm năm tù đến 15 năm tù). Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của Tâm có dấu hiệu của tội giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Theo tòa, ở cự ly khoảng 16 m, Tâm nổ súng thì khả năng sát thương rất cao, VKS chỉ truy tố về tội cố ý gây thương tích là chưa đúng... Phía VKS vẫn giữ nguyên quan điểm, cho rằng nạn nhân chỉ bị bắn vào các phần mềm trên cơ thể, không nguy hiểm đến tính mạng nên không thể quy kết Tâm phạm tội giết người.

Theo tôi, để xác định hành vi của Tâm phạm tội giết người (chưa đạt) hay tội cố ý gây thương tích thì phải căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội chứ không phải căn cứ vào công cụ, phương tiện phạm tội. Công cụ, phương tiện phạm tội chỉ nói lên tính chất nguy hiểm của hành vi chứ không thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội. Nó cũng không phải là dấu hiệu duy nhất để phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích.

Dấu hiệu đặc trưng để phân biệt tội giết người (chưa đạt) với tội cố ý gây thương tích là ý thức chủ quan của người phạm tội. Nếu người phạm tội có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vì những lý do khách quan mà nạn nhân không chết thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (chưa đạt). Nếu người phạm tội không có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng biết hành vi của mình có thể làm cho nạn nhân chết mà vẫn có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra, chết cũng được mà không chết cũng được (muốn ra sao thì ra). Đây là lỗi cố ý gián tiếp, nếu nạn nhân chết, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người; nếu nạn nhân chỉ bị thương tích thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Trở lại vụ án báo nêu, Tâm không có mâu thuẫn “sống còn” với nạn nhân. Tâm chỉ xuất hiện khi nhóm ông M. cự cãi với một số người cùng sát phạt tại một trường gà. Vì bênh vực phía ông M. nên Tâm mang súng hoa cải ra bắn vào một người trong nhóm bên kia. Trong trường hợp này, khi bắn, Tâm không có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn hành động cho bõ tức, mặc cho hậu quả xảy ra, chết cũng được mà không chết cũng mặc (lỗi cố ý gián tiếp). Nạn nhân không chết mà chỉ bị thương tật 39% nên Tâm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Cũng cần nói thêm, phía tòa án nhận định ở cự ly khoảng 16 m, bị cáo nổ súng thì khả năng sát thương rất cao, nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Khả năng sát thương cao không có nghĩa là nạn nhân tất yếu sẽ chết, đồng thời nhận định nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của Tâm cũng chưa có căn cứ. Chỉ khi nào Tâm khai muốn giết nạn nhân nên đã dùng súng hoa cải bắn thì lúc đó hãy nói là ngoài ý muốn của bị cáo.

Mặt khác, nhận định của VKS cho rằng thực tế nạn nhân chỉ bị bắn vào các phần mềm trên cơ thể, không nguy hiểm đến tính mạng nên không thể quy kết bị cáo phạm tội giết người là chưa thuyết phục. Vì nếu bị cáo đã có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân thì việc bắn vào đâu trên cơ thể nạn nhân cũng không phải là dấu hiệu định tội nữa.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm