Bộ luật Gia Long có tính sáng tạo?!

Một trong những hậu quả nguy hiểm điển hình của nó đã khiến cho một tập thể cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội do TS Trương Quang Vinh chủ trì chỉ vì dựa hẳn theo bản dịch đó để biên soạn sách “Tội phạm và hình phạt trong Hoàng Việt luật lệ” (NXB Tư pháp, 2008) nên nội dung bị sai trật theo.

Đọc lại bản dịch của NXB Văn hóa-Thông tin 1994 ấy, tôi lại thấy “Lời dẫn” của dịch giả khẳng định: “Hoàng Việt luật lệ (hay còn gọi là Luật Gia Long) là một bộ luật lớn nhất của chế độ phong kiến Việt Nam” (trang VII); “nếu đọc kỹ Hoàng Việt luật lệ và tham khảo từ các sách khác, chúng ta mới thấy được phần đóng góp và sáng tạo của tác giả bộ luật này” (trang XIV); “thực sự nó là một bộ luật do người Việt Nam soạn thảo công phu trong một thời gian dài, được xem như một chuẩn thằng của công tác luật pháp của triều Nguyễn”(trang XLIII)…

Ông có nhận xét chi về nhận định nói trên của dịch giả bộ Hoàng Việt luật lệ ấy, đặc biệt là về “tính dân tộc” và “tính sáng tạo” của nó như dịch giả đã nói đó?

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Cao Nguyễn Lê Quang,

Muốn biết Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ - HVLL) có tính dân tộc, sáng tạo như thế nào thì cách thuyết phục nhất là nên phân tích, so sánh nội dung của nó với bộ luật của nước Trung Hoa đương thời. Do khả năng hiểu biết của tôi có hạn, vả lại tôi không có bộ luật căn bản của Trung Hoa lúc bấy giờ (Đại Thanh luật lệ) nên không dám có ý kiến chi. Song để đáp ứng yêu cầu của bạn, tôi xin phép trích dẫn ra một số nhận định của các nhà nghiên cứu đi trước, chắc cũng có thể làm rõ được phần nào giá trị “sáng tạo” của HVLL.

P. L. F. Philastre, một học giả người Pháp, đã viết trong tác phẩm Le code Annamite (Bộ luật An Nam) xuất bản ở Paris, 1875, tái bản 1909, đã có nhận xét như sau: “Bộ luật An Nam gồm các điều luật, chú giải và các điều lệ kèm theo điều luật, chẳng phải là cái gì khác hơn bộ luật Trung Hoa của triều Mãn Thanh, chỉ bỏ đi một số rất ít điều luật và ở vài điều luật khác - mà cũng rất hiếm - thì chỉ sửa đổi tí chút”(1) [(1) NGUYỄN PHAN QUANG, Ngược về nguồn cội, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010, trang 136.]…

Năm 1922, luật sư Phan Văn Trường, trong luận án Tiến sĩ luật khoa của mình (đã in thành sách tựa đề Essai sur le Code de Gia Long - Lược khảo về Bộ luật Gia Long, xuất bản ở Paris, 1922), cũng đã nhận xét: “Thực ra bộ luật này chỉ là một bản sao chép - có sửa đổi tí chút - nguyên văn bộ luật hình của triều Mãn Thanh đang thống trị Trung Hoa hồi đó”(2); “Đó là việc sao chép một cách lệ thuộc mù quáng pháp chế cũ của “thiên triều”(3) [(2) (3) NGUYỄN PHAN QUANG, sđd, trang 137, 138.]…

Và một học giả người Pháp khác là G. Taboulet đã viết trong tác phẩm La geste française en Indochine - Kỳ tích của Pháp ở Đông Dương (xuất bản ở Paris, 1955) cũng có nhận định: “Bộ luật Gia Long thực ra chẳng có gì là sáng tạo, mới mẻ mà chỉ là sự mô phỏng (reproduire) các điều khoản trong luật Trung Hoa dưới triều Thanh”…(4) [(4) NGUYỄN PHAN QUANG, sđd, trang 139.]

Các tác giả tiêu biểu nói trên đã dịch HVLL ra tiếng Pháp và đối chiếu, so sánh chi tiết từng điều khoản của HVLL với Đại Thanh luật lệ của Trung Hoa, để hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Tôi nghĩ họ có đủ tư cách để nhận xét, đánh giá và nội dung nhận xét của họ rõ ràng trái ngược với nhận định của người dịch Bộ HVLL để NXB Văn hóa-Thông tin xuất bản ra mắt độc giả vào năm 1994. Nhận xét của họ cũng thống nhất với nhận định của các nhà nghiên cứu luật học, sử học có uy tín ở Việt Nam (cả miền Bắc và miền Nam) từ thời điểm trước 1975 (Vũ Văn Mẫu, Đinh Gia Trinh…). Cho nên theo tôi, khi nghiên cứu cổ luật Việt Nam, độc giả cần hết sức “cảnh giác” với bản dịch nói trên.

Thân chào bạn.

Mời bạn đọc đóng góp ý kiến

Kính thưa bạn đọc,

Toàn bộ nội dung chuyên mục “Chuyện xưa-Chuyện nay” do Anh Phó phụ trách đăng trên nguyệt san Pháp Luật TP.HCM sẽ được tập hợp in thành sách với hơn 300 câu hỏi-đáp. Bạn đọc xa gần có ý kiến nhận xét chi về chuyên mục này, xin vui lòng gửi thư về tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM (470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM), hoặc fax (38345102), hoặc email (baophapluat@phapluattp.vn).Hân hạnh được tiếp nhận ý kiến đóng góp của bạn đọc xa gần.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm