Cá nhân bị kiện nhưng cơ quan phải bồi thường

Trong phần nhận định của bản án, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng trong khi thi hành công vụ, đội trưởng Đội QLTT 3A đã làm trái pháp luật. Thế nhưng đến phần quyết định, bản án lại tuyên buộc Đội QLTT 3A phải bồi thường (277 triệu đồng) thiệt hại cho bên khởi kiện chứ không phải tuyên buộc đội trưởng phải bồi thường.

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao đội trưởng làm sai và bị kiện nhưng tòa lại buộc cơ quan phải bồi thường. Trong án hành chính, khi nào thì kiện cá nhân, khi nào thì kiện tổ chức?

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Cá nhân bị kiện nhưng cơ quan phải bồi thường ảnh 1
Thứ nhất, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra (Điều 13). Điều 14 của luật này cũng quy định cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Như vậy, trong vụ trên, mặc dù người bị kiện là đội trưởng (người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật) nhưng chủ thể có trách nhiệm bồi thường lại là cơ quan của anh ta, tức Đội QLTT 3A.

Cần nói rõ hơn, sau khi cơ quan bồi thường cho cá nhân bị thiệt hại xong thì người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ phải hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (khoản 1 Điều 56 luật nói trên).

Thứ hai, theo luật, trong án hành chính người bị kiện có thể là cá nhân, cơ quan hay tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc... Để xác định đúng người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc đó. Khởi kiện cá nhân (gắn liền với chức vụ của cá nhân đó) khi cá nhân đó có hành vi hành chính hoặc ban hành quyết định hành chính bị cho rằng trái luật. Khởi kiện cơ quan, tổ chức trong trường hợp luật quy định hành vi hành chính hay quyết định hành chính (bị kiện) lại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức đó.

Ví dụ: Ông H. muốn khởi kiện quyết định thu hồi đất do ông Nguyễn Văn A- Chủ tịch UBND huyện ký. Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Đất đai thì UBND cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất (trong trường hợp đang đề cập) nên người bị kiện được xác định là UBND huyện. Ngược lại, ông H. muốn kiện quyết định xử phạt hành chính thì theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này thuộc về chủ tịch UBND các cấp. Vì vậy, người bị kiện lại là cá nhân chủ tịch UBND đã ký quyết định xử phạt.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
(chuyên gia án hành chính, chủ tọa phiên tòa nói trên)

HOÀNG YẾN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm