Cần nâng tầm hội thẩm nhân dân

Sáng 31-1, tại hội nghị tổng kết công tác hội thẩm năm 2012 của ngành TAND TP.HCM, một số hạn chế đã được chỉ ra như ngành tòa án TP chưa tổ chức cho các hội thẩm rút kinh nghiệm án bị hủy, sửa, chưa kịp thời cung cấp văn bản pháp luật mới ban hành...

“Trình độ của hội thẩm nhân dân là một vấn đề quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử” - ông Phạm Hiếu Nghĩa, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM, khẳng định. Tại hội nghị, ông Nghĩa đã đặt ra một câu hỏi rất thẳng thắn: “Liệu có bao nhiêu hội thẩm đọc hồ sơ trước khi ngồi xét xử”?

Phải nghiên cứu trước hồ sơ

Nhiều hội thẩm nhân dân thừa nhận không đọc hồ sơ trước do nhiều nguyên nhân khác nhau: Quá bận rộn nên không sắp xếp được thời gian; chỗ làm việc hoặc nghiên cứu hồ sơ mà tòa bố trí quá chật chội, thậm chí không có, phải ngồi chung với luật sư, rồi lại phải chờ đợi…

Bên lề hội nghị, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, có hội thẩm nhân dân còn cho biết trong gần 10 năm làm công tác này, ông chỉ đọc trước hồ sơ… một vụ. Ông lý giải: “Tôi không đọc hồ sơ bởi theo tôi quan trọng là diễn biến tại phiên tòa, tất cả hồ sơ phải được thẩm tra tại tòa. Hội đồng xét xử ngồi nghe bên buộc tội và bên gỡ tội, nếu thấy cần thiết thì hỏi thêm, sau đó mới đưa ra phán quyết. Hơn nữa, có trường hợp tòa hoãn hoặc thay đổi lịch xử, rồi khi có lịch xử mới lại không mời hội thẩm đã mời trước đó thì rất phí công sức, thời gian nghiên cứu mà hội thẩm đã bỏ ra”. Ngoài ra, vị hội thẩm này cũng thẳng thắn thừa nhận trong thực tế có những trường hợp hội thẩm còn thiếu trách nhiệm, ỷ lại vào thẩm phán...

Cần nâng tầm hội thẩm nhân dân ảnh 1

Trình độ của hội thẩm nhân dân là một vấn đề quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, theo Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh, hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu hồ sơ để đánh giá chứng cứ, sau đó kết hợp với diễn biến phiên tòa để đưa ra phán quyết. Ông Danh đặt vấn đề: “Khi có án hủy sửa, thẩm phán phải chịu trách nhiệm, còn hội thẩm thì sao? Do đó, rất cần xây dựng quy chế hội thẩm - tòa án để đạt được hiệu quả cao hơn trong xét xử”.

Chú trọng tập huấn, rút kinh nghiệm

Để đảm bảo chất lượng xét xử, nhiều hội thẩm khác đề nghị khi đang nghị án kéo dài nhiều ngày, thẩm phán và hội thẩm không được xét xử vụ án khác.

Mặt khác, theo ông Lê Giáo (Trưởng đoàn hội thẩm TP.HCM), đối với những bản án bị hủy, sửa, ngành tòa án TP cần tổ chức những buổi tập huấn rút kinh nghiệm và thông báo cho các hội thẩm tham gia. Đồng thời, khi đã tổ chức tập huấn thì các tòa không lên lịch xét xử nữa để các hội thẩm tập trung tham gia.

Ghi nhận, Chánh án Bùi Hoàng Danh cho biết TAND TP sẽ có kế hoạch sắp xếp, khắc phục. “Mỗi lần tập huấn, tòa chuẩn bị hết rồi mà các hội thẩm vắng nhiều, chúng tôi cũng buồn lắm chớ” - ông Danh nói. Ngoài ra, theo ông Danh, tình trạng chưa bao giờ đạt được tỉ lệ 50% số lượng hội thẩm tham gia tập huấn hiện nay còn có lý do khác là các hội thẩm không sắp xếp được công việc cá nhân để tham dự.

Một vấn đề khác, ông Giáo đề nghị thực hiện việc tăng tiền bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân. Hiện số tiền đã được tăng từ 50.000 đồng/ngày lên 90.000 đồng nhưng chưa thực hiện được do thiếu kinh phí. Thực tế, hội thẩm chỉ nhận được 50.000 đồng cho một lần ngồi tòa xét xử, bao gồm luôn việc nghiên cứu hồ sơ trước đó.

Toàn ngành tòa án TP hiện đang có 759 hội thẩm nhân dân, trong đó TAND TP.HCM 84 người, TAND quận, huyện 675 người. Tại TAND TP, số vị hội thẩm tham gia xét xử được 3.046 lượt, trong đó có bốn vị tham gia trên 100 lượt. Hội thẩm tham gia nhiều nhất là 373 lượt, hội thẩm tham gia ít nhất là một lượt. Hội thẩm tham gia xét xử trên 100 lượt hầu hết là cán bộ hưu trí.

Số lượt hội thẩm tham gia xét xử các loại vụ án tại TAND TP.HCM: Án hình sự: 1.334; án dân sự: 382; án hôn nhân gia đình: 582; án kinh doanh thương mại: 662; án hành chính: 136; án lao động: 4

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm