Chỉ tại “cái tôi” quá lớn!

Họ đang giành quyền nuôi con trước tòa. Thuở trước, anh Q. và chị M. yêu nhau từ thời sinh viên, cùng học đại học tại TP.HCM. Anh Q. hơn chị M. ba tuổi. Sau khi chị M. ra trường, cả hai nên vợ nên chồng.

Hạnh phúc của họ bắt đầu rạn nứt vì những va chạm trong sinh hoạt. Anh Q. nói vợ suốt ngày chỉ biết nhậu, tụ tập bạn bè và lao vào công việc, ít chăm lo cho chồng con. Còn chị M. thì bảo do nghề nghiệp của chị đòi hỏi phải quan hệ xã hội nhiều, muốn chồng chia sẻ mà chồng lại không thấu hiểu, thông cảm.

Mâu thuẫn ngày càng tích tụ gay gắt, họ thuận tình ly hôn. Đứa con lúc đó chưa đầy hai tuổi nên chị M. được quyền nuôi dưỡng. Sau đó, anh Q. khởi kiện giành quyền nuôi con. Trong phiên xử sơ thẩm, TAND quận 5 đã bác yêu cầu của anh. Không đồng tình, anh Q. kháng cáo.

Trong phiên phúc thẩm mới đây tại TAND TP.HCM, anh Q. đưa ra lý do giành quyền nuôi con: “Cô ấy không xứng làm mẹ, cô ấy đi suốt ngày, nhậu nhẹt bỏ bê con cái nên tôi không đồng ý để con sống trong môi trường đó”. Còn chị M. bật khóc: “Công việc kinh doanh của tôi bận rộn, không thể bên con thường xuyên nhưng không có nghĩa tôi không thể chăm sóc con tốt. Tôi làm mẹ, tôi biết lúc nào con buồn, con vui, biết lúc nào con muốn đi vệ sinh. Bản thân anh chưa từng phụ cấp cho con thì không xứng làm cha”. Nghe vợ nói, anh Q. bật dậy gay gắt: “Mức lương giáo viên không đủ để con sung sướng nhưng đủ để nuôi con. Tôi có thể dành nhiều thời gian chăm con”.

Khi HĐXX gợi ý đến chuyện tái hợp để cùng chăm sóc con, người vợ mắt đỏ hoe: “Tôi không phải là cái áo để anh ấy ném đi rồi lại tìm về khoác”. Người chồng cũng thẳng thừng: “Tôi là đàn ông, dù còn yêu cũng không bao giờ nhẫn nhục để xin cô ấy quay lại”. Bất chợt đứa con ngoài phòng xử òa khóc. Chị M. đứng bật dậy chạy ra ôm con vào lòng vỗ về. Anh Q. cũng tất tả chạy lại. Nhìn cảnh đó, HĐXX đã khuyên hai người hãy nghĩ tới con và quay lại với nhau nhưng cả hai chỉ cúi đầu rồi lắc đầu.

Tòa nhận định chị M. đủ tư cách làm mẹ, đủ điều kiện chăm sóc con và cháu bé mới hơn ba tuổi nên cần sống bên cạnh mẹ. Vì vậy, tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm. Phiên tòa kết thúc, chị M. tất tả ôm con từ tay mẹ chồng cũ vỗ về.

Người mẹ buồn bã tâm sự: “Chúng nói không hòa hợp nhưng tất cả chỉ là ngụy biện cho cái tôi quá lớn của chúng. Con trai tôi thì quá gia trưởng, còn con dâu thì lại muốn thể hiện. Chúng đều thương con nhưng không chịu hy sinh để hòa hợp. Tôi luôn cầu mong cho chúng quay lại với nhau nhưng sao mà khó quá!”.

Trong vài phút tâm sự vội, anh Q. nói: “Tôi thương con, nhớ con nên muốn nuôi con. Nhưng có lẽ cô ấy xứng đáng làm mẹ”. Rồi anh quay đi, như để che giấu giọt nước mắt đang chực trào ra…

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm