Chuyện xưa chuyện nay: Nguyễn Thành Ý là ai?

ANH PHÓ trả lời: Bạn Lê Văn Thơi thân mến,

Ở phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM có đường Nguyễn Thành Ý, bắt đầu từ đường Đinh Tiên Hoàng, dài chừng 1.000 m, vào trong là đường cùng. Tên đường Nguyễn Thành Ý đã có từ lâu, trước giải phóng 1975.

Dưới thời Pháp thuộc, nước ta bị chia cắt ra làm ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), coi như ba nước khác nhau. Nam Kỳ là thuộc địa, coi như lãnh thổ của Pháp; Trung Kỳ và Bắc Kỳ là xứ bảo hộ, nghĩa là về danh nghĩa vẫn còn là đất của vua Nam mà phải đặt dưới sự che chở, bảo bọc của Pháp. Vì là ba nước khác nhau, từ Bắc vào Trung hay vào Nam thì coi như đã đi sang một nước khác. Nam Kỳ là xứ thuộc địa của Pháp, nên theo thể thức ngoại giao phương Tây, triều đình Huế ở Trung Kỳ phải đặt chức quan lãnh sự ở Nam Kỳ, cụ thể là tại Sài Gòn, để thay mặt cho nước mình, bảo hộ quyền lợi cho kiều dân An Nam ở xứ Nam Kỳ. Ông Nguyễn Thành Ý là vị quan đầu tiên của triều đình Huế được cử vào Sài Gòn phụ trách chức vụ lãnh sự.

Chuyện xưa chuyện nay: Nguyễn Thành Ý là ai? ảnh 1

Đường Nguyễn Thành Ý trên bản đồ diadiem.com. (Ảnh chụp màn hình)

Trước thời Pháp thuộc, đối với nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) nhà nước Việt Nam trong quan hệ ngoại giao chỉ cử sứ thần đi công cán, trong một thời gian ngắn ở ngoại quốc rồi về, chứ không có thủ tục cử lãnh sự thường xuyên ở nước ngoài. Vì vậy, có thể coi Nguyễn Thành Ý là quan chức ngoại giao đầu tiên của nước ta giữ cấp hàm đại sứ, lãnh sự.

Khi làm lãnh sự ở Sài Gòn, Nguyễn Thành Ý tỏ ra là một nhà ngoại giao có đặc tài, nói năng bặt thiệp, vui vẻ và thông minh, triệt để trung thành với đất nước và nhà vua Nam triều, ngày đêm hằng quan tâm đến vận nước, người Pháp rất kính nể, kiêng dè ông. Ông đã nhiều lần cầm đầu phái đoàn ngoại giao sang Pháp dự các cuộc đấu xảo quốc tế, hướng dẫn các đoàn du học sinh nước ta sang Pháp du học. Trở về triều đình, ông tiếp tục được giao phó những chức vụ quan trọng như: Tả Thị Lang Bộ Hộ, Hữu Tham tri Bộ Hình, Tả Tham tri Bộ Công, Hiệp biện Đại học sĩ, làm thầy dạy học cho các vua Hàm Nghi, Đồng Khánh.

Là một đại quan của triều đình với cuộc sống rất thanh liêm, khi về trí sĩ (nghỉ hưu) ông chỉ ở một căn nhà lá nhỏ.

Thân chào bạn.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn)

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm