Đối thoại với luật sư của Vedan: Bên trong “cuộc chiến pháp lý”

LTS: Đến nay, vụ Vedan tạm khép lại với kết quả người dân TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu được bồi thường hơn 220 tỉ đồng. Từ cái nhìn của người trong cuộc - luật sư tư vấn cho Vedan, chúng ta nhìn lại chặng đường đấu tranh của xã hội với doanh nghiệp này.

Thẳng thắn và cởi mở, luật sư Hoàng Như Vĩnh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, một trong hai luật sư tư vấn và bảo vệ cho Vedan, hầu như không né tránh câu hỏi nào khi trả lời phỏng vấn. Ông nói: Nhận lời tư vấn cho Vedan, tôi nhận được khá nhiều chỉ trích từ người dân và đồng nghiệp. Nhưng tôi không buồn. Một bị cáo giết người, cướp của còn được cơ quan tố tụng chỉ định luật sư bào chữa. Ở đây Vedan sai phạm là rõ nhưng sai phạm đến đâu thì chịu trách nhiệm đến đó, nếu buộc hơn thì quyền lợi hợp pháp của họ đã bị xâm hại. Tôi bảo vệ là bảo vệ cái này.

Ngoài sức tưởng tượng

. Thưa ông, khi ký hợp đồng, Vedan đặt ra những yêu cầu gì?

+ Họ yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin, giải thích pháp luật liên quan đến sai phạm của họ. Mục tiêu đặt ra là làm sao bảo đảm được việc hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng cho người dân trong khả năng chi trả của Vedan. Họ muốn chúng tôi nhận định diễn biến tình hình cùng cách giải quyết để nhanh chóng khôi phục sản xuất.

. Thế nhận định của ông khi đó có đúng với diễn biến sau này không?

+ Thật sự lúc đầu tôi cũng không đoán biết diễn biến vụ việc theo hướng nào nên chỉ nhận định chung là sẽ rất phức tạp. Chúng tôi khuyên họ nên nhìn nhận thực tế những sai phạm của mình, đồng thời phải có trách nhiệm bồi thường.

Đối thoại với luật sư của Vedan: Bên trong “cuộc chiến pháp lý” ảnh 1

Trước sức ép tẩy chay của người tiêu dùng, Vedan buộc phải chấp nhận bồi thường 100% cho người dân. Trong ảnh: Tổng giảm đốc Vedan đang trả lời báo chí. Ảnh: TB

. Vedan có đặt ra mục tiêu ông phải thương lượng số tiền bồi thường cụ thể bao nhiêu không?

+ Vedan không nói cụ thể, đó cũng là chuyện tế nhị nên tôi không hỏi. Họ chỉ yêu cầu chung là làm sao để lợi ích hai bên hài hòa, trong khả năng Vedan chấp nhận được.

. Vậy kết quả hiện nay có đúng với mục tiêu ban đầu đó không?

+ Phải nói số tiền bồi thường hơn 220 tỉ đồng nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi và Vedan. Lúc đầu tôi và Vedan không nghĩ nó nhiều như thế. Dù vậy, tôi rất hài lòng với kết quả đó.

Không gây sức ép?

. Ông đánh giá chứng cứ của người dân thế nào?

+ Tôi rất tự tin để khẳng định nếu ra tòa thì người dân sẽ thua. Là vì người dân sản xuất nhỏ, không có giấy phép kinh doanh, không có hóa đơn, chứng từ đầu vào đầu ra, không chứng minh được mức thu nhập trước đó… Đồng ý thiệt hại có thật nhưng ra tòa nguyên đơn có nghĩa vụ phải chứng minh. Tôi phân tích như thế với Vedan nhưng cũng nói không phải vì thế mà đánh tuột hết trách nhiệm, khai thác lợi thế đó để ép người dân.

.Vậy theo ông, chứng cứ thuyết phục nhất là gì?

+ Người dân chỉ có một chứng cứ khá nhất, đó là xác nhận của địa phương là họ có sản xuất kinh doanh thôi.Còn kết luận, đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên(MT&TN) chỉ có giá trị tham khảo, không phải là chứng cứ trong tố tụng.

. Thưa ông, có phải vì vậy mà Vedan từng thách thức dư luận bằng tuyên bố sẵn sàng hầu kiện?

+ Chúng tôi chấp nhận ra tòa để có cơ hội thương lượng với người dân dễ hơn. Bởi lúc đó tòa sẽ hỏi họ chứng cứ của ông, bà đâu, họ thấy mình yếu về lý nên sẽ dễ chấp nhận thương lượng khi hòa giải.

Đối thoại với luật sư của Vedan: Bên trong “cuộc chiến pháp lý” ảnh 2

Luật sư Hoàng Như Vĩnh. Ảnh: T.BÌNH

. Nói vậy sao cuối cùng Vedan lại chấp nhận bồi thường ngoài tòa án?

+ Có lúc chúng tôi thật sự thấy lúng túng, nghĩ hay là đồng ý bồi thường xong cho rồi để còn lo sản xuất. Nhưng nghĩ lại tôi thấy nếu chấp nhận ngay yêu cầu của người dân chưa chắc vụ việc đã dừng lại, có thể người dân sẽ nhân đó đẩy số tiền lên cao nữa. Cho nên chúng tôi nghĩ thôi cứ chấp nhận ra tòa, tòa xử sao chúng tôi chấp nhận vậy. Thêm nữa, mọi quyết định còn phụ thuộc vào các cổ đông của Tập đoàn Vedan nữa. Nếu để tòa quyết định, cổ đông họ dễ được thuyết phục hơn.

. Ông bảo đợi ra tòa để dễ thương lượng nhưng ngày hôm trước hàng trăm người dân nộp đơn kiện đến tòa thì hôm sau Vedan đã vội nâng mức bồi thường lên gấp đôi?

+ Ngày quyết định nâng lên là ngày chúng tôi nhận định thời cơ để chọn điểm dừng đã đến. Nếu chấp nhận lúc ấy thì đến hồi kết được, nếu không sẽ không biết lúc nào. Nên ngay trong đêm đó chúng tôi cùng tổng giám đốc Vedan làm việc trực tuyến với lãnh đạo tập đoàn ở Đài Loan. Hôm sau chúng tôi trả lời TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu nâng số tiền lên gấp đôi…

Sắp sập tiệm mới “đầu hàng”

. Đã vậy sao Vedan không chấp nhận 100% yêu cầu của dân mà vẫn tiếp tục cò kè?

+ Chúng tôi nghĩ nếu chấp nhận ngay cũng chưa dừng được. Ví dụ như đối với TP.HCM, chúng tôi vẫn đợi ngày kết thúc thời hiệu chứ không phải không có, vì đến ngày đó họ kết thúc ở đó thì mới biết là có điểm dừng. Thực sự không phải chúng tôi đi khai thác ngày đó đối với người dân…

. Nhưng ông đã khai thác rồi còn gì?

+ Không phải, chúng tôi đợi đến ngày đó để có sức ép với người dân, mới dừng lại được vì họ không thể không chấp nhận khi đã hết thời hiệu khởi kiện. Tôi xem đây là cái mốc, là điểm rơi để hai bên đến với nhau được. Nếu chúng tôi chấp nhận ngay thì người dân sẽ đòi thêm chứ chưa chắc đã dừng ở đấy.

. Phần chọn “điểm rơi” để gây áp lực với người dân là do ông tư vấn cho Vedan?

+ Đúng vậy.

. Nghĩa là chuyện Vedan cù cưa, trả từng đồng từng cắc trước đây là có tính toán hết?

+ Chúng tôi chỉ chọn thời điểm kết thúc hợp lý nhất, nó cũng có nhiều lý do. Ví dụ cách tính toán số liệu thiệt hại của Viện MT&TN khiến các nhà đầu tư và các cổ đông của Vedan không chấp nhận.

. Nhưng cuối cùng Vedan cũng chấp nhận 100% con số do Viện MT&TN đưa ra…

+ Vì số tiền đó không quá sức với Vedan. Thứ nữa, kể ra chia sẻ với người dân ở mức đó cũng tốt vì rõ ràng họ là những người bị thiệt hại. Từ thiện chí này, Vedan cũng lấy lại được hình ảnh của mình trong mắt người dân và người tiêu dùng.

. Chứ không phải do áp lực bị người tiêu dùng tẩy chay?

+ Cũng không hẳn do một nguyên nhân cụ thể nào mà do nhiều yếu tố. Nhưng đấy đúng là một áp lực lớn, Vedan không tiên liệu hết được, không nghĩ nó diễn biến đến mức ghê gớm như vậy. Lúc đó, Vedan lại đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách: Chứng khoán ở Hong Kong xuống kinh khủng, rồi cánh ngân hàng quay lưng không cho Vedan vay nữa… May là những nhà đầu tư của Vedan phần lớn là người trong gia tộc, có văn hóa và trách nhiệm riêng với tập đoàn, họ đưa tài sản riêng vào thế chấp chứ không thì sụp Vedan rồi…

. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hợp đồng tư vấn trị giá hàng tỉ đồng?

. Những tư vấn của ông ít nhiều gây bất lợi cho người dân, lẽ nào ông không áy náy?

+ Như đã nói, tôi hoàn toàn không khai thác những lợi thế này nọ để ép người dân. Đó là chưa nói quá trình tư vấn tôi còn đóng vai trò như cầu nối trung gian thúc đẩy Vedan phải có trách nhiệm với bà con bị thiệt hại. Ngoài ra, quyền lợi hợp pháp của người dân thì họ phải tự bảo vệ, nếu không tự bảo vệ được thì phải nhờ người có chuyên môn tư vấn. Thực tế cũng đã có hàng trăm luật sư tham gia bảo vệ họ rồi.

. Ông có thể “bật mí” giá trị hợp đồng mà ông nhận được từ Vedan?

+ Đây đúng là chuyện tế nhị, là quan hệ giữa luật sư và khách hàng. Nhưng nhìn chung chúng tôi nhận ở mức rất là vừa phải, không lớn lắm, qua thuế má thì có thể nắm được.

. Có người bảo Vedan bồi thường hàng trăm tỉ cho dân thì sá gì vài tỉ trả luật sư?

+ Những hợp đồng lớn như vậy ở VN chưa có đâu, bởi vì họ cũng phải tính trên mặt bằng chung. Nếu muốn hỏi thì có thể hỏi Vedan chứ tôi không thể tiết lộ được. (Cười)

NGÔ THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm