Góp ý sửa đổi Bộ luật Dân sự: Nên có luật riêng về giao dịch bảo đảm?

Bảo vệ quyền dân sự, bảo đảm nghĩa vụ dân sự và áp dụng tập quán, quy định tương tự pháp luật là hai vấn đề lớn được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa tổ chức...

Theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc bảo vệ quyền dân sự và bảo đảm nghĩa vụ dân sự, chưa theo kịp được sự phát triển của nền kinh tế.

Kiện tụng kéo dài, ngân hàng thua thiệt

Ông Trừng lấy vấn đề nợ xấu của ngân hàng để phân tích: Nợ xấu của các ngân hàng hiện khoảng 200.000 tỉ đồng, phần lớn là do các khoản vay thế chấp dưới chuẩn hoặc các biện pháp bảo đảm bị vô hiệu hóa.

Theo quy định, người vay tiền đến hạn mà không có khả năng trả nợ, nếu không thỏa thuận được về việc xử lý tài sản bảo đảm thì ngân hàng khởi kiện ra tòa. Nhưng quá trình xét xử, thi hành án thường bị kéo dài vì nhiều lý do, trong đó có chuyện bên vay tiền tìm đủ cách đối phó khiến các ngân hàng thua thiệt.

Cạnh đó, thực tế còn cho thấy một số người, nhóm người cấu kết với cán bộ ngân hàng để vay tiền với các điều kiện bảo đảm thu hồi nợ lỏng lẻo. Hậu quả là dù có tài sản bảo đảm nhưng thực tế ngân hàng không thể thu hồi được, thành nợ xấu khó đòi và nó như “cục máu đông” làm tắc nghẽn dòng tiền lưu thông trong xã hội.

Góp ý sửa đổi Bộ luật Dân sự: Nên có luật riêng về giao dịch bảo đảm? ảnh 1

Một phiên xử tranh chấp hợp đồng kinh tế với ngân hàng tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Vì vậy, luật sư Trừng đề xuất cần phải có luật riêng về giao dịch bảo đảm, thay vì quy định rải rác trong nhiều văn bản luật như hiện nay (BLDS, Luật Đất đai, các nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm…). Tiếp đó là sửa đổi các quy định về xử lý tài sản bảo đảm nợ để nhanh chóng giải quyết tài sản bảo đảm khi bên vay vi phạm. Chẳng hạn, cho phép ngân hàng có quyền tự xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng đã ký, không phải khởi kiện ra tòa.

Mặt khác, TAND Tối cao cần có nghị quyết hướng dẫn xét xử các vụ tranh chấp liên quan đến giao dịch bảo đảm, để các tòa tránh hủy án hay tuyên vô hiệu các giao dịch này. Song song đó, cần cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để giải quyết việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng trong nước.

Ngoài ra, cần bãi bỏ quy định về công chứng hợp đồng bảo đảm, chỉ cần tiến hành chặt chẽ thủ tục đăng ký giao dịch là đủ, cần tập trung một đầu mối đăng ký loại giao dịch này là các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh. Cuối cùng là tăng cường giám sát, kiểm tra các giao dịch bảo đảm, sửa các nghị định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm giao dịch bảo đảm.

Sưu tầm, phân loại tập quán?

Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhận xét vấn đề áp dụng tập quán, quy định tương tự pháp luật rất quan trọng nhưng chưa được BLDS hiện hành quy định chi tiết. Luật mới chỉ quy định chung chung rằng cơ quan chức năng có thể áp dụng tập quán tương tự pháp luật khi pháp luật không có quy định, các bên không có thỏa thuận và không được trái với nguyên tắc trong BLDS.

Theo luật sư Phan Thiên Vượng (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), các tập quán liên quan đến quan hệ dân sự rất phong phú, đa dạng nhưng việc áp dụng trên thực tế lại rất hạn chế. Vì vậy cần sưu tầm, tập hợp, hệ thống và phân loại rõ các tập quán để dễ áp dụng vì nó là nguồn của pháp luật. Việc sưu tầm, phân loại giúp luật sư, thẩm phán và nhất là người dân biết để khi cần dùng thì dễ dàng tiếp cận.

Luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đề nghị BLDS cần có một điều luật mới định nghĩa thế nào là áp dụng tương tự pháp luật, đồng thời nên ghi nhận án lệ là một hình thức áp dụng tương tự pháp luật. Cạnh đó, cần bỏ cụm từ “có thể” trước quy định về tập quán và tương tự pháp luật mà nên nói rõ trường hợp nào phải áp dụng và không áp dụng để tránh sự tùy tiện…

Thừa nhận tập quán là nguồn luật chính thức?

Theo TS Bùi Nguyên Khánh (Viện Nhà nước và Pháp luật), về luật nội dung, cần sửa đổi theo hướng xác định rõ các tiêu chí, thứ tự ưu tiên áp dụng tập quán trong các nguồn luật, làm rõ mối liên hệ giữa luật chung, luật chuyên ngành và giá trị pháp lý của chúng khi được tòa áp dụng. Về luật tố tụng, cần quy định chi tiết chủ thể có trách nhiệm chứng minh, nghĩa vụ, quy tắc, tài liệu chứng minh tập quán theo hướng minh bạch, công khai.

Theo ông Khánh, đã đến lúc phải thừa nhận tập quán là nguồn luật chính thức (thay vì gián tiếp) để áp dụng tương tự pháp luật. Cạnh đó, cần trao cho tòa và thẩm phán quyền giải thích pháp luật chính thức để tránh tình trạng từ chối thụ lý vụ án vì không có hướng dẫn...

Các trường hợp dễ thành nợ xấu

- Nhận thế chấp bằng dự án: Các dự án đất đai và căn hộ, khi giá thị trường giảm thì tài sản bảo đảm cũng giảm theo. Lúc này theo quy định, bên vay phải tăng thêm tài sản bảo đảm hoặc ngân hàng phải phát mãi ngay tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng thị trường ế ẩm khiến cả hai biện pháp đều bị phá sản.

- Sở hữu chéo, đầu tư chéo: Gần đây có hiện tượng sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các ngân hàng hoặc giữa ngân hàng với các công ty con, công ty “sân sau”. Để đạt mục đích, ngân hàng thường nhận thế chấp dưới chuẩn, thực hiện các thủ thuật tài chính tinh vi nhằm vô hiệu hóa biện pháp bảo đảm nợ.

- Tài sản vay nhiều nơi, dùng giấy tờ giả: Một lô hàng được thế chấp ở nhiều ngân hàng hoặc tình trạng dùng giấy tờ nhà đất giả để đi vay, thậm chí chính cán bộ ngân hàng còn câu kết với người vay làm giấy tờ giả.

- Thế chấp trùng, bằng hàng lưu kho: Công ty bất động sản bảo đảm nợ vay bằng dự án. Sau đó ngân hàng lại cho khách hàng dùng căn hộ mua của dự án đó thế chấp vay. Như vậy, ngân hàng đã cho vay hai lần nhưng chỉ có một tài sản thế chấp (căn hộ). Cạnh đó, việc thế chấp bằng hàng hóa lưu kho, tồn kho… cũng tạo ra rủi ro lớn.

- Đẩy giá trị tài sản, doanh nghiệp biến mất: Các bên đẩy giá trị tài sản thế chấp cao hơn thực tế. Một số doanh nghiệp không trả được nợ thì đóng cửa, thay đổi địa chỉ, sáp nhập, bán vốn.

(Trích tham luận của luật sư Nguyễn Đăng Trừng)

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm