XỬ ÁN DÂN SỰ

Hiểu sao về quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng?

Quyết định trả lời khiếu nại của chánh án tòa án đang thụ lý, giải quyết tranh chấp dân sự về hành vi tố tụng có được xem là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng hay không? Trên thực tế, hiện đang có hai cách hiểu trái ngược về chuyện này.

TAND TP.HCM vừa có văn bản phúc đáp cho ông PHT (ngụ quận 10) rằng ông không còn quyền khiếu nại đối với quyết định trả lời khiếu nại của chánh án TAND quận 1 vì đây là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Chỉ giải quyết khiếu nại một cấp?

Tháng 10-2009, ông T. bị người khác kiện ra TAND quận 1 yêu cầu tòa hủy hợp đồng mua bán nhà và trả lại hơn 144 lượng vàng cùng 2.000 USD đã nhận.

Tháng 8-2010, ông T. làm đơn gửi chánh án TAND quận 1, tố cáo thẩm phán giải quyết vụ án “giấu bớt” chứng cứ mà nguyên đơn nộp cho tòa, giấy triệu tập ghi sai bản chất quan hệ pháp luật tranh chấp (tranh chấp hợp đồng mua bán nhà lại ghi là tranh chấp hợp đồng đặt cọc). Hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn chỉ là các bản sao tài liệu... Từ đó, ông T. yêu cầu thay đổi thẩm phán vì cho rằng thẩm phán không vô tư, khách quan trong quá trình làm việc…

Tháng 10, chánh án TAND quận 1 đã ra quyết định không chấp nhận khiếu nại về hành vi tố tụng của thẩm phán, đồng thời cũng không chấp nhận yêu cầu thay đổi thẩm phán của ông T.

Hiểu sao về quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng? ảnh 1

Các đương sự đợi nộp đơn khởi kiện dân sự tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Ngày 21-10, ông T. làm đơn gửi chánh án TAND TP khiếu nại về quyết định giải quyết khiếu nại của chánh án TAND quận 1. Mới đây, TAND TP trả lời ông rằng quyết định giải quyết khiếu nại về việc yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng của chánh án TAND quận 1 là quyết định cuối cùng, ông không còn quyền khiếu nại đối với quyết định này. 

Một vụ tương tự, bà NTKN khởi kiện “đòi lại đất bị chiếm giữ” tại TAND huyện Châu Thành (Bến Tre). Tháng 9-2010, bà N. nhận được công văn của tòa thông báo trả lại đơn khởi kiện vì hai lần hòa giải ở địa phương, phía bị đơn đều vắng mặt, trong khi hồ sơ không thể hiện được là họ có nhận được thư mời hay không nên chưa đủ cơ sở để tòa thụ lý, giải quyết.

Không đồng ý, bà N. khiếu nại lên chánh án TAND huyện Châu Thành. Đến đầu tháng 10, quyền chánh án tòa này đã ra quyết định giải quyết khiếu nại là giữ nguyên thông báo trả lại đơn khởi kiện.

Bà N. khiếu nại lên chánh án TAND tỉnh Bến Tre. Sau đó, bà nhận được công văn trả lời của TAND tỉnh Bến Tre. Theo tòa này, quyết định trả lời khiếu nại của chánh án TAND huyện Châu Thành là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng nên bà N. không thể tiếp tục khiếu nại. Đồng thời, TAND tỉnh Bến Tre cũng giải thích là mình không có thẩm quyền xem xét giải quyết khiếu nại tiếp theo của bà N.

Hay hai cấp?

Trong hai vụ này, cả ông T. lẫn bà N. đều không đồng ý nên vẫn tiếp tục khiếu nại.

Về mặt pháp lý, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét cách giải quyết khiếu nại trong hai vụ này đã vi phạm quy định về hai cấp giải quyết khiếu nại trong Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cụ thể, theo Điều 396 Bộ luật Tố tụng dân sự, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của thẩm phán do chánh án tòa án giải quyết. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến tòa án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, tòa án cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Tòa án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Một thẩm phán chuyên xét xử dân sự bổ sung thêm: Ngoài quy định chung về hai cấp giải quyết khiếu nại, Bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định một số trường hợp riêng mà quyết định giải quyết khiếu nại của chánh án tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ kiện là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Tuy nhiên, đáng lưu ý là điều này luôn được ghi nhận trực tiếp ngay trong điều luật.

Như vậy, nếu khiếu nại của đương sự không rơi vào các trường hợp riêng biệt nói trên (chẳng hạn khiếu nại về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời) thì ngành tòa án phải áp dụng quy định về hai cấp giải quyết khiếu nại.

Nhìn lại, vụ việc của ông T. và bà N. đều không phải là các trường hợp mà luật ghi nhận quyết định giải quyết khiếu nại của chánh án tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ kiện là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Do vậy, việc tòa cấp trên trực tiếp từ chối giải quyết khiếu nại của đương sự là sai luật.

Làm đương sự thiệt thòi

Theo một kiểm sát viên cao cấp, loại trừ những trường hợp cụ thể mà pháp luật tố tụng dân sự cho phép trả lời khiếu nại một cấp vì đã dự liệu, việc cơ quan tố tụng không xem xét giải quyết khiếu nại thêm một cấp nữa là thiếu sự thấu đáo. Nhiều vụ án có thể vì một quyết định trả lời khiếu nại không chính xác nhưng không thể khiếu nại tiếp sẽ làm các đương sự mất quyền lợi chính đáng như hết thời hạn khởi kiện…

Luật đã rõ

Bộ luật tố tụng dân sự bảo đảm việc đương sự được khiếu nại hai cấp xuyên suốt trong quá trình tố tụng và dành cả một chương quy định về vấn đề khiếu nại, tố cáo. Điều 396 bộ luật này đã quy định rõ nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến tòa án cấp trên trực tiếp. Điều này cũng phù hợp với tinh thần chung trong việc giải quyết khiếu nại ở những lĩnh vực khác như hành chính, hình sự…

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam

Nhờ TAND Tối cao can thiệp

Hiện nay, thực trạng tòa cấp trên trực tiếp từ chối giải quyết khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của chánh án tòa cấp quận, huyện là không hiếm. Nếu xét thấy việc từ chối giải quyết khiếu nại tiếp tục của tòa cấp trên là không đúng, đương sự nên thu thập đủ chứng cứ gồm văn bản trả lời của các cấp tòa để khiếu nại lên TAND Tối cao đề nghị xem xét, giúp đỡ.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm