Hoãn phiên phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa: Sự níu kéo vô vọng

Nụ cười của Nghĩa là hy vọng về cơ hội được giảm án trong phiên toà phúc thẩm hay đơn thuần chỉ là niềm vui của một tử tù khi sự sống được tiếp tục kéo dài trong thời gian chờ đợi một phiên toà nữa chưa ấn định ngày mở lại?

Theo quy định của pháp luật, sau phiên toà sơ thẩm, tất cả các bị cáo đều có quyền kháng cáo. Nguyễn Đức Nghĩa cũng không là ngoại lệ. Riêng đối với các bị án tử hình như Nghĩa, sau phiên toà phúc thẩm, kể cả trong trường hợp bị y án, thì vẫn còn có quyền làm đơn xin được tha tội chết gửi lên Chủ tịch nước.

Kháng cáo vì cha?

Trước khi phiên toà sơ thẩm được mở, ngày 4/6/2010 tại Trại tạm giam Hà Nội, Nguyễn Đức Nghĩa đã viết rằng: "Tôi biết rằng tội ác mình gây ra là quá lớn và không một ai kể cả bản thân tôi cũng không thể tha thứ cho mình được. Hành vi của tôi đã thực hiện là hành vi giết người, thậm chí là giết người dã man… Tôi thành khẩn khai nhận toàn bộ những hành vi tội ác của mình. Kính mong các cơ quan pháp luật - Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và toà án – xem xét và phán xử tôi với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tôi biết rằng, bản thân mình có chết hàng trăm, hàng nghìn lần cũng không thể nào bù đắp được những tội ác quá ghê sợ mà mình đã gây ra với gia đình nạn nhân, với gia đình tôi và cả những người có liên quan khác”.

Cũng vào thời điểm trước phiên toà sơ thẩm, cũng tại Trại tạm giam  Hà Nội, ít ngày sau khi Nguyễn Đức Nghĩa viết những dòng nêu trên, trong một cuộc gặp gỡ với phóng viên, Nguyễn Đức Nghĩa nói rằng, nếu anh ta là toà án thì anh ta cũng sẽ tuyên tử hình thôi và tái khẳng định: "Với tội ác ấy, tôi có chết trăm nghìn lần cũng đáng”.

Còn tại phiên toà sơ thẩm, khi được nói lời sau cùng, Nghĩa cũng thú nhận rằng: “Với những tội ác khủng khiếp mà tôi đã gây ra thì dù có chịu mức án nào đi chăng nữa vẫn là quá nhẹ.  Thậm chí án tử hình hàng trăm hàng nghìn lần cũng chỉ giúp cho thân nhân của Linh vơi bớt phần nào sự căm phẫn với kẻ tội phạm như tôi và thêm phần nào đó có thể giảm được sự bức xúc của dư luận chứ cũng không thể nào bù đắp được cái tội lỗi mà tôi gây ra”.

Mong ước cuối cùng của Nghĩa trước khi nhận bản án là: “Thời gian trôi đi, khi mà giây phút đền tội của tôi đã qua có một ai đó dự phiên toà ngày hôm nay, có thể biết được phiên toà này qua truyền hình xin nghĩ về tôi như nghĩ về một con người bình thường đã gục ngã, đã phạm phải sai lầm không thể tha thứ được, đã phải trả giá đắt cho tội ác mà mình gây ra chứ không phải nghĩ về tôi như một tên giết người máu lạnh”.

Hoãn phiên phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa: Sự níu kéo vô vọng ảnh 1

Nguyễn Đức Nghĩa cúi gằm mặt bước vào tòa phúc thẩm

Nhưng sau phiên toà sơ thẩm ít ngày thì Nghĩa lại làm đơn kháng cáo. Báo chí viết rằng, Nghĩa kháng cáo là vì cha. Rằng, cha Nghĩa đã khóc và trong cuộc gặp mặt Nghĩa tại trại giam sau phiên sơ thẩm cha Nghĩa cứ dặn đi dặn lại Nghĩa rằng, con phải kháng cáo. Rằng, Nghĩa phải có niềm tin vào sự sống, chết thì không có cơ hội để chuộc tội nên hãy cố gắng hy vọng vào những điều tốt đẹp.

Nhưng cho dù vì bất cứ lý do gì thì việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo cũng là một việc làm thuộc quyền của bị cáo được pháp luật cho phép. Tôi đã từng được chứng kiến cuộc sống của các tử tù trong khu giam riêng tại Trại tạm giam Hà Nội, từng trò chuyện với rất nhiều người trong số họ và hiểu rằng, cuộc sống của những tử tù sau tuyên án là một cuộc sống khác.

Khi cái chết đến gần cũng là khi niềm tiếc đời trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Những quản giáo buồng giam tử hình kể lại rằng, hầu hết các tử tù, trong những ngày sống cuối cùng này đều tiếc nuối cuộc sống. Hầu hết họ đều hãi hùng khi nghĩ đến cái giờ phút phải ra đi.

Ở đằng sau song sắt của buồng biệt giam, ngay đến cả một người đã từng ra tù vào tội nhiều lần như tử tù Nguyễn Thế Đô mà cũng khóc nức nở như một đứa trẻ khi nói với tôi rằng:”Đối với em bây giờ, ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên rất mong manh. Có khi chỉ là một buổi sáng thôi, khi lệnh thi hành án được bắt đầu. Biết đâu, chỉ ngày mai thôi, khi chị quay lại khu giam này thì em đã ra trường bắn”. Thế nên, đối với các tử tù sau khi tuyên án, hy vọng được sống trong họ trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết, dù họ, tất cả đều hiểu rằng, rất mong manh.

Thế nên, Nghĩa kháng cáo với hy vọng được xem xét giảm nhẹ hình phạt ở phiên phúc thẩm, để được sống cũng là điều không mấy khó hiểu. Thêm nữa, kể cả trong trường hợp ở phiên toà phúc thẩm, hình phạt có không thay đổi, vẫn giữ nguyên như ở phiên sơ thẩm thì ít nhất cuộc sống của Nguyễn Đức Nghĩa cũng sẽ được kéo dài thêm. Lần này, Toà phúc thẩm lại hoãn. Vậy là Nghĩa lại có cơ hội sống và chờ đợi thêm một thời gian nữa. Phải chăng, vì thế mà Nghĩa cười khi rời Toà tối cao để về trại giam chăng?

Cách nói liệu có thay đổi được bản chất hành vi phạm tội?

Theo qui định của pháp luật, khi bị can bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất thì họ sẽ được Toà án chỉ định một luật sư bào chữa cho họ tại phiên toà mà bị can hoặc gia đình sẽ không phải chi trả bất kỳ một khoản kinh phí gì cho việc bào chữa này. Cáo trạng truy tố Nghĩa về tội giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Bởi vậy, Toà án đã chỉ định luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bào chữa cho Nghĩa.

Nhưng tại phiên toà sơ thẩm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nghĩa không chỉ có một mình luật sư Nguyễn Anh Thơm. Gia đình Nghĩa đã mời thêm một luật sư khác cùng bảo vệ cho Nghĩa. Đó là luật sư Ngô Ngọc Thuỷ, tiến sĩ Luật học.

Hoãn phiên phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa: Sự níu kéo vô vọng ảnh 2

...và tươi cười khi tòa hoãn xử. Ảnh: VnExpress

Cũng cần phải nói thêm rằng, luật sư Ngô Ngọc Thuỷ là một luật sư từng bảo vệ quyền lợi cho nhiều bị cáo trong nhiều vụ án nổi tiếng. Vào những năm 1995, khi luật sư Ngô Ngọc Thuỷ đang là giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội, ông đã từng nhận lời bào chữa cho trùm xã hội đen Dung Hà trong phiên toà sơ thẩm diễn ra tại Hải Phòng. Ông cũng là một trong các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi trong vụ án Bùi Tiến Dũng - PMU18.

Trở lại với vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, tại phiên toà sơ thẩm, luật sư Ngô Ngọc Thuỷ cho rằng kết tội Nghĩa "giết người dã man" là không đúng mà đúng bản chất là phi tang dã man. Hành vi đó bóc tách ra hai giai đoạn. Giai đoạn giết và giai đoạn phi tang. Luật sư Thuỷ khằng định,  hành vi giết người của Nghĩa không phải là “man rợ” như cáo trạng truy tố. Theo trình tự diễn biến của vụ án, đó là hành vi che giấu tội phạm một cách man rợ.

Luật sư Thủy phân tích: “Giết người man rợ là việc thực hiện hành vi man rợ nhằm tạo ra cái chết, ví dụ như đập búa vào đầu, đổ xăng để đốt, dìm xuống nước ngạt đến chết… Còn về hành vi chặt xác là sau khi đã giết, Nghĩa thực hiện để phi tang, che giấu. Chỉ có thể coi hành vi đó là che giấu tội phạm man rợ”.

Trái ngược với quan điểm của luật sư Ngô Ngọc Thuỷ, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại Nguyễn Phương Linh khi trả lời phỏng vấn của báo chí đã khẳng định: Bị cáo đâm hai nhát dao oan nghiệt nhằm tước đoạt sinh mạng của bị hại, chỉ dừng lại ở hành vi này thôi cũng đủ để cho thấy hành vi giết người của bị cáo là thực hiện tội phạm man rợ, bởi bị cáo đâm bị hại từ phía sau một cách bất ngờ, bị hại chỉ kịp quay lại nhìn bị cáo với “ánh mắt bàng hoàng” (theo lời khai của bị cáo).

Bị cáo đã tiếp tục thực hiện một loạt các hành vi mất nhân tính, vô nhân đạo: Chặt đầu, ngón tay, phi tang thi thể nạn nhân. Như vậy có thể thấy rõ, hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ dừng lại ở việc đâm hai nhát dao để tước đoạt sinh mạng của nạn nhân mà còn diễn tiến đến một loạt các hành vi dã man khác nhằm che giấu tội phạm, gây cản trở cho quá trình điều tra của các cơ quan tố tụng…

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cũng đã viện dẫn qui định Tại điểm i, khoản 1, Điều 93, Bộ luật hình sự nêu rõ: “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ” và khẳng định tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điều luật này đối với Nguyễn Đức Nghĩa là hoàn toàn chính xác.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, người từng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyễn Đức Nghĩa ở phiên toà sơ thẩm cũng cho rằng, các hành vi của Nguyễn Đức Nghĩa được thực hiện theo một chuỗi liên hoàn: giết người rồi chặt đầu, chặt các ngón tay… Theo quan điểm của ông thì việc xem xét hành vi giết người của Nghĩa là “man rợ” hay “không man rợ” phải trên cơ sở đối chiếu các quy định của pháp luật.

Để phân tích bản chất hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Nghĩa theo các qui định hiện hành của pháp luật, luật sư Thơm viện dẫn khoản 1, Chương II, Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Thực hiện tội giết người một cách man rợ (điểm b) như kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội (như: móc mắt, xẻo thịt, moi gan, chặt người ra từng khúc…).

Từng là luật sư bào chữa cho Nghĩa, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói rằng, bản chất hành vi của Nghĩa dù có nói cách nào thì cũng không thay đổi được. Còn với cương vị là luật sư, cho dẫu sẽ không bào chữa tiếp cho Nghĩa tại phiên toà phúc thẩm nhưng luật sư Thơm vẫn mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho Nghĩa một cơ hội sống dù đó chỉ là hy vọng rất rất mong manh…

Thì Nghĩa vẫn tiếp tục chờ đợi, phiên toà phúc thẩm sẽ được mở lại và những ngày chờ đợi đó chính là cơ hội để tử tù này tiếp tục được sống, dù chỉ là cuộc sống ở trong khu biệt giam mà thôi…

Diễn tiến của vụ án Nguyễn Đức Nghĩa

* Sáng 17/5 trên tầng thượng của chung cư G4 (phố Trung Yên 1, Hà Nội) thi thể cô gái không mảnh vải che thân đang trong giai đoạn phân hủy đã được phát hiện.

*Đêm 18/5, Nguyễn Đức Nghĩa bị Công an Hà Nội bắt giữ tại gia đình một người họ hàng ở Thái Nguyên.

* Ngày 7/6, tìm thấy phần thi thể bị vứt xuống sông Cấm của nạn nhân.

* Ngày 14/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình, đồng thời bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh 113 triệu đồng. Hoàng Thị Yến bị tuyên phạt 15 tháng tù treo vì tội "Không tố giác tội phạm".

*Ngày 27/7, Nguyễn Đức Nghĩa gửi đơn kháng cáo lên VKSND Tối cao trong đó nhấn mạnh bị cáo không phạm tội giết người với tình tiết man rợ như phán quyết của tòa.

*Ngày 13/10 Toà án  nhân dân Tối cao đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa. Tuy nhiên, phiên toà phúc thẩm đã bị hoãn bởi sự vắng mặt của luật sư Ngô Ngọc Thuỷ, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Lý do mà luật sư Thuỷ đưa ra trong lá đơn xin hoãn phiên toà gửi tới Hội đồng xét xử phúc thẩm là do ông  phải tham dự một hội thảo quốc tế từ từ ngày 12 đến ngày 25/10/2010.

Theo Đặng Huyền (Chuyên đề An ninh thế giới số 1002)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm