NÂNG CHẤT TRANH TỤNG - BÀI 2:

Không ít luật sư cãi lấy được

Nâng chất hoạt động tranh tụng tại phiên tòa phải là sự kết hợp nâng chất đồng bộ cả HĐXX, kiểm sát viên lẫn luật sư...

Tám năm qua, nghề luật sư phát triển rất nhanh chóng. Đến tháng 9-2010, nước ta có hơn 6.250 luật sư và hơn 3.000 người tập sự hành nghề luật sư. Chỉ trong ba năm 2005-2007, tổng số luật sư tăng 40% so với năm 2004, bình quân mỗi năm tăng trên 10%.

Buôn lậu có ích… Chém để "phòng xa"

Việc phát triển nghề luật sư là một nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với một đội ngũ nhiều luật sư trẻ của ta hiện nay, chất lượng luật sư không đồng đều. Tham gia tố tụng, không ít luật sư còn yếu về chuyên môn, kinh nghiệm, nhiều khi phạm những lỗi rất ngô nghê.

Chẳng hạn, bào chữa trong một vụ buôn lậu tại TAND tỉnh Bình Dương, một luật sư trẻ phát biểu: “Buôn lậu là giúp ích cho xã hội”. Ý kiến lạ đời này lập tức bị kiểm sát viên chấn chỉnh: “Vị luật sư phải chú ý, ngoài việc nhận bảo vệ cho thân chủ, luật sư cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ nền pháp chế”. Luật sư tiếp tục cố đấm ăn xôi: “Tui nói vậy thôi, trúng hay trật là tùy tòa đánh giá” (!).

Vụ khác, một luật sư bào chữa cho bị cáo phạm tội giết người đã lập luận rằng bị cáo chém người để “phòng xa”. Theo luật sư, hai bên ẩu đả, nạn nhân đuổi theo bị cáo nên bị cáo phải cầm dao đâm nạn nhân bị thương để không thể đuổi được nữa?! Kiểm sát viên cắc cớ: “Tại sao nạn nhân gục xuống rồi, bị cáo vẫn chém tiếp?”. Luật sư không chịu thua: “Bị cáo làm vậy cho... chắc ăn” (!).

Xài tiểu xảo

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cho biết khi ngồi xét xử, ông đã gặp những vụ luật sư làm nhiệm vụ bào chữa mà lại đi… buộc tội thân chủ. Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao tại TP.HCM) cũng kể có vụ sau khi tranh luận căng thẳng với ông, một luật sư hết lý, đột ngột đứng phắt dậy hậm hực: “Tui đề nghị tòa cho tui rút lại toàn bộ bài bào chữa vừa trình bày ban nãy” (!)

Theo thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), bên cạnh những luật sư non tay nghề, một điều làm nhiều cán bộ tố tụng cũng bức xúc là có những luật sư già tuổi đời, cứng chuyên môn lại hay dùng “tiểu xảo” để buộc tòa phải hoãn xử. Sự thiếu hợp tác nhằm kéo rê vụ án này thực chất là một thái độ “phản tranh tụng”, vì lợi ích riêng của thân chủ mà bất chấp đến lợi ích chung.

Phải nâng chất luật sư

“Đúng là có những kiểm sát viên còn yếu kém nhưng một số luật sư cũng cần phải nhìn lại mình” - kiểm sát viên Võ Văn Thêm nhận xét. Theo ông, tham gia vụ án, có những luật sư hay thiên về tố tụng mà thiếu nghiên cứu kỹ về nội dung, chứng cứ, khi tranh luận hay bị “hở sườn”. Có luật sư thì quá sa đà vào tính ăn thua nên có thái độ cay cú, ức chế. Có luật sư thì luôn tỏ ra hiểu biết pháp luật, thích giảng giải cho người khác...

“Phải tiếp tục đào tạo để các luật sư nâng cao nghiệp vụ, nâng cao ý thức hơn nữa. Lúc đó, luật sư mới thật sự đáp ứng được nhiệm vụ thúc đẩy thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của thân chủ, giúp các cơ quan tố tụng phát hiện, sửa chữa thiếu sót, góp phần làm rõ sự thật vụ án” - ông Thêm kết luận.

Thẩm phán Phạm Công Hùng cũng nhấn mạnh ý này. Theo ông, nhiều luật sư tranh luận hay vì họ bỏ rất nhiều công sức, trí tuệ, thời gian để nghiên cứu vụ án. Có những phiên tòa ông ngồi ghế chủ tọa, càng xử càng sáng vì kiểm sát viên và luật sư cãi nhau nảy lửa, cuối cùng ra vấn đề. Nhưng có những luật sư tranh luận rất hời hợt, đưa ra ý kiến trên trời dưới đất, không đúng thực tiễn, không trúng quy định vì kiến thức nền hạn chế hoặc lười biếng nghiên cứu vụ án.

“Có những vụ án phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng nhưng luật sư cứ hừng hào tuyên bố thân chủ không phạm tội thì làm sao chấp nhận? Đặc biệt, vẫn có trường hợp không tôn trọng HĐXX và kiểm sát viên, phát biểu những lời xúc phạm kiểu như nói kiểm sát viên tệ quá” - thẩm phán Vũ Phi Long thẳng thắn.

Góp một ý nhỏ, ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao) cho rằng thực tế hiện nay hầu hết luật sư chuẩn bị bài bào chữa dựa vào cáo trạng nên chất lượng đối kháng chưa thật sự cao. Lẽ ra khi tranh luận, luật sư phải bám vào bản luận tội của công tố viên mà đưa ra quan điểm. Tranh tụng là một cuộc đấu tranh trực diện công khai tại tòa, sẽ có chất lượng hơn nếu các bên bám sát được diễn biến phát sinh…

“Làm hại” thân chủ

Trong phiên xử một vụ giết người tại TAND TP.HCM cuối năm 2010, một luật sư đã mở đầu bài bào chữa như sau: “Tôi rất đồng tình với quan điểm của quý viện, hành vi phạm tội của bị cáo đã quá rõ ràng, quá dã man, mất hết tính người. Tôi chưa từng thấy ai lại nhẫn tâm đến như vậy, thật là… dã man, nhất định tòa phải xử nghiêm…”. Trong một phiên xử khác cũng ở tòa này, một luật sư tra vấn thân chủ: “Bị cáo có nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội không?”. Ở một phiên xử nữa, bị cáo khai không cầm dao đâm nạn nhân, luật sư “choảng”: “Lúc nãy bị cáo đã khai rõ rành rành thế rồi còn gì”.

Tháng 4-2011, báo cáo với đoàn công tác của TAND Tối cao, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TP.HCM cho biết còn nhiều luật sư có thái độ thiếu chuẩn mực tại tòa. Kỹ năng tranh tụng của nhiều luật sư còn yếu, khi nhận bào chữa chỉ định thì không tranh luận hay chỉ bào chữa theo kiểu chiếu lệ cho có...

Nâng cao tỉ lệ phiên tòa hình sự có luật sư

Kể từ khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt nền móng cho công cuộc cải cách tư pháp, vị thế của giới luật sư đã được nâng lên rõ rệt.

Chủ trương tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng, tranh tụng dân chủ… trong Nghị quyết 08 đã được thể chế hóa bằng các quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Bộ Tư pháp cũng chủ động triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về luật sư, có các chính sách cụ thể hỗ trợ đào tạo nghề luật sư. UBND các địa phương cũng hỗ trợ về vật chất. Về mặt tổ chức, ngày 12-5-2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra đời và giới luật sư chính thức có một “ngôi nhà chung”. Hiện cả nước đã thành lập được 62 đoàn luật sư/63 tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đánh giá chất lượng của đội ngũ luật sư từng bước được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động luật sư dù chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của một số luật sư còn chưa cao.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện mới chỉ có 20% phiên tòa hình sự có luật sư bào chữa. Theo chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, dự tính đến năm 2020, cả nước sẽ phấn đấu có 18.000-20.000 luật sư hành nghề, tỉ lệ luật sư tham gia phiên tòa hình sự là 50%... Một lãnh đạo một Bộ Tư pháp nói muốn vậy cần phải làm thay đổi nhận thức của xã hội về nghề này và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của đội ngũ luật sư.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm