Đập nhà mình nhưng bị truy tố tội hủy hoại tài sản của người khác!

Tháng 5-2011, bà Hà Ngọc Bích và con trai ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Trương Thị Chí Tâm ba thửa đất cùng tài sản gắn liền với đất ở xã Tà Lài, Tân Phú (Đồng Nai) với giá 1,3 tỉ đồng. Bà Tâm đặt cọc cho bà Bích 650 triệu đồng. Hồ sơ chuyển nhượng được hai bên chuyển đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tân Phú để làm thủ tục sang tên cho bà Tâm. Tuy nhiên, sau đó vì bà Tâm vi phạm thời hạn thanh toán số tiền còn lại nên bà Bích đã yêu cầu tạm ngưng làm thủ tục, đồng thời làm đơn ra UBND xã Tà Lài đề nghị giải quyết tranh chấp.

Bị khởi tố vì… đập nhà của mình

UBND xã Tà Lài đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Tháng 3-2012, thấy căn nhà xuống cấp, bà Bích làm đơn xin phép UBND xã sửa chữa nhà và được chấp thuận.

Tuy nhiên, khi bà Bích thuê người vào đập phá căn nhà cấp bốn và tháo dỡ hàng rào trên một thửa đất của mình thì bị Công an huyện Tân Phú khởi tố, điều tra về tội hủy hoại tài sản với thiệt hại gần 215 triệu đồng.

Đầu năm 2013, VKS huyện ra cáo trạng cho rằng dù hai bên đã tạm ngưng làm thủ tục sang tên nhưng hợp đồng chuyển nhượng vẫn còn hiệu lực, các tài sản trên đất vẫn do bà Tâm quản lý. Vì vậy hành vi của bà Bích đã cấu thành tội hủy hoại tài sản theo khoản 3 Điều 143 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù).

Bà Bích kêu oan nhưng không được chấp thuận. Tại phiên xử sơ thẩm lưu động ngày 17-5-2013, VKS huyện đề nghị tòa tạm hoãn để giám định lại thiệt hại. Tòa đồng ý hoãn xử và trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bà Bích, người bị truy tố oan chỉ vì đập nhà của mình để sửa chữa. Ảnh: T.TÙNG

Lúc này Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh sự việc và phân tích theo hướng việc khởi tố, truy tố, xét xử không đúng, có dấu hiệu làm oan. Năm tháng sau, VKS huyện ra cáo trạng mới, chuyển xuống truy tố bà Bích theo khoản 2 Điều 143 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến bảy năm tù) vì cho rằng giá trị thiệt hại căn nhà mà bà Bích hủy hoại dưới 200 triệu đồng.

Bà Bích tiếp tục kêu oan. Cuối năm 2013, bất ngờ TAND huyện Tân Phú nhận được quyết định rút truy tố của VKS huyện, đề nghị tòa đình chỉ vụ án đối với bà Bích. Ngay sau đó (ngày 10-12-2013), TAND huyện đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án.

VKS thừa nhận làm oan

Theo bà Bích, quyết định đình chỉ vụ án của tòa chỉ ghi lý do là vì VKS huyện rút truy tố. Trong khi đó, bà không được VKS huyện Tân Phú gửi quyết định rút truy tố nên bà không biết nội dung cụ thể của quyết định, vì sao VKS lại rút truy tố, bà có bị oan hay không…

Để biết rõ lý do VKS rút truy tố, ngày 23-4, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với bà Vũ Thị Lan Hương (Viện trưởng VKSND huyện Tân Phú). Tuy nhiên, bà Hương cho biết không nắm hồ sơ vụ việc nên không thể cung cấp cho phóng viên và hẹn buổi khác. Bà Hương tỏ ra bất ngờ khi bà Bích không nhận được quyết định này vì theo luật thì VKS huyện phải gửi cho bà Bích. Khi được hỏi về trách nhiệm bồi thường oan khi bà Bích có yêu cầu, bà Hương nói: “Tôi không thể nói cơ quan nào sẽ phải bồi thường vì… không có hồ sơ trong tay”.

Cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với TAND huyện Tân Phú. Bà Mai Thị Ngọc Sương (Chánh án TAND huyện) đã lục tìm hồ sơ và đọc cho chúng tôi nghe nội dung quyết định của VKS (phóng viên có ghi âm vì bà Sương không cho phôtô). Theo đó, phần quan trọng nhất trong quyết định rút truy tố của VKS có nội dung: “Xét thấy Hà Ngọc Bích có hành vi thuê người hủy hoại tài sản là một căn nhà cấp bốn hạng I, nhà vệ sinh, mái tôn, hàng rào, có tổng giá trị hơn 198 triệu đồng, là tài sản đang tranh chấp giữa Hà Ngọc Bích và Trương Thị Chí Tâm. Nhưng chưa đủ căn cứ để xác định tài sản trên là của bà Tâm, do đó chưa đủ căn cứ để kết luận Hà Ngọc Bích có hành vi hủy hoại tài sản người khác”…

Trách nhiệm bồi thường thuộc về VKS huyện

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), nếu VKS huyện rút quyết định truy tố với lý do như trên thì rõ ràng bà Bích đã bị khởi tố, truy tố oan vì không thực hiện hành vi phạm tội. Quyết định rút truy tố của VKS huyện chính là văn bản thừa nhận làm oan của cơ quan tố tụng. Trên cơ sở đó, bà Bích có quyền yêu cầu được xin lỗi, bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cũng theo luật này, cơ quan có trách nhiệm xin lỗi, bồi thường oan cho bà là VKS huyện Tân Phú.

Đồng tình, TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) bổ sung: Việc VKS huyện Tân Phú không gửi quyết định rút truy tố cho bà Bích là trái với quy định của BLTTHS, ảnh hưởng đến quyền hợp pháp, chính đáng của bà Bích. Bà có quyền khiếu nại tới lãnh đạo VKS huyện tân Phú, nếu nơi này không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bà có quyền khiếu nại đến VKS cấp trên. Sau khi nhận được quyết định rút truy tố, bà có quyền yêu cầu VKS huyện Tân Phú tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan theo trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

THANH TÙNG

 

Quy định liên quan

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

(Theo khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)

VKS có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

3. Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

(Theo khoản 3 Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)

 Điều 143 BLHS. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

A) Có tổ chức;

B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

C) Gây hậu quả nghiêm trọng;

D) Để che giấu tội phạm khác;

Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

E) Tái phạm nguy hiểm;

G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm