Làm thuê bồi thường, chủ thoát trách nhiệm

Ngày 18-9 vừa qua, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, tuyên phạt Đặng Thanh Thiện 14 năm tù, em trai Thiện là Đặng Kim Quyền 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 139 BLHS. Điều gây tranh cãi ở phiên tòa này là anh em Thiện đã thoát nghĩa vụ bồi thường cho nạn nhân nhờ có một đồng phạm (người làm thuê cho Thiện) bị tòa đưa ra xử trước đó phải một mình gánh hết trách nhiệm…

Ôm tiền bỏ trốn

Theo hồ sơ, tháng 4-2010, Thiện chỉ đạo Phạm Vũ Phong mua một CMND giả với giá 500.000 đồng để lập thủ tục xin thành lập Công ty TNHH một thành viên TM DV XD Trần Thanh và giao cho Phong làm giám đốc. Thực chất anh em Thiện đứng sau điều hành.

Đầu tháng 8-2010, Lê Thị Thùy Trang được giám đốc Công ty TNHH Hữu Kiết (trụ sở ở Bình Dương) giao nhiệm vụ tìm mua dây cáp điện. Trang giao dịch với Công ty Trần Thanh và đã chuyển hơn 1,1 tỉ đồng cho Công ty Trần Thanh. Ngay sau đó, anh em Thiện chỉ đạo rút tiền từ tài khoản. Thiện chia cho Quyền 25 triệu đồng, cho Phong 10 triệu đồng.

Cảnh sát đang dẫn giải anh em Thiện về trại tạm giam. Ảnh: H.YẾN

Sau đó cả ba bỏ trốn. Trang không thấy Công ty Trần Thanh giao hàng nên tìm hiểu và biết mình đã bị lừa. Thay vì trình báo công an, Trang lại huy động anh em, bạn bè truy lùng Thiện để đòi lại tiền. Trang đã tìm được Thiện, đưa Thiện cùng bạn gái vào một khách sạn tại quận 10 để chờ người nhà Thiện mang tiền đến trả thì bị công an bắt. Sau đó Trang và các đồng phạm đã bị kết án về tội bắt giữ người trái pháp luật.

Trong quá trình điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật của Trang và đồng phạm, cơ quan tố tụng cũng ra quyết định khởi tố Thiện, Quyền, Phong về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tách vụ này ra xử lý riêng.

Làm công lãnh đủ, chủ thoát

Tháng 11-2011, Phong bị bắt. Tháng 9-2012, TAND TP.HCM đã phạt Phong tám năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về phần dân sự, đại diện Công ty TNHH Hữu Kiết yêu cầu Phong bồi thường nên tòa buộc một mình Phong phải bồi thường hơn 1,1 tỉ đồng. Bản án này không bị kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật.

Suốt thời gian này, anh em Thiện vẫn bỏ trốn và bị truy nã. Tháng 4-2013, Quyền bị bắt và giao nộp lại 25 triệu đồng chiếm hưởng trái phép. VKS ra cáo trạng truy tố Quyền. Trong thời gian tòa chuẩn bị đưa Quyền ra xét xử thì tháng 12-2013, Thiện ra đầu thú nên các cơ quan tố tụng gộp hai anh em Thiện vào cùng một vụ để xử lý.

Tại phiên sơ thẩm vừa qua của TAND TP.HCM, HĐXX xác định Thiện là kẻ chủ mưu lừa đảo, Quyền là người giúp sức tích cực và tuyên phạt như đã nói. Tại tòa, đại diện Công ty TNHH Hữu Kiết cho biết đến nay vẫn chưa được Phong bồi thường nên yêu cầu HĐXX buộc hai bị cáo Thiện và Quyền liên đới bồi thường cho mình. Về yêu cầu này, HĐXX cho biết không xem xét nữa vì bản án xét xử Phong có hiệu lực trước đó đã giải quyết phần này (buộc Phong bồi thường cho Công ty TNHH Hữu Kiết - NV). Riêng số tiền 25 triệu đồng mà Quyền nộp cho cơ quan điều tra, tòa tuyên tạm giữ để bảo đảm thi hành án.

Cần giám đốc thẩm

Điều oái oăm trong vụ việc là Thiện - kẻ chủ mưu, chiếm hưởng hầu hết số tiền lừa đảo - cùng với Quyền - kẻ giúp sức tích cực, chiếm hưởng 25 triệu đồng - thì thoát trách nhiệm dân sự. Còn Phong - kẻ làm thuê cho Thiện, chỉ được Thiện cho 10 triệu đồng - lại phải một mình bồi thường tiền tỉ. Điều này là bất công đối với Phong.

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều kiểm sát viên, thẩm phán chuyên xử án hình sự. Tất cả đều cho rằng HĐXX trong phiên tòa xét xử hai anh em Thiện đã làm đúng khi không xem xét, giải quyết phần dân sự vì phần này đã được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật rồi. Nếu giải quyết tiếp thì không khác gì “bồi thường chồng lên bồi thường”.

Như vậy, vấn đề nằm ở phiên tòa xét xử Phong trước đó. Việc HĐXX ở phiên tòa này chỉ buộc một mình Phong bồi thường theo yêu cầu của phía nạn nhân trong một vụ án có đồng phạm là chưa ổn vì nguyên tắc trong án hình sự là các đồng phạm phải liên đới bồi thường cho nạn nhân.

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) và các luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM), Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM), do bản án xét xử Phong đã có hiệu lực pháp luật nên cần thiết phải hủy phần dân sự trong bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết lại mới công bằng, thỏa đáng.

HOÀNG YẾN

Kinh nghiệm

Vào thời điểm xét xử Phong thì anh em Thiện vẫn đang bỏ trốn và bị truy nã. Về nguyên tắc, một người không bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của tòa án nên việc anh em Thiện chưa bị truy tố, xét xử mà buộc họ liên đới bồi thường với Phong là không ổn. Lỡ về sau lại xác định anh em Thiện không dính dáng gì đến khoản tiền lừa đảo thì sao? Do đó, theo yêu cầu của phía nạn nhân, tòa vẫn có thể buộc một mình Phong - bị cáo duy nhất đang bị xét xử, kết án tại phiên tòa đó bồi thường. Tuy nhiên, tòa cũng phải tuyên ngay trong bản án là nếu sau này có bản án có hiệu lực pháp luật khác xác định Phong có đồng phạm thì Phong có quyền kiện đồng phạm ra tòa đòi lại tiền (nếu Phong đã bồi thường) hoặc yêu cầu tòa xem lại trách nhiệm liên đới của tất cả đồng phạm (nếu Phong chưa bồi thường).

Một thẩm phán (đề nghị không nêu tên)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm