Lẽ ra cần xử lý mềm dẻo hơn!

Phải nhạy cảm, tinh tế

Vụ án kết thúc có hậu cho đôi vợ chồng nhưng là bài học cho cơ quan tố tụng nói chung trong điều tra, truy tố, xét xử án hình sự. Tôi muốn nói đến quá trình thu thập phân tích, đánh giá chứng cứ và tâm lý con người. Những tình huống tương tự đôi khi làm ranh giới giữa việc có tội hay không rất mong manh nên phải có sự chắc chắn cần thiết.

Trong vụ này, ngay từ đầu vấn đề tài sản người chồng lấy là tài sản chung hay riêng phải được đặt ra vì đây là điểm mấu chốt. Nếu đó là tài sản riêng của người vợ thì việc kết tội không có gì phải bàn nhưng vợ chồng họ chưa ly hôn, chưa chia tài sản. Một điều nữa, cán bộ tố tụng cần để ý đến phong tục tập quán của người Việt là khi vợ chồng sống với nhau, dù tài sản là của riêng một người thì cũng rất hiếm ai làm văn bản xác định rạch ròi. Chỉ khi có mâu thuẫn, gia đình tan vỡ thì họ mới yêu cầu chia tài sản. Xác định tài sản chung - riêng là điều kiện bắt buộc khi xử lý hình sự thì trong vụ của anh Cần, chị Mén, cơ quan tố tụng lại dễ dàng mặc định tài sản chung là tài sản riêng.

Trong những vụ nhạy cảm này, lời khai của người bị hại giống con dao hai lưỡi. Lúc đầu thấy mất tiền, giận chồng thì khai khác nhưng sau thấy chồng bị bắt, thấy hối hận có khi lại thay đổi hoàn toàn. Việc này đòi hỏi cán bộ tố tụng phải nắm bắt được tâm lý này, nếu chủ quan sẽ rất dễ làm oan. Cho nên khi hình sự hóa những quan hệ trong nội bộ gia đình cần sự nhạy cảm, tinh tế mới tránh được hậu quả đáng tiếc.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Ba bài học lớn

Tôi cho rằng vụ án để lại nhiều bài học về nguyên tắc xử lý hình sự.

Lẽ ra cần xử lý mềm dẻo hơn! ảnh 1

Bỏ qua tất cả, vợ chồng anh Cần lại vui vẻ, hạnh phúc. Ảnh: X.NGỌC.

Thứ nhất là không có căn cứ định tội. Trong vụ này chúng ta thấy rằng về pháp lý, họ vẫn là vợ chồng hợp pháp và tài sản người chồng lấy đi là tài sản chung chưa chia. Như vậy hành vi lấy tiền chung này không thuộc khái niệm lấy “tài sản của người khác” trong Điều 138 BLHS. Nói cách khác, nó không phải đối tượng điều chỉnh của pháp luật hình sự, tức luật chưa quy định hành vi của người chồng là phạm tội. Nếu việc lấy tiền đó được phát hiện mà vợ chồng không thể thỏa thuận được với nhau thì cũng chỉ là tranh chấp dân sự.

Thứ hai là việc vận dụng nguyên tắc những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Trước đây, Pháp Luật TP.HCMtừng phản ánh trường hợp một người ở Tây Ninh bị kết án tám năm tù về tội hiếp dâm trẻ em mà nguyên nhân xuất phát từ việc “lấy nhầm vợ trẻ con” từ bao nhiêu năm trước đó. Bị cáo không biết như vậy là phạm tội, hơn nữa họ đã có với nhau hai mặt con, gia đình yên ấm thì cố buộc người ta vào tù làm gì? Vụ này cũng kết thúc có hậu khi tòa phúc thẩm hủy án, sau đó công an đình chỉ điều tra.

Một điều khác cần đề cập là tâm lý truy tố lấy được, trừng trị bằng mọi giá, thà bắt lầm còn hơn bỏ sót của cơ quan tố tụng nói chung. Nó tạo ra hiện tượng hình sự hóa quan hệ dân sự khi dấu hiệu của tội phạm chưa rõ ràng. Lúc đó, tính chất giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung của pháp luật không những không đạt được mà còn tạo hiệu ứng ngược.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương

Đừng góp phần tạo ra bi kịch

Thực tế cho thấy những tranh chấp về tài sản mang tính nội bộ trong gia đình, người thân bao giờ cũng phức tạp nên cần hướng họ tới quan hệ dân sự chứ đừng đụng một chút là bắt, là khởi tố, truy tố. Nhiều mối quan hệ theo kiểu “già nhân ngãi non vợ chồng” cũng thường xảy ra mâu thuẫn về tài sản khi họ hục hặc tình cảm. Tôi biết có vụ hai người sống với nhau như vợ chồng. Trong lúc có mâu thuẫn, vì muốn tạo cơ hội để làm lành, người đàn ông mang chiếc xe máy của bạn gái về nhà mình, mục đích để bạn gái tìm đến lấy. Nhưng cô bạn gái lại đi tố cáo, thế là người đàn ông bị bắt về tội cưỡng đoạt tài sản…

Rõ ràng khi xử lý các tranh chấp có yếu tố tình cảm - gia đình, cán bộ tố tụng phải hết sức thận trọng để đánh giá đúng nguyên nhân, hoàn cảnh và ý chí chủ quan của người bị nghi là phạm tội. Ẩn chứa bên trong nó có khi là nhiều mối quan hệ đan xen phức tạp chứ không đơn thuần là tội phạm. Điều đó đòi hỏi cái tâm và cái tầm, độ tinh tế nhạy cảm của cán bộ tố tụng, nếu không chính họ sẽ góp phần tạo ra những bi kịch gia đình mới.

Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An

Điểm sáng cần nhân rộng

Tôi rất đồng tình rằng kết thúc có hậu cho vợ chồng anh Cần là hợp lý và đúng luật. Vụ án này còn tạo ra một tiền lệ cho sự sòng phẳng trong tố tụng, góp phần vào nguyên tắc tiến bộ trong hình sự là không chứng minh được tội phạm thì phải tuyên vô tội.

Tôi đánh giá cao sự thay đổi nhận thức của TAND tỉnh Tây Ninh trong phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai cũng như việc rút kháng nghị của đại diện VKS trong phiên tòa phúc thẩm. Đây là các điểm sáng rất cần được biểu dương, nhân rộng bởi thực tế, không ít trường hợp cơ quan tố tụng cứ cố kết tội cho bằng được dù biết chứng cứ chưa chắc với tư duy bảo thủ.

Tôi nghĩ thái độ cầu thị, khách quan trong diễn biến của quá trình tố tụng, không để tâm lý cay cú hay thắng - thua chi phối là điều rất cần thiết với người tiến hành tố tụng. Đây là quá trình tìm ra sự thật khách quan của vụ án nên có tội hay không có tội là bình thường.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam

THANH TÙNG ghi

“Không ở tù nữa là mừng rồi”

Ngày 10-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thành Văn Trạc (chánh văn phòng VKSND tỉnh Tây Ninh - cơ quan mà theo luật sẽ có trách nhiệm bồi thường oan nếu ông Cần yêu cầu), cho biết Viện trưởng hiện đi công tác nên không thể gặp chúng tôi để thông tin cụ thể gì. Tuy nhiên ông Trạc nói thêm: “Chúng tôi muốn nói gì về quan điểm hoặc hướng xử lý tiếp theo về vụ án này thì phải có trong tay bản án phúc thẩm hoặc thông báo về kết quả xét xử của Viện phúc thẩm 3. Hiện nay, mọi thông tin chúng tôi nhận được chỉ thông qua kênh báo chí chứ chưa phải là kênh chính thống trong ngành nên không thể lên tiếng. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được bản án phúc thẩm, lãnh đạo VKS tỉnh sẽ họp bàn để đưa ra hướng xử lý cụ thể”.

Lần này chúng tôi đến thăm, anh Cần hớn hở khoe: “Tui mới mua đất, xây dãy nhà trọ ở mặt tiền xã Tân Thạnh”. Chị Mén vui vẻ nói với theo chồng: “Số vàng với tiền ổng lấy tui thấy để trong nhà xui quá nên đem bán bỏ ngân hàng, thấy có người bán mảnh đất này nên tui mua luôn”.

Chị Mén bảo: “Năm đó như là năm hạn của ổng. Chẳng biết ma xui quỷ khiến hay sao mà ổng làm chuyện động trời ấy. Khi mới bị công an lên lấy lời khai, tui cũng chạy lên bảo thôi thì tiền là của chồng công vợ, cũng làm đơn bảo lãnh ổng ra rồi xin công an phạt hành chính thôi. Sau đó, công an thả ra. Tự nhiên ổng về nhà được một tháng thì công an đến bắt lại”.

“Nhưng mà không sao, cuối cùng đã tốt đẹp, vui vẻ trở lại rồi. Giờ ổng ra, vợ chồng lại lo làm ăn bù lại” - chị Mén cười rạng rỡ.

Hai con người chân chất ấy vẫn cho rằng “xui thì chịu, giờ không phải ở tù nữa là mừng rồi”. Họ không nghĩ rằng có oan án này là do sự thiếu thận trọng của các cơ quan tố tụng. Giờ đây, cuộc sống của họ lại tất bật ban ngày với vườn cao su, rẫy mãng cầu để kiếm tiền lo cho cuộc sống, con cái. Đêm về quây quần với gia đình, bà con lối xóm. Đối với họ như vậy là đủ rồi...

PHAN THƯƠNG - XUÂN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm