Mong có phép màu để con thoát tội chết

1. Tháng 7 Sài Gòn sùi sụt những cơn mưa. Bà Nguyễn Thị Thanh Thu để đôi dép ngoài cửa rồi phủi đôi chân nhẹp nước khép nép bước vào Văn phòng Luật sư Người Nghèo nhờ trợ giúp pháp lý (miễn phí) cho đứa con tử tù của mình. Hai người con sinh đôi của bà dẫn đường mẹ lên thành phố ú ớ không ra lời. “Hai đứa này là anh thằng Trung, câm điếc bẩm sinh và không biết chữ nên đi bán vé số từ nhỏ” - bà Thu giải thích.

Nhà bà Thu ở huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Gọi là nhà nhưng đó chỉ là cái chòi giữa đồng không mông quạnh. Đất xung quanh thì mênh mông nhưng gia đình bà lại chẳng có miếng ruộng nào. Vợ chồng bà có năm người con, tất cả đều sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Cả nhà chưa từng ăn chung một bữa cơm sum họp gia đình, vì ai cũng phải tỏa đi khắp nơi nhọc nhằn kiếm sống.

Nguyễn Quốc Trung là con giữa, học khá nhất nhà nhưng chỉ tới lớp 5 đã phải nghỉ học vì nghèo. Rồi Trung theo bạn lên thành phố làm phụ hồ. “Mấy đứa con tôi chưa một ngày được mẹ lo cho đàng hoàng. Cha tụi nhỏ đi làm mướn suốt tháng, suốt năm. Mạnh đứa nào lo kiếm cơm đứa đó. Nghe tin con đánh nhau rồi lỡ tay làm chết người, tôi choáng váng tìm lên thành phố. Tòa xử nó tử hình, tôi như muốn ngất lịm” - bà Thu sụt sùi kể.

Phần bà Thu thì đi giúp việc nhà cho người ta, mỗi tháng chẳng được bao nhiêu, trong khi việc thì nhiều, hết giặt đồ đến lau nhà, nấu ăn, đi chợ. “Tôi biết lỗi của mình lớn lắm, gián tiếp gây ra cái chết của người ta và rồi sắp tới là con mình”.

2. Hồ sơ vụ án tóm tắt như sau: Trung làm phụ hồ cho một công trình nhà ở tại quận Tân Bình, TP.HCM. Khuya 9-1-2010, Trung cùng các bạn làm chung rủ nhau uống rượu xả hơi cuối tuần. Giữa cuộc vui, một người trong nhóm đi về công trình trước thì xảy ra va chạm với anh Phạm Trung Dũng. Hai bên xô xát. Người bạn này quay ra quán rượu nói mình bị đánh và rủ Trung đi tìm anh Dũng trả thù. Bênh bạn, Trung đứng dậy...

Về phần mình, anh Dũng cũng có người em ruột là Phạm Việt Cường làm bảo vệ ở đó. Hai bên gặp nhau, nhanh chóng lăn xả vào ẩu đả. Trung rút dao đâm chết anh Cường và làm bị thương anh Dũng. Nhìn thấy hai người đổ gục xuống đường, Trung biết mình đã gây họa lớn nên ném dao bỏ chạy đến nhà một người quen nhờ gọi công an để ra tự thú.

Ngày 20-7-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án tử hình Nguyễn Quốc Trung về tội giết người, theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS.

3. Bà Thu kể mỗi tháng trại giam Chí Hòa cho thăm con một lần. Mới đây trại giam thông báo bà lên làm thủ tục nhận xác con để chuẩn bị mai này Trung bị thi hành án tử. Đơn xin Chủ tịch nước ân xá do Trung tự viết đã không được chấp nhận. Bà Thu liều mình viết thêm một lá đơn gửi tới Chủ tịch nước, mong tìm cho con mình một con đường sống. Trong đơn, bà nói là một người mẹ bà thấu hiểu nỗi đau của mẹ nạn nhân; bà là người nhà quê, ít học nhưng cũng biết tội do con mình gây ra có phần rất lớn từ lỗi của bà; nỗi day dứt này suốt phần đời còn lại bà phải gánh như một nỗi đọa đày...

Bà Thu nói hơn 20 năm trong đời mình, Trung đã từng là một đứa lành như đất, chưa đánh ai bao giờ. Vậy mà có ai ngờ chỉ trong một phút nông nổi Trung phải mang trọng tội và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

“Trung nói với tôi rằng má về chờ ủy ban phường thông báo. Mỗi lần gặp nhau như một lần vĩnh biệt. Thông báo của phường đồng nghĩa với việc con sẽ bị tiêm thuốc. Rồi nó khóc mà quặn lòng mẹ con. Mấy anh chị luật sư nói tử hình một người là vì người đó không còn khả năng giáo dục. Trung đã đi đầu thú, hối hận với tội lỗi của mình. Nhiều năm qua, kiếm tiền ít ỏi, làm việc nặng nhọc nhưng bao giờ nó cũng phụ tôi chữa bệnh cho hai anh câm điếc… Tội của con nhưng cái lỗi của mẹ cũng lớn lắm...” - bà Thu nức nở.

Và rồi những ngày này, bà mẹ ấy ngày nào cũng trong tâm trạng phập phồng vì hung tin có thể đến bất cứ lúc nào. Trong trạng thái đớn đau cùng cực ấy, bà vẫn hy vọng vào một phép màu, rằng Chủ tịch nước sẽ chiếu cố để ân xá cho con bà thôi tội chết.

ĐỨC TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm