NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI: VÌ SAO NGÀY CÀNG BẠO LỰC?- BÀI 5:

Mức tối đa 18 năm tù - có cần sửa luật?

Có thể sửa luật không và sửa như thế nào để mức hình phạt có đủ sức răn đe, đồng thời buộc người phạm tội trả giá tương xứng với hành vi dã man của họ? Xin giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến bàn luận của các chuyên gia về vấn đề này.

Thạc sĩ PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự - Trường Đại học Luật TP.HCM:

Không cần thiết phải sửa luật hình sự

Người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý. Trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của họ bị hạn chế, dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo vào những hoạt động phi pháp... Do đó, việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên là quá nghiêm khắc, loại bỏ hoàn toàn khả năng cải tạo của họ. Nếu quy định và áp dụng tử hình đối với người chưa thành niên, chúng ta có đảm bảo sẽ không còn những trường hợp người chưa thành niên thực hiện hành vi tương tự như Lê Văn Luyện hay không?

Việc sai phạm của người chưa thành niên cũng có phần trách nhiệm của gia đình và xã hội. Nếu thiếu sự quản lý, giáo dục thường xuyên và khoa học của gia đình, người chưa thành niên dễ bị tiêm nhiễm cái xấu, bị tha hóa dần về nhân cách, có hành vi phạm pháp, kể cả hành vi phạm tội. Theo tôi, nếu áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên thì không công bằng.

Cần tôn trọng và thực hiện các cam kết trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Điều 37 công ước này quy định: “Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng không trẻ em nào phải chịu sự tra tấn, đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay bị làm mất phẩm giá. Sẽ không áp dụng án tử hình hoặc tù chung thân mà không có khả năng phóng thích đối với những hành động phạm pháp do những người dưới 18 tuổi gây ra”...

Như vậy, không chỉ có Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới không quy định trong luật hình sự hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Đây là xu hướng chung của nền văn minh nhân loại, lẽ nào chúng ta lại muốn đi ngược?

Kiểm sát viên TRẦN MINH SƠN, VKSND TP.HCM:

Cần sửa luật nhưng không phải bây giờ

Theo tôi, cần phải sửa đổi Bộ luật Hình sự về vấn đề này. Điều quan trọng là phải xác định rõ thời điểm lịch sử nào có thể sửa đổi. Hiện Nhà nước có chủ trương sửa đổi căn bản, toàn diện quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, đến nay đang tiến hành, chưa trình Quốc hội.

Một thông tin rất đáng quan tâm từng được đăng trên Pháp Luật TP.HCM: Mỗi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự có khoảng 500 vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Trong những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung ấy, có vấn đề về người chưa thành niên phạm tội. Cũng cần mở rộng sang đối tượng người tham gia tố tụng là người chưa thành niên (người bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan), đặc biệt là người bị hại trong các vụ án hiếp dâm là người chưa thành niên...

Riêng vấn đề người chưa thành niên trong pháp luật Việt Nam nói chung có phải sửa đổi hay không còn phải xem kỹ. Hiện nay, tính nhân đạo, nhân văn là xu hướng chung của pháp luật thế giới. Pháp luật Việt Nam nằm trong hệ thống pháp luật quốc tế nên không thể đứng riêng.

Đây là vấn đề lớn, không chỉ của riêng Việt Nam. Chúng ta cần một công trình khoa học ở tầm quốc gia, có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về pháp luật và những người có chức trách ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia. Chúng ta phải có nghiên cứu khoa học, sửa hay không sửa, sửa thế nào cho phù hợp pháp luật quốc tế vì Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Sửa luật mà không khéo thì sẽ ảnh hưởng đến nhân quyền.

Thẩm phán NGUYỄN THANH TRUYỀN, Phó Chánh án TAND quận Tân Phú (TP.HCM):

Không thể sửa luật vì một vài trường hợp cá biệt

Theo tôi, nếu có sửa luật thì phải có một chương riêng nói về sự khác biệt về nhận thức giữa những người chưa thành niên ở các vùng miền khác nhau về điều kiện vật chất, tinh thần, khả năng hội nhập. Và chúng ta nên đợi 5-10 năm nữa hãy sửa. Bây giờ, chính sách nhân đạo đã được thể hiện rõ, có sự tiếp thu pháp luật quốc tế. Vì vậy, mặc dù dư luận phẫn nộ nhưng chúng ta không thể hành xử trái luật.

Theo tôi, nguyên tắc nhân đạo phải được đề cao. Đó là ý chí chủ quan của nhà làm luật. Người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ nên có những hạn chế trong nhận thức.

Pháp luật Việt Nam không cho phép áp dụng án chung thân và tử hình cho người chưa tròn 18 tuổi, cho dù chỉ thiếu một ngày. Hiệu lực của pháp luật hình sự không thể vì bất kỳ dư luận hay ý chí xã hội nào mà phải thay đổi. Trong trường hợp này, cảm xúc xã hội và pháp luật hình sự có khoảng cách khá xa.

Dù vậy, vì bất cứ lý do gì vẫn phải thượng tôn pháp luật, chấp hành tuyệt đối quy định của pháp luật.

Luật sư VŨ QUANG ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Nên tăng mức phạt tối đa lên 30 năm tù

Vụ án Lê Văn Luyện đã tạo nên một dư luận xã hội thực sự bức xúc. Bởi dù hành vi của Luyện có man rợ bao nhiêu thì mức hình phạt cao nhất cũng chỉ là 18 năm tù. Mức án này không có tác dụng răn đe, giáo dục.

Thực tế hiện nay, giữa dư luận xã hội và pháp luật có một khoảng cách khá lớn. Xã hội ngày càng phong phú đa dạng. Khi hoàn cảnh thay đổi thì luật trước đây không còn phù hợp nữa. Ở đây, ta phải nhìn nhận rõ vấn đề rằng ta không sửa luật vì Luyện mà vì tình hình chung của xã hội. Tình hình người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng. Có những nhóm người lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội để dụ dỗ các em tham gia phạm tội. Chẳng hạn, chúng nói rằng “Mày cứ đâm hắn đi, hắn có chết mày cũng không bị xử tử đâu!”... Những trường hợp này hiện nay rất nhiều.

Vậy chúng ta nên sửa luật theo hướng nào? Việc sửa luật dù theo hướng nào cũng không nên áp dụng án tử. Bởi ở lứa tuổi này, trẻ vẫn chưa nhận thức được đầy đủ hành vi của mình. Trẻ cần có cơ hội để sửa đổi bản thân, làm lại cuộc đời. Theo tôi, thay vì quy định mức tối đa là 18 năm tù, ta có thể sửa thành 30 năm tù. Ngoài việc tăng mức hình phạt, chúng ta cũng nên lập tòa chuyên trách xử trẻ vị thành niên phạm tội. Người chưa thành niên có những đặc điểm tâm sinh lý khó hiểu nên cần có những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về đối tượng này.

 

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm