NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI: VÌ SAO NGÀY CÀNG BẠO LỰC?- BÀI 3:

Nghĩ về hiện tượng bạo lực ở tuổi vị thành niên

Song song với hiện tượng các hành vi bạo lực không ngừng gia tăng, trong vài năm gần đây, hiện tượng những người vị thành niên sử dụng bạo lực cũng không ngừng gia tăng với một số nét chung như có nhiều người tham gia hơn, vì những lý do nhỏ nhặt hơn và với mức độ phi nhân tính cao hơn. Điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận này cần được tìm hiểu.

Nghĩ về hiện tượng bạo lực ở tuổi vị thành niên ảnh 1

Vì sao trẻ bạo lực?

Trong bài viết trên báo Pháp Luật TP.HCMvề chuyên đề “Vì sao tội ác gia tăng?” tổ chức hồi tháng 5-2011, chúng tôi có cho rằng bạo lực chính là bằng chứng về sự hèn nhát và thiểu năng. Nhìn trên bình diện xã hội và từ góc độ xã hội, việc nảy sinh nhiều hiện tượng bạo lực, nhiều hình thức bạo hành ở Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ sự méo mó về nhân cách, sự khủng hoảng về tâm lý, sự lệch lạc về thị hiếu và sự buông thả về hành vi.

Tuy nhiên, vị thành niên là lứa tuổi mà nhân cách căn bản còn chưa định hình, đồng thời chưa ý thức được toàn diện và chính xác về những áp lực của đời sống. Vì vậy, việc sử dụng bạo lực ở lứa tuổi này chủ yếu do hai yếu tố sau, tức sự lệch lạc về thị hiếu và sự buông thả về hành vi chi phối. Việc tìm hiểu hai yếu tố này trong mối liên quan với đặc trưng tâm sinh lý của những người vị thành niên có thể làm sáng tỏ thêm một phần bức tranh sử dụng bạo lực hiện nay ở Việt Nam.

Lệch lạc thị hiếu

Nhìn chung, lứa tuổi thiếu niên - vị thành niên có một số đặc điểm như hiếu động nhưng thường thiếu tự tin, nhiệt tình nhưng thường hành động theo cảm tính, ưa thích cái mới nhưng thường đi tới chỗ phiến diện rồi cực đoan, thích tự khẳng định mình nhưng thường ít độc lập mà dễ bị số đông lôi kéo... Kết hợp với đặc trưng sinh lý của lứa tuổi, các đặc điểm nói trên khiến cho đến trước khi hoàn toàn trưởng thành, họ dễ có những suy nghĩ và hành động vượt ra khỏi một số quy phạm mà các xã hội bình thường vẫn đòi hỏi ở những con người bình thường. Nhưng sự dao động ấy thường chỉ vượt ra khỏi biên độ mà đạo đức và pháp luật cho phép khi có những tác nhân khác tác động. Sự cộng hưởng giữa nó với những tác nhân xã hội tiêu cực mới dẫn tới tình trạng sử dụng bạo lực ngày càng phổ biến trong những người vị thành niên hiện nay.

Nghĩ về hiện tượng bạo lực ở tuổi vị thành niên ảnh 2

Lứa tuổi vị thành niên cần được giúp đỡ để hoàn thiện bản thân. Ảnh: HTD (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Nhìn từ góc độ là sở thích thể hiện qua tình cảm hay phản ứng trực tiếp và lập tức đối với các giá trị cụ thể trong hiện thực đời sống, sự cá biệt về thị hiếu không có gì đáng phải lên án, vì nó gần như hoàn toàn là một vấn đề thuần túy cá nhân. Có điều, xã hội tiêu dùng và cuộc cách mạng tin học hiện nay đã hình thành ở nhiều người những sở thích vật chất và tinh thần không phù hợp với điều kiện và năng lực của bản thân. Ví dụ, một cá nhân tuy nghèo mà thích dùng hàng hiệu, không có kiến thức tối thiểu về ngoại ngữ và ngôn ngữ mà hay hiên ngang khen chê các bản dịch thơ phú văn chương. Thao tác cá nhân không ăn khớp với quy trình cuộc sống lặp đi lặp lại sẽ đưa họ tới những hành vi lố lăng hay tệ hơn là có những khoái cảm bệnh lý. Qua lăng kính hệ giá trị có hạt nhân là sở thích cá nhân thường là phiến diện hay cực đoan ấy, các giá trị thiện ác, đúng sai, nhã tục đều sẽ ít nhiều khúc xạ hay đổi màu. Đây chính là mảnh đất dọn sẵn cho các hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật, nhất là trong những trường hợp có quan hệ tới lợi ích cụ thể. Nói sự lệch lạc về thị hiếu góp phần dẫn tới việc sử dụng bạo lực vì vậy là nói tới hiện tượng những sở thích không phù hợp bị mở rộng thành hệ giá trị một cách không lành mạnh, đặc biệt là ở những người trong lứa tuổi vị thành niên.

Buông thả hành vi

Khác với sự lệch lạc về thị hiếu trong nhiều trường hợp chỉ là vấn đề cá nhân, sự buông thả về hành vi lại mang “tính liên thông xã hội” rất lớn. Nó là một biểu hiện sai lệch chuẩn mực xã hội với đặc trưng là khả năng phổ biến - lan truyền. Ví dụ trong những môi trường không có sức mạnh chế định về hành vi, một cá nhân có học thức, vốn đứng đắn cũng có thể cư xử thô lỗ, ăn nói khiếm nhã.

Nghĩ về hiện tượng bạo lực ở tuổi vị thành niên ảnh 3

Trẻ sẽ phát triển hoàn thiện khi được định hướng đúng đắn. Ảnh: HTD (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Dĩ nhiên, sự buông thả về hành vi trong việc sử dụng bạo lực ở những người vị thành niên còn có một số nguyên nhân khác, chẳng hạn do bạn xấu rủ rê kích động hay tâm lý nổi loạn, hung hãn, phá phách để xả stress ở một số người có hoàn cảnh cá nhân đặc biệt. Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả vẫn là vấn đề năng lực tự điều chỉnh hành vi. Đây là một loại năng lực phải rèn luyện qua nhiều ngày tháng mới có nên cũng khó mà đòi hỏi quá cao ở những người vị thành niên, nhưng cũng không phải là một loại năng lực có thể đóng cửa rèn luyện một mình trong nhà mà phải thông qua các hoạt động sống có mục đích. Cần lưu ý rằng tuyệt đại đa số những người vị thành niên chưa thực sự tham gia vào các hệ thống sản xuất xã hội, tính mục đích trong các hoạt động sống nói chung còn mờ nhạt, ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng do đó cũng chưa định hình hay chưa bền vững. Vì thế, khi đối diện với những khó khăn mới lạ, nhiều người sẽ từ chỗ bị kích động đi tới chỗ buông thả về hành vi.

***

Hiện tượng bạo lực ở tuổi vị thành niên là một vấn đề xã hội phức tạp, không thể giải quyết triệt để và mau chóng nhưng vẫn có thể giảm thiểu rất nhiều nếu quan tâm tới việc giúp đỡ họ nâng cao ý thức trách nhiệm và điều chỉnh thị hiếu cho phù hợp với hoàn cảnh sống. Bởi vì trong hoàn cảnh việc cố kết cộng đồng mới không thành công ở Việt Nam hiện nay, hiện tượng những người vị thành niên sử dụng bạo lực không ngừng gia tăng là hoàn toàn phù hợp với logic của một xã hội đang khủng hoảng về hệ giá trị, nhưng đó là một logic buồn.

(Tháng 9-2011)

CAO TỰ THANH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm