Bộ Công an cấm bức cung, dùng nhục hình: Đã nói thì phải làm!

Một điểm rất đáng chú ý là thông tư nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều tra bức cung, mớm cung, dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.

Thông tư 28 quy định chi tiết thi hành một số quy định của BLTTHS 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra (CQĐT), các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hoạt động điều tra của thủ trưởng, phó thủ trưởng các CQĐT, điều tra viên, cán bộ điều tra...

Quy định chi tiết những điều cấm

Đáng chú ý, thông tư quy định những việc điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm một cách rõ ràng, chi tiết hơn hẳn các văn bản pháp luật trước đó.

Cụ thể, theo Điều 31 của thông tư, ngoài những việc cấm tại Điều 33 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 (tư vấn, can thiệp, lợi dụng ảnh hưởng để làm cho việc giải quyết án không đúng pháp luật…), điều tra viên, cán bộ điều tra còn bị cấm:

Thứ nhất, không được tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và đơn, thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được phân công.

Thứ hai, không được tiếp thân nhân của bị can, người bị tạm giữ hoặc những người khác có liên quan ở bất cứ địa điểm nào, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT. Trường hợp bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ tự động đến nhà hoặc gặp gỡ ngoài trụ sở thì điều tra viên, cán bộ điều tra phải giải thích, yêu cầu họ đến trụ sở cơ quan công an làm việc, đồng thời phải báo cáo ngay cho thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT biết.

Các bị cáo nguyên là điều tra viên, cán bộ công an tại Phú Yên ra tòa vì dùng nhục hình làm chết nghi can. Ảnh: TTXVN

Thứ ba, không được ăn uống, nhận quà, tiền hoặc lợi ích khác của bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ hoặc người có liên quan đến vụ án. Nếu thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ và người có liên quan đến vụ án cố tình biếu, cho, tặng quà, tiền hoặc các lợi ích khác thì phải từ chối và báo cáo ngay việc này.

Thứ tư, không được nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với bị can, người bị tạm giữ, thân nhân của họ và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thứ năm, không được cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi thông tin với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực trại tạm giam, nhà tạm giữ), trừ trường hợp đặc biệt thì phải được thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT đồng ý.

Đặc biệt, nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều tra bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.

Muốn làm việc, phải có giấy triệu tập

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định khi triệu tập, hỏi cung bị can tại ngoại, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người liên quan đến vụ án thì CQĐT phải có giấy triệu tập. Những người bị triệu tập trên phải thuộc danh sách, kế hoạch đã được duyệt. Giấy triệu tập phải ghi đầy đủ nội dung về việc triệu tập, tư cách tố tụng của người bị triệu tập.

Điều tra viên, cán bộ điều tra phải tiếp, làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan công an hoặc UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ. Trường hợp cần tiếp và làm việc với người bị triệu tập ngoài trụ sở công an, UBND xã, phường hoặc cơ quan của họ phải được sự đồng ý của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT.

Ngoài ra, điều tra viên có trách nhiệm đảm bảo cho những người tham gia tố tụng hình sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, khi làm việc với những người tham gia tố tụng hình sự, điều tra viên phải giải thích cho những người này biết về quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật và việc giải thích phải ghi rõ vào biên bản hoạt động điều tra.

Khi người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý tham gia các hoạt động tố tụng hình sự thì điều tra viên thực hiện theo quy định của BLTTHS 2003, Luật Trợ giúp pháp lý 2006, Thông tư liên tịch số 10/2007 của Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao, Thông tư 70/2011 của bộ trưởng Bộ Công an… Điều tra viên chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cán bộ trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ để bảo đảm cho các hoạt động của người bào chữa hoặc của người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật khi họ được gặp người bị tạm giữ, tạm giam.

PHƯƠNG LOAN

“Đã nói thì phải làm!”

Các nội dung của Thông tư 28, trong đó có việc nghiêm cấm bức cung, mớm cung, dùng nhục hình đều nằm trong các quy định pháp luật đã có. Tuy nhiên, thông tư đã góp phần khẳng định lại, quán triệt thêm và siết chặt hơn các nguyên tắc cần phải tuân theo.

Điều quan trọng nhất là “đã nói thì phải làm”. Theo tôi, để thực hiện tốt các quy định về điều tra hình sự, cần phải xử lý nghiêm minh hơn nữa các trường hợp điều tra viên, cán bộ điều tra vi phạm. Theo cách hiểu thông thường thì đây là xử lý phần ngọn nhưng thực tế nó lại có tác dụng lớn vì nếu chúng ta nể nang, nhân nhượng trước việc xử lý hành vi bức cung, mớm cung, dùng nhục hình thì nó sẽ không trở thành bài học cho những người có thẩm quyền điều tra.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật
Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương)

Điều tra viên phải xem đó là nhiệm vụ

Tôi đánh giá việc ban hành Thông tư 28 thay thế các quy định trước đây của Bộ Công an về hoạt động điều tra hình sự như một biện pháp làm nóng tâm lý cần thiết. Nó như một lời nhắc nhở sau những vụ liên quan đến các cán bộ điều tra hầu tòa vì dùng nhục hình trong thời gian qua.

Vấn đề quan trọng vẫn là những quy định mang tính chuẩn mực trong Thông tư 28 phải được hiện thực hóa chứ nếu CQĐT, điều tra viên không tuân theo thì cũng không có giá trị. Bản thân những người có thẩm quyền điều tra phải coi đây như là nhiệm vụ phải hoàn thành thì nó mới ăn sâu vào suy nghĩ và hành động. Nếu vẫn hiểu và thực hiện hời hợt, mang tính đối phó, cho có thì tất cả sẽ lại quay về như cũ.

Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An

Đừng để quy định chỉ nằm trên giấy

Năm 2011, khi Bộ Công an ban hành Thông tư 70 về bảo đảm quyền bào chữa của luật sư trong giai đoạn điều tra, ban đầu giới luật sư rất vui mừng. Thế nhưng quá trình thực hiện từ đó đến nay đã khiến chúng tôi đều thất vọng bởi quy định không được các CQĐT thực thi nghiêm túc.

Trở lại quy định cấm bức cung, mớm cung, dùng nhục hình trong Thông tư 28, quan trọng nhất vẫn phải là làm sao có mặt luật sư ngay từ giai đoạn điều tra. Đây là một kênh giám sát hiệu quả nhất để tình trạng này không tái diễn bởi giai đoạn này nghi can không thể tiếp xúc với ai khác ngoài điều tra viên. Nếu vẫn còn tình trạng điều tra viên làm khó luật sư, xúi hay ép nghi can từ chối luật sư thì không thể giải quyết được chuyện gì. Mong sao sau khi Thông tư 28 có hiệu lực, chúng ta không phải thất vọng thêm lần nữa.

Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận

Mấu chốt là cơ chế giám sát

Điểm chung của các quy định hiện nay là thiếu cơ chế giám sát thực hiện nên khiến nó không đạt hiệu quả. Tại sao tình trạng bức cung, mớm cung, dùng nhục hình vẫn xảy ra dù Hiến pháp và BLTTHS đã cấm từ lâu? Đơn giản là giai đoạn điều tra, không chủ thể nào có thể xen vào quan hệ giữa nghi can và điều ra viên. Trong khi chúng ta có thể thực hiện các biện pháp như thay đổi phương pháp hỏi cung, ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung…

Để các quy định của Thông tư 28 được thực thi nghiêm túc thì cần tăng cường cơ chế giám sát từ phía VKS, luật sư… Về bức cung, mớm cung, dùng nhục hình, có nhiều biện pháp để hạn chế nhưng tôi đồng ý rằng dễ nhất và có thể thực hiện ngay là đảm bảo quyền bào chữa của nghi can ngay từ giai đoạn điều tra.

Luật sư LƯU VĂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu

____________________________________________

Quyền công dân theo luật định

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

(Theo Điều 20 Hiến pháp 2013)

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của tòa, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của TTHS. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

(Theo Điều 6 BLTTHS 2003)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm