Những đứa trẻ mồ côi

Lâu lâu bé gái lại đưa tay chỉ vào phòng xử đòi vào trong nhưng người phụ nữ trấn an: “Không vào được đâu con, vào đó mấy chú bảo vệ bắt đấy”.

Người phụ nữ ấy là bà Lê Thị Hạnh, bà nội của anh Trần Hoàng Tuấn, quê ở Đồng Tháp, nạn nhân đã chết trong vụ án.

Theo hồ sơ, vào khoảng 20 giờ ngày 4-6-2012, Đạt (ngụ quận 8, TP.HCM), Bảo cùng người bạn tên Hiếu nhậu xong cùng chạy xe về. Trên đường đi, xe của Hiếu va quẹt với xe của anh Dương Hy Tài (đang chở anh Tuấn). Hiếu hỏi: “Mày muốn gì?”. Anh Tài không trả lời mà tiếp tục cho xe chạy.

Thấy vậy, Hiếu, Đạt và Bảo phóng xe đuổi theo. Hai bên rượt đuổi nhau đến hẻm 85 đường Bùi Minh Trực (quận 8) thì xe của anh Tài chết máy. Lúc này, Đạt và Bảo cũng vừa chạy đến. Bảo dùng roi điện mang theo chích vào người anh Tuấn.

Thấy bạn bị đánh, anh Tài bỏ chạy. Đạt nhặt khúc gỗ đánh anh Tuấn, Bảo cũng dùng gạch đánh vào người nạn nhân khiến anh Tuấn tử vong trên đường đi cấp cứu.

2. Bà Hạnh kể Tuấn là cháu nội của bà. Đứa bé bà đang bế trên tay đến tòa gọi bà là cố. Do tuổi còn nhỏ, ba mẹ ly dị, Tuấn phải về ở với ông bà nội.

Năm lên 14 tuổi, Tuấn đem lòng yêu cô gái hơn mình bốn tuổi. Nghĩ tuổi cháu còn nhỏ, bà khuyên ráng chờ thời gian nữa, khi trưởng thành sẽ cưới vợ cũng chưa muộn.

Nhưng rồi Tuấn và cô gái kia dẫn nhau lên Sài Gòn sinh sống. Đứa con trai đầu của Tuấn ra đời khi Tuấn vẫn chưa qua tuổi 14. Vì vậy, đứa bé được làm giấy khai sinh với tên cha là… ông nội của Tuấn, tức ông cố của đứa trẻ.

Rồi bà Hạnh đón vợ chồng Tuấn về Đồng Tháp tổ chức vài mâm cho các cháu nên vợ chồng. Hai năm sau, Tuấn bảo lên Sài Gòn xin việc làm kiếm tiền nuôi vợ con.

Bà Hạnh nghĩ đã đến lúc phải để cháu tự lo cho cuộc sống của mình nên đồng ý. Nào ngờ, Tuấn đi chỉ mấy tháng thì xảy ra chuyện khiến Tuấn phải chết trẻ khi đứa con thứ hai của anh chỉ còn mấy ngày nữa cất tiếng khóc chào đời.

Bà khuyên cháu dâu gắng nuôi con. Vậy mà qua 49 ngày của Tuấn, cháu dâu bà đã lặng lẽ bỏ đi, để lại đứa con thơ đỏ hỏn cho ông bà cố.

Vậy là đứa con trai lớn của Tuấn được bà nội (mẹ Tuấn) đón về nuôi, còn đứa nhỏ (mà bà Hạnh đang bế trên tay khi đến tòa) thì ở với vợ chồng bà. Và đau đớn thay, lần này tên cha trong giấy khai sinh của đứa bé lại để tên ông nội - tức cha của Tuấn, con của bà Hạnh.

Bà Hạnh nói như khóc: “Nó chỉ mới hơn một tuổi nên gặp người nào cũng gọi bằng ba, bằng mẹ. Có khi nó còn gọi tui là mẹ, ông nhà tui là ba, tui phải răn mãi nó mới chịu gọi bằng ông bà”.

3. Tại tòa, công tố viên đề nghị tòa xử tử hình cả hai bị cáo Đạt và Bảo vì cho rằng hành vi của các bị cáo là rất dã man, côn đồ, quyết tâm thực hiện đến cùng. Đứng ngoài hành lang, nghe mức án, bà Hạnh thoáng giật mình. Bà nói: “Tui đã làm đơn gửi tòa xin giảm án cho hai đứa nó rồi mà người ta lại đề nghị mức án tử hình cao quá vậy?”.

Khi được tòa mời vào phát biểu, bà Hạnh lủi thủi bế cháu gái vào phòng xử rụt rè nói bà không có yêu cầu gì, chỉ mong tòa xử các bị cáo mức án phù hợp nhất. Giờ nghị án, bà nói: “Dù thế nào cháu tui cũng đã chết rồi, dù các bị cáo có bị tử hình thì nó cũng không thể sống lại, chi bằng hãy cho họ một con đường sống…”.

Cuối cùng, tòa nhận định chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà các bị cáo đã gây ra cái chết cho anh Tuấn, đáng lẽ các bị cáo phải nhận mức án cao nhất của pháp luật. Nhưng do gia đình các bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả cho phía bị hại, các bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo. Hơn nữa phía bị hại đã có đơn xin giảm án cho các bị cáo.

Từ đó, tòa tuyên phạt cả hai bị cáo mức án chung thân, đồng thời buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho phía bị hại hơn 130 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần.

Về phần cấp dưỡng cho hai đứa trẻ, nghiệt ngã thay, do khai sinh của cả hai đều không thể hiện nạn nhân (Tuấn) là cha nên tòa tuyên sẽ giải quyết trong một vụ án (dân sự) khác khi đương sự có yêu cầu.

Phiên tòa kết thúc, bà Hạnh vội bế cháu đón xe ôm ra ngay bến xe cho kịp chuyến xe chạy về Đồng Tháp.

NGỌC THÂN

(*) Do TAND TP.HCM xử sơ thẩm ngày 30-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm