Phân biệt hành vi hành chính để dễ khởi kiện

Chưa kể ít khi có chứng cứ chứng minh nên rất ít khi khởi kiện hành vi hành chính…Chúng tôi đã nhận được bài viết về vấn đề này của Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), xin giới thiệu tới bạn đọc.

Theo tôi, nhiều người dân vẫn chưa tách biệt, chưa xác định được thế nào là hành vi hành chính (HVHC) của cơ quan nhà nước, HVHC của người đứng đầu cơ quan nhà nước hay HVHC mang tính nội bộ trong cơ quan nhà nước.

Hành vi hành động và không hành động

Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định HVHC là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, để dễ hiểu khái niệm trên, chúng ta phân HVHC của cơ quan nhà nước (hoặc người đứng đầu cơ quan nhà nước) thành hai loại là hành vi hành động và hành vi không hành động.

Thứ nhất, hành vi của người hoặc cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật được hiểu là hành vi hành động. Loại hành vi này được thể hiện dưới các dạng họ thực hiện các hành vi công vụ như: UBND xã, phường, thị trấn tiến hành việc hòa giải tranh chấp đất đai; hành vi cắm mốc giao đất cho người được nhận đất theo quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền hay hành vi khám xét hành chính theo quy định... Ví dụ ông A (cán bộ chuyên trách của UBND) được giao nhiệm vụ cắm mốc tứ cận một lô đất để làm sổ cho dân. Nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, ông A cắm sai vị trí, ảnh hưởng đến người dân thì lúc này HVHC sai trái đó là hành vi hành động.

Phân biệt hành vi hành chính để dễ khởi kiện ảnh 1

Thứ hai, hành vi của người hoặc cơ quan có thẩm quyền không thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật là hành vi không hành động. Nó được thể hiện dưới dạng họ không thực hiện các hành vi công vụ được giao như: UBND có thẩm quyền không cấp giấy đỏ cho người dân, phòng đăng ký kinh doanh không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp... Ví dụ ông B là người có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ nhưng nại nhiều lý do để từ chối dẫn đến bị khởi kiện thì đó là kiện HVHC không hành động.

Hành vi mang tính nội bộ

Một khái niệm nữa khó phân biệt là HVHC mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Nó dễ nhầm với HVHC theo hai dạng đã nói ở trên.

Chẳng hạn ông C kiện Phòng Tài nguyên và Môi trường không trình hồ sơ lô đất của mình lên để UBND quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù mọi điều kiện đã đủ. Nếu không tinh, vụ kiện này có thể bị hiểu theo hai hướng: Thứ nhất, ông C phải kiện Phòng Tài nguyên và Môi trường vì đã không thực hiện HVHC mang tính công vụ (không trình hồ sơ lên cho UBND quận). Thứ hai, ông C phải kiện UBND quận vì đây là HVHC mang tính nội bộ của cơ quan hành chính (Phòng Tài nguyên và Mội trường chỉ là cơ quan chuyên môn, giúp việc cho UBND quận). Theo tôi, phải hiểu theo cách thứ nhất vì Phòng Tài nguyên và Môi trường đã không thực hiện đúng công vụ.

Vậy HVHC mang tính nội bộ của cơ quan nhà nước là gì? Một ví dụ để chúng ta dễ hình dung: Anh D là chuyên viên của UBND quận ngồi làm việc tại một căn phòng khang trang. Một ngày nọ, chủ tịch UBND quận quyết định “đì” anh D bằng cách phân chia lại chỗ làm việc, buộc anh phải chuyển vị trí xuống một phòng tồi tàn hơn, không đủ điều kiện làm việc cần thiết. Hành vi trên của chủ tịch UBND quận chính là HVHC mang tính nội bộ.

Thực tế có rất nhiều vi phạm xảy ra liên quan đến HVHC nội bộ nhưng do tâm lý nể nang “dĩ hòa vi quý”, ngại đụng chạm hay sợ “sếp”... mà người ta thường tự giải quyết hoặc xuê xoa cho qua.

Đừng ngại khởi kiện!

Có thể nói kể từ ngày 1-7-2011 (ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực), người dân có quyền khởi kiện tất cả HVHC trái pháp luật của người hoặc cơ quan có thẩm quyền (trừ các HVHC thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao và hành vi mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức). Tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét tính hợp pháp của HVHC đó.

Luật Tố tụng hành chính đã mở tung cánh cửa khởi kiện cho người đân. Đây là một bước tiến rất quan trọng để bảo đảm quyền dân chủ cho mọi thành viên trong xã hội. Mặt khác, với một trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện được quy định công khai và chặt chẽ trong luật sẽ tạo ra một môi trường tranh tụng bình đẳng giữa các đương sự trong vụ án. Vì vậy, theo tôi, khi phát hiện cán bộ nhà nước không thực hiện hoặc làm sai chức trách nhiệm vụ được giao thì người dân cứ mạnh dạn khởi kiện về HVHC, yêu cầu họ chấm dứt hoặc khắc phục hành vi sai trái đó. Người dân nên mạnh dạn khởi kiện để tạo thói quen và cách ứng xử pháp lý cần thiết.

Một số vụ kiện HVHC hiếm hoi

Kiện chủ tịch huyện không giao đất

Tháng 10-2012, TAND huyện Nam Trực (Nam Định) đã thụ lý vụ ông VVA khởi kiện hành vi không giao đất theo hợp đồng của chủ tịch UBND huyện này. Theo đó, năm 2008, ông A. trúng một lô đất diện tích 54 m2 do UBND huyện tổ chức đấu giá với giá 92 triệu đồng. Ông A. đã đóng đủ tiền nhưng thực tế không hề nhận được đất vì chủ đất nói ông chưa trả thêm khoản “lót tay” cho mình. Ông A. ngạc nhiên bởi không có thỏa thuận với ai khác ngoài UBND huyện. Lúc này Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện mới giải thích là UBND huyện thống nhất với chủ đất rằng mỗi hộ trúng đấu giá phải đưa riêng cho chủ đất 600.000 đồng/m2. Do vậy ngoài 92 triệu đồng đã nộp vào kho bạc, ông A. còn phải đưa cho chủ đất hơn 82 triệu đồng nữa. Không đồng ý, ông A. khởi kiện...

Kiện công chứng viên tắc trách

Đầu năm 2012, TAND TP.HCM đã hoãn xử vụ ông C. kiện một công chứng viên để chờ hướng dẫn từ TAND Tối cao. Theo hồ sơ, ông C. mua một mảnh đất ở quận 9 và ra công chứng hợp đồng ở một phòng công chứng. Khi làm thủ tục sang tên, ông mới biết đất đã bị TAND quận 9 ra quyết định ngăn chặn giao dịch vì đang có tranh chấp. Ông C. cho rằng công chứng viên tắc trách, không kiểm tra kỹ hồ sơ mà đã công chứng gây thiệt hại cho mình nên kiện đòi bồi thường 860 triệu đồng…

Kiện Sở Tư pháp không đổi tên

Cuối năm 2002, TAND TP.HCM đã bác yêu cầu của bà Hà Thị Tiên Bưởi, ngụ quận Tân Bình trong vụ kiện Sở Tư pháp TP vì không chịu đổi tên cho bà. Trước đó, bà Bưởi thường bị mọi người lấy tên ra trêu chọc là Bưởi to, Bưởi nhỏ, Bưởi chua, Bưởi ngọt... nên làm đơn xin đổi tên nhưng Sở Tư pháp TP không đồng ý vì chưa thỏa mãn các điều kiện luật định. Bởi lẽ tên Bưởi không gây nhầm lẫn, không ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, không ảnh hưởng đến danh dự, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người yêu cầu...

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm