Rối chuyện tài sản riêng - chung của vợ chồng

Ở Việt Nam, khi lấy nhau các cặp vợ chồng thường không làm hôn ước về tài sản riêng - chung vì e ngại mang tiếng là thực dụng, sòng phẳng thái quá trong quan hệ tình cảm. Chính điều này đã làm nảy sinh nhiều rắc rối khi có tranh chấp về sau…

Trong thực tiễn xử án hôn nhân gia đình, các tòa gặp không ít tranh chấp về tài sản riêng - chung. Gặp trường hợp vợ hoặc chồng có văn bản cho thấy đã tự nguyện nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung thì việc giải quyết khá đơn giản. Nhưng gặp trường hợp các bên không thể hiện rõ ý chí (rất phổ biến ở nước ta vì tâm lý ngại sự sòng phẳng thái quá trong quan hệ tình cảm), các tòa gặp khá nhiều rắc rối, chẳng hạn như vụ việc dưới đây.

Đất được cho riêng

Theo hồ sơ, năm 1986, vợ chồng ông HHC, ngụ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) về sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Quá trình sống chung, họ có với nhau ba mặt con. Do xảy ra mâu thuẫn, từ tháng 2-2006, họ đã sống ly thân.

Năm 2007, ông C. nộp đơn xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản, trong đó chủ yếu tranh chấp về phần đất rộng gần 4.000 m2. Theo ông C., phần đất này có nguồn gốc từ diện tích hơn 10.000 m2 mà vợ chồng ông mua bằng giấy tay từ ông ngoại của vợ ông vào năm 1990 với giá 1,5 triệu đồng. Qua nhiều lần bán, diện tích còn lại là gần 4.000 m2. Ông C. cho rằng đây là tài sản chung nên yêu cầu TAND huyện Nhơn Trạch chia đôi. Tuy nhiên, ông lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho lời trình bày trên.

Rối chuyện tài sản riêng - chung của vợ chồng ảnh 1

Ngược lại, vợ ông C. khai diện tích đất trên là tài sản riêng của bà. Theo đó, ông ngoại của bà đã tặng cho riêng bà phần đất này. Bản thân người ông cũng làm chứng rằng diện tích đất trên do ông khai phá và tặng cho riêng vợ ông C. Ngoài ra, trong hồ sơ đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất, vợ ông C. từng khai nguồn gốc đất là do người ông khai phá năm 1978, sau để lại cho bà sử dụng từ năm 1990 đến nay. Lời khai này được chính quyền địa phương xác nhận. Năm 2002, vợ ông C. đã được cấp giấy đỏ mang tên mình.

Mỗi tòa một ý

Tháng 7-2007, TAND huyện Nhơn Trạch đưa vụ việc ra xử sơ thẩm lần đầu. Theo tòa, tuy phần đất trên do vợ ông C. trực tiếp quản lý, canh tác từ năm 1990 nhưng đến năm 2004, hai vợ chồng đã cùng chuyển nhượng hơn 6.000 m2 trong tổng số 10.000 m2 đất để lấy tiền xây nhà, mua xe, mua đất. Từ đó, tòa kết luận phần đất tranh chấp là tài sản chung của cả hai vợ chồng nên chia cho mỗi người một nửa.

Tháng 9-2007, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm lại cho rằng từ lời khai của vợ ông C., người ông cũng như những tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ đã thể hiện thửa đất trên là do người ông khai phá, cho riêng vợ ông C. Năm 2002, khi Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ, ông C. cũng không có thắc mắc gì. Do vậy, có căn cứ khẳng định phần đất tranh chấp là tài sản riêng của vợ ông C. Việc tòa sơ thẩm xác định đây là tài sản chung để chia đôi là không có cơ sở.

Đã có hành vi thể hiện việc nhập tài sản?

Sau đó, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để xử lại với lý do là có căn cứ cho thấy vợ ông C. đã có ý chí nhập diện tích đất được cho riêng vào tài sản chung của vợ chồng.

Đồng tình, Hội đồng Giám đốc thẩm TAND Tối cao phân tích: Tuy vợ ông C. chứng minh được nguồn gốc đất được cho riêng mình nhưng sau đó hai vợ chồng đã nhiều lần cùng chuyển nhượng, dùng tiền chuyển nhượng để mua xe máy, xây nhà, mua đất… Các tài sản này đều được đăng ký đứng tên hai vợ chồng. Diện tích đất gần 4.000 m2 còn lại sau khi đã chuyển nhượng cũng là đất cấp cho hộ gia đình.

Như vậy, người vợ đã nhập tài sản riêng của bà vào khối tài sản chung của vợ chồng. Tòa sơ thẩm có cơ sở khi xác định diện tích đất trên là tài sản chung của hai vợ chồng nhưng lại chia đôi là chưa chính xác vì chưa căn cứ vào công sức đóng góp của hai bên.

Tháng 4-2012, TAND huyện Nhơn Trạch đã đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần thứ hai. Cũng như trước, tòa cho rằng có căn cứ cho thấy người vợ đã nhập phần đất tranh chấp vào tài sản chung của vợ chồng. Dựa vào công sức đóng góp, tòa tuyên chia cho ông C. hơn 1.700 m2, còn lại là của vợ ông.

Dự kiến ngày 31-8 tới, TAND tỉnh Đồng Nai sẽ xử phúc thẩm lần hai theo kháng cáo của vợ ông C. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Ba trường hợp nhập tài sản riêng

Việc xác định tài sản chung của vợ chồng đã được quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình cùng các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng được chia ra làm ba trường hợp cụ thể:

- Đối với tài sản mà pháp luật không yêu cầu phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng: Để được coi là tài sản chung của vợ chồng, người có tài sản riêng phải lập thành văn bản thể hiện ý chí muốn nhập tài sản của họ. Tài sản riêng có trước hôn nhân nhưng sau đó các bên mặc nhiên sử dụng chung thì vẫn là tài sản riêng của cá nhân chứ không được coi là tài sản chung. Ví dụ như vợ (hoặc chồng) có tài sản riêng là bàn ghế, tủ lạnh, ti vi…, sau đó vợ chồng cùng sử dụng nhưng người có tài sản không lập văn bản thừa nhận đó là tài sản chung thì khi phát sinh tranh chấp, các tài sản trên vẫn là tài sản riêng.

- Đối với tài sản mà pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì việc nhập tài sản chung vào tài sản riêng ngoài việc phải lập thành văn bản thì văn bản đó còn phải được công chứng, chứng thực mới được xem là hợp lệ.

- Một trường hợp nữa là tài sản riêng được nhập vào tài sản chung thông qua hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ như vợ (hoặc chồng) trước khi đăng ký kết hôn có nhà riêng. Sau khi kết hôn, căn nhà được cấp lại sổ mà khi cấp lại đứng tên cả hai vợ chồng và việc đứng tên chung này được sự đồng ý của người có tài sản thì tài sản riêng được xem là tài sản chung. Trường hợp này không cần phải lập văn bản và công chứng, chứng thực.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình – ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm