Thi hành án hình sự: Ngổn ngang vướng mắc

Theo đó, nhiều bất cập, vướng mắc cả về quy định lẫn thực tiễn áp dụng đã được VKSND TP chỉ ra…

Theo VKSND TP.HCM, liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự, nhiều cơ quan có trách nhiệm vẫn còn để xảy ra thiếu sót, vi phạm.

Chậm trễ, quá hạn luật định

Cụ thể, hiện tòa các cấp ở TP còn chậm chuyển giao bản án và quyết định thi hành án cho VKS cùng cấp, người bị kết án, nhà tạm giữ, trại tạm giam quản lý người bị kết án, cơ quan thi hành án hình sự và chính quyền địa phương nơi cư trú của người bị kết án. Tòa còn chậm tổng hợp hình phạt cho người bị kết án có nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật; có những trường hợp hết thời gian hoãn thi hành án nhưng tòa chậm ra quyết định thi hành án. Chưa kể nhiều bản án, quyết định thi hành án có sai sót cần phải đính chính; quyết định thi hành án hình sự không nêu căn cứ của Luật Thi hành án hình sự…

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người chấp hành án tại địa phương đi khỏi nơi cư trú hoặc bỏ trốn nhưng UBND không thông báo kịp thời đến công an cùng cấp. Có trường hợp hết thời gian thử thách nhưng UBND chậm thông báo đề nghị cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt hoặc không có biện pháp giáo dục, hướng dẫn người chấp hành án. Có trường hợp UBND giao cho cảnh sát khu vực trực tiếp giám sát người chấp hành án tại địa phương, trong khi theo luật, công an chỉ có trách nhiệm tham mưu, còn UBND phải phân công cán bộ chuyên trách thực hiện việc giám sát, giáo dục người chấp hành án...

Thi hành án hình sự: Ngổn ngang vướng mắc ảnh 1

Lĩnh vực thi hành án hình sự còn gặp một số vướng mắc do quy định chung chung, lại thiếu hướng dẫn. Ảnh: HTD

Nhiều tồn tại khác cũng được VKS TP đề cập như: Quyết định áp giải người được tạm đình chỉ đi thi hành án thường quá thời hạn luật định. Việc trưng cầu giám định pháp y sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ thi hành án do bệnh nặng cũng như việc ra quyết định truy nã các trường hợp được hoãn, được tạm đình chỉ thi hành án mà bỏ trốn còn chậm trễ. Theo VKSND TP, những tồn tại này có nguyên nhân là do Công an TP đã thành lập cơ quan thi hành án hình sự nhưng chưa phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền nên chưa đáp ứng hiệu quả các yêu cầu của TAND TP.

Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án treo, án phạt cải tạo không giam giữ… cũng chưa thực hiện được, ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã chấp hành án do nhiều cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện chưa có con dấu, chưa bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo.

Quy định chung chung, thiếu hướng dẫn

Ngoài các vi phạm, thiếu sót nói trên, lĩnh vực thi hành án hình sự còn gặp một số vướng mắc do quy định chung chung, lại thiếu hướng dẫn.

Chẳng hạn, Luật Thi hành án hình sự quy định về thủ tục để xét hoãn chấp hành hình phạt tù chưa cụ thể, thời gian chờ kết quả giám định pháp y và kết quả xác minh tại địa phương thường kéo dài, dẫn tới việc giải quyết án của các tòa không đảm bảo đúng thời hạn quy định.

Mặt khác, hiện Luật Thi hành án hình sự có quy định khi tiếp nhận hồ sơ thi hành án do tòa giao, công an triệu tập đối tượng đến viết cam kết. Tuy nhiên, trường hợp đối tượng không có mặt tại địa phương, không rõ đi đâu, sau khi hết thời gian chấp hành án, đối tượng trở về sinh sống thì không biết giải quyết sao vì vẫn chưa có hướng dẫn. Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy định thống nhất về việc cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm xác nhận đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù…

Từ đó, VKSND TP đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án hình sự của từng ngành công an, kiểm sát, tòa án và liên ngành. Sau khi có hướng dẫn thì cần triển khai kịp thời đến VKS các địa phương để phối hợp thực hiện.

Chưa có thuốc để thi hành án tử hình

Từ khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, Công an TP đã xây dựng xong nhà thi hành án tử hình tại trại giam Bố Lá (xã Phước Hòa, Phú Giáo, Bình Dương). Hiện nay, các trang thiết bị và dụng cụ phục vụ công tác thi hành án tử hình đã đầy đủ nhưng còn đang thiếu thuốc (chờ Bộ Y tế cấp). Từ đó, việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc tại TP chưa thực hiện được.

Tính đến ngày 30-6, có 87 người bị kết án tử hình chưa được thi hành (trong đó có 17 người đã làm xong đầy đủ thủ tục). Việc thi hành án bị chậm trễ làm phát sinh nhiều phức tạp cho công tác quản lý của trại giam: Một số người bị kết án muốn xin thi hành sớm, trạng thái tâm sinh lý không bình thường nên thường gây ra vi phạm trong buồng giam…

Những bất cập về nhân sự

Theo VKSND TP, về phía chính quyền địa phương, UBND các cấp thường chỉ bố trí một, hai cán bộ tư pháp kiêm nhiệm nhiều công tác, chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn để phối hợp với công an trong việc lập hồ sơ quản lý người đang chấp hành án tại địa phương.

Về phía ngành công an, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của công an hai cấp cũng chưa được tập huấn, đào tạo chuyên sâu. Các đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hiện nay phải kiêm nhiệm dù biên chế không thay đổi.

Về phía ngành kiểm sát, cán bộ, kiểm sát viên trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự không ổn định, luôn phải thay đổi. Đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên phụ trách công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và kiểm sát thi hành án hình sự có tuổi đời, tuổi nghề cao. Do đó cần tăng thêm biên chế để đào tạo nhằm kế thừa nhiệm vụ.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm