Tiền Nhà nước, ngàn tỉ đồng cũng chẳng vội?

Khi bản án có hiệu lực, bên được thi hành án sẽ chủ động yêu cầu bên phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ hoặc gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án vào cuộc.

Thế nhưng trong vụ cố ý làm trái xảy ra tại Vinashin, mọi việc lại không diễn ra theo lẽ thường như vậy.

Vụ án này được đưa ra xét xử sơ thẩm từ tháng 3-2012. Các cơ quan, đơn vị bị thiệt hại là các DNNN như Tập đoàn Vinashin, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân, Công ty Điện Cái Lân, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu, Công ty Đầu tư Cửu Long. Sau phiên xử, số tiền mà các bị cáo phải bồi thường cho các DNNN này lên tới hơn 1.100 tỉ đồng. Đến phiên phúc thẩm hồi tháng 8-2012, tòa đã tuyên y án sơ thẩm.

Từ khi bản án phúc thẩm có hiệu lực cho đến nay, Cục Thi hành án dân sự TP Hải Phòng - đơn vị có trách nhiệm theo dõi việc thi hành phần trách nhiệm dân sự trong vụ án - vẫn chưa nhận được đơn yêu cầu thi hành án nào. Hỏi Nam Triệu và Cửu Long - hai DNNN có trụ sở tại Hải Phòng - thì các bên được thi hành án này đều nói sẽ tự giải quyết hoặc chưa có ý kiến gì!

Điều đáng nói là các bị cáo trong vụ án ngày đó hầu hết đều là nguyên lãnh đạo những DNNN được thi hành án: Phạm Thanh Bình nguyên là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin. Trần Văn Liêm nguyên là trưởng Ban Kiểm soát Tập đoàn Vinashin. Nguyễn Văn Tuyên, Đỗ Đình Côn nguyên là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc Công ty Hoàng Anh. Trần Quang Vũ nguyên là tổng giám đốc Tổng Công ty Nam Triệu. Nguyễn Tuấn Dương nguyên là chủ tịch HĐQT Công ty Cửu Long. Trong đó, trách nhiệm dân sự lớn nhất thuộc về ông Bình và ông Liêm (liên đới bồi thường hơn 991 tỉ đồng). Còn nhớ, tại các phiên xử, đại diện các đơn vị này hầu như không có ý kiến tranh luận gì về yêu cầu bồi thường, dù chính DN của mình bị thiệt hại.

Sự chậm chạp, thờ ơ của những DNNN được thi hành án đơn giản là do “tế nhị”, “tình cảm” với lãnh đạo cũ hay do các DNNN này cho rằng thiệt hại vụ Vinashin suy cho cùng là Nhà nước (hay dân) gánh cả, việc gì phải vội?

Mới đây, “chuyện lạ” này đã được Cục Thi hành án dân sự TP Hải Phòng báo cáo lên Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp). Tổng cục Thi hành án dân sự dự kiến sẽ đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các ngành để bên được thi hành án (tức các DN nói trên) có đơn yêu cầu thi hành, từ đó mới có cơ sở để tổ chức thi hành án nhằm thu hồi tiền công.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm