Tòa xử không xác minh, làm khổ dân

Năm 2003, ông Lê Hoàng Phúc đã phân chia đất ở thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè, TP.HCM) thành nhiều nền rồi bán cho nhiều người. Các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúc đó đều được UBND thị trấn Nhà Bè chứng thực. Đến nay, một số hộ dân mua đất sau cùng đã cất nhà ở ổn định.
Tòa quên nhiều người liên quan
Năm 2009, ông Phúc lại đem mảnh đất đã phân lô bán nền nói trên làm tài sản thế chấp cho một khoản vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi ông Phúc không có khả năng thanh toán, ngân hàng khởi kiện ông ra TAND TP.HCM đòi nợ.
Năm 2012, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều tuyên buộc ông Phúc phải trả tiền cho ngân hàng, trong trường hợp không trả thì thi hành án đối với phần đất trống mà ông Phúc đã thế chấp.
Điều đáng nói là trong quá trình giải quyết, hai cấp tòa đã không đưa những người mua đất từ ông Phúc và những người đang quản lý, sử dụng đất vào tham gia tố tụng. Các cấp tòa cũng không xác minh thực tế nên không biết được là trên đất đã có một số căn nhà được các hộ dân mua sau cùng xây để ở.

Tháng 2-2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè tiến hành kê biên phần đất ông Phúc thế chấp vay ngân hàng thì mới phát hiện ra chuyện này. Sau đó, Chi cục Thi hành án thông báo yêu cầu các hộ dân đang ở, quản lý, sử dụng đất... “khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền” trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo, nếu họ không khởi kiện thì chi cục sẽ “tiến hành xử lý theo quy định”.

Cần giám đốc thẩm vụ án
Hiện nay các hộ dân đang ở trên mảnh đất nói trên như các ông, bà Đinh Thị Khánh, Vũ Văn Quỳ, Hoàng Thị Thanh, Nguyễn Văn Chiêm đang rất hoang mang vì không biết làm sao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.
Cơ quan thi hành án yêu cầu họ “khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền” trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo. Nhưng bây giờ họ biết kiện ai? Kiện ông Phúc không được vì ông Phúc không trực tiếp bán đất cho họ. Kiện những người bán đất cho họ cũng không xong vì các bên không có tranh chấp gì, chưa kể những người bán đất cho họ cũng không có lỗi gì.
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), đúng ra các hộ dân đang quản lý, sử dụng đất là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện giữa ông Phúc với ngân hàng. Việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm không triệu tập họ tham gia vụ án vừa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của họ, vừa vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Chưa kể, các bản án sơ, phúc thẩm chỉ đề cập đến việc xử lý tài sản thế chấp là đất trống mà không hề đề cập đến các căn nhà đã xây dựng trên đất. Nếu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành là không ổn bởi theo Luật Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án chỉ được làm đúng những gì mà bản án tuyên. Do vậy, các thiếu sót của hai cấp tòa sơ, phúc thẩm cần phải được khắc phục bằng thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để giải quyết lại vụ án từ đầu.
HOÀNG YẾN
 
Quy định liên quan
Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;
(Theo khoản 2 Điều 283 BLTTDS)
Đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của bộ luật này.
Trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, viện kiểm sát, tòa án phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của bộ luật này.
(Theo khoản 1, khoản 2 Điều 284 BLTTDS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm