NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI: VÌ SAO NGÀY CÀNG BẠO LỰC?- BÀI 4:

Trẻ phạm tội do thiếu sót của người lớn

Không chỉ day dứt trước những hành động nông nổi của các bị cáo, ông còn buồn hơn khi các bậc cha mẹ đã và đang quá lơ là trong việc giáo dục con cái.

Thiếu sự giáo dục của cha mẹ

Hôm đó, Thẩm phán Nguyễn Văn Thông ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Cả bị cáo và bị hại trong vụ án này đều hãy còn quá trẻ. Bị cáo mới bước qua tuổi 17 được hai tháng, phạm tội hiếp dâm trẻ em, còn người bị hại chưa đầy 13 tuổi. Họ đến với nhau bằng tình yêu chóng vánh. Chỉ sau hai tháng làm quen, cô nàng đã... dâng trọn cho chàng.

Sau vành móng ngựa, gương mặt bị cáo H. không giấu nổi nét non nớt. H. chỉ biết cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi xâm hại tình dục đối với bị hại Q. Nội dung vụ án rất đơn giản. H. và Q. ở gần nhà nhau và nảy sinh tình cảm. Nhiều lần, H. rủ Q. trốn nhà đi chơi cùng H., và rồi cả hai đã quan hệ với nhau. Trước tòa, H. run rẩy, sợ hãi thưa: “Vì con yêu Q. nên mới làm vậy”. Người bị hại có dáng phổng phao hơn so với tuổi cũng bày tỏ tình cảm thắm thiết không kém: “Con yêu anh H. lắm! Con tự nguyện trao thân cho anh ấy. Ai có cấm thì con vẫn cứ làm”.

Trẻ phạm tội do thiếu sót của người lớn ảnh 1

Nhiều bị cáo chưa thành niên mang hoàn cảnh rất đáng thương. Ảnh: HTD

Sau lời khai của hai đứa trẻ, vị thẩm phán hỏi mẹ của H. rằng tại sao biết Q. còn nhỏ nhưng không cấm cản. Kết quả thật bất ngờ khi chính bà lại có ý muốn tác hợp cho hai đứa. Biết rõ con trai mình đang “yêu”, bà không có động thái phản đối quyết liệt. Khi thấy hai đứa nhỏ vương vấn, bà tới tận nhà của Q. để đặt vấn đề cưới xin. “Vì thấy hai đứa yêu nhau nên muốn chúng cưới cho xong” - bà nói.

Buộc phải tuyên phạt bị cáo H. tội hiếp dâm trẻ em nhưng Thẩm phán Nguyễn Văn Thông vẫn dấy lên niềm thương cảm sâu sắc. H. không hề được một ngày tới trường, không học vấn, không hiểu biết. Cha mẹ của cả bị cáo và người bị hại đều là nông dân nghèo. “Tại tòa, khi tôi hỏi bị cáo có tranh luận lại gì không, bị cáo còn không hiểu thế nào là tranh luận” - vị thẩm phán cho hay. Thế là ông phải giải thích tường tận từng thuật ngữ: tranh luận là gì, tự nguyện là gì, án phí là gì...

Vị thẩm phán lắc đầu: “Con trẻ có nhiều lệch lạc trong nếp nghĩ nên dễ dẫn đến hành vi phạm tội. Là người lớn, các bậc làm cha làm mẹ phải biết giáo dục con hiểu về đạo lý và pháp lý. Giá như các bậc phụ huynh kỹ càng trong việc quản lý, giáo dục con tới nơi tới chốn thì cớ sự đâu đến nỗi này”.

Xa gia đình, nông nổi phạm tội

“Ở người chưa thành niên, tinh thần và thể chất chưa hoàn thiện nên hành động còn nông nổi. Trước những vụ án có trẻ vị thành niên phạm tội, tôi đều thấy có chút gì đó luyến tiếc, vừa thương vừa trách” - Kiểm sát viên Dương Thị Hải Yến (VKSND quận 1, TP.HCM) vẫn chưa nguôi căng thẳng sau phiên xử một bị cáo là người chưa thành niên.

Kể về trường hợp phạm tội của bị cáo T., Kiểm sát viên Dương Thị Hải Yến chùng giọng trước hoàn cảnh thương tâm của một đứa trẻ phải rời xa gia đình lập nghiệp. Học hết lớp 9, T. phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Mẹ của T. bệnh tật triền miên. Tiền thuốc men chữa bệnh cho mẹ, tiền lo học cho hai đứa em ngày càng tốn kém. Nghĩ tới nghĩ lui, T. quyết định xin gia đình cho vào Sài Gòn lập nghiệp. Lo con nhỏ dại phải bôn ba nơi đất khách quê người, ba mẹ T. phản đối. Cuối cùng, T. thuyết phục gia đình và nhờ một người bạn trong Sài Gòn gọi về khuyên nhủ để ba mẹ yên tâm. Thấy con có bạn trong Sài Gòn, ba mẹ T. đành đồng ý để con “Nam tiến”.

Giữa đất thị thành, T. chẳng biết bám víu vào đâu để sống. Bạn của T. đang làm công nhân. T. xin vào làm công nhân cùng bạn nhưng không được vì chưa tới tuổi. Không thể nương nhờ bạn đang chật vật mưu sinh, T. xin vào làm bảo vệ trong một quán cà phê với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Chừng đó thu nhập để sống trong đất Sài Gòn đã khó, thế nhưng hằng tháng T. vẫn tằn tiện để gửi về cho ba mẹ lúc thì 300.000 đồng, khi thì 500.000 đồng.

Nhưng rồi việc xấu cũng đến. Sau gần sáu tháng làm bảo vệ, một ngày kia, lợi dụng lòng tin của khách, T. đã lấy chìa khóa xe của khách và cuỗm luôn xe bỏ trốn về quê. Phải mất hơn một năm sau, cơ quan điều tra mới bắt được T. theo lệnh truy nã.

Cảm thông với hoàn cảnh thương tâm của bị cáo, tại tòa, vị kiểm sát viên thực hiện quyền công tố đã đề nghị hội đồng xét xử xem xét, tuyên bị cáo mức án từ chín tháng tới 12 tháng tù. “Hoàn cảnh bị cáo vô cùng đáng thương. Sau khi bị bắt, có lần ngồi ăn cơm trong trại, T. ăn ngon lành và nói: Cơm ngon quá chị ạ! Lâu lắm rồi em không được ăn thịt” - nữ kiểm sát viên rơm rớm nước mắt.

Đừng để trẻ “đói” tình cảm

Làm công tác xét xử từ tháng 8-2008, Thẩm phán Đặng Chí Công, Phó Chánh án TAND huyện Krông pa (tỉnh Gia Lai), cho biết địa phương mình gần đây cũng nổi lên những vụ án có người chưa thành niên tham gia. Đây là vấn đề đáng lưu tâm vì Krông pa trước đây ít có trường hợp người chưa thành niên phạm tội.

Cuối tháng 9-2011, Thẩm phán Đặng Chí Công ngồi ghế chủ tọa một vụ án trộm cắp. Tình tiết vụ án tuy không mới nhưng dấy lên nỗi lo chung của toàn xã hội: Sự thiếu giáo dục của gia đình dễ khiến con cái trở nên hư hỏng.

L. sinh năm 1994, ở xã Chư Rcăm, đã hai lần bị bắt vì trộm cắp tài sản. Gia đình L. không khá giả nhưng ban đầu, cha mẹ cũng lo cho em được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. L. học hết lớp 5 thì nghỉ vì “học không nổi nữa”.

Trẻ phạm tội do thiếu sót của người lớn ảnh 2

Một phiên tòa lưu động xét xử người chưa thành niên phạm tội. Ảnh: HTD

Bận rộn miếng cơm manh áo nên dần dần, cha mẹ lơi lỏng quản lý, để L. mặc sức tự do giao kết bạn bè. Nào ngờ đâu trong số ấy có lắm kẻ xấu xúi giục L. trộm cắp đồ đạc của người khác bán để lấy tiền tiêu xài. Lần đầu, L. bị đưa vào trường giáo dưỡng ở Đà Nẵng hai năm. Thời gian tại đây, L. quen biết một số bạn bè hư hỏng, hơn mình vài tuổi. Ra khỏi trường giáo dưỡng, L. dẫn số bạn bè này về nhà. Bạn xúi trộm tiền, L. răm rắp làm theo. Em cạy tủ lấy mấy chục triệu đồng đưa bạn. Cha mẹ phát hiện mất tiền bèn đi báo công an. Khi biết L. chính là thủ phạm, họ đã ra sức bao che, giấu giếm cho con mình. Lần này, L. bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã trong thời gian sáu tháng. Đang chấp hành, một lần đi tập thể dục, thấy xe máy của người ta để trước nhà không khóa, L. lấy trộm và bị bắt quả tang.

VKSND đề nghị phạt L. từ sáu tháng tù đến chín tháng tù. Bào chữa cho L. tại phiên tòa, luật sư cho rằng bị cáo phạm tội là do “đói” về tình cảm. Luật sư đề nghị cho L. được hưởng án treo hoặc được áp dụng hình thức xử phạt khác để em có cơ hội gần gũi cha mẹ. Tuy nhiên, L. đã có hai tiền sự, lần phạm tội này phải xử phạt tù giam nhưng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

Tại tòa, cha mẹ L. thừa nhận họ bận rộn suốt ngày vào việc kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chồng làm nông, quanh năm suốt tháng bên nương rẫy, trồng mì trồng bắp. Vợ thì quần quật chạy chợ, tất bật từ sáng sớm đến chiều tối mới về đến nhà. Cha mẹ con cái ít có thời gian bên nhau. L. cứ thế chơi bời lêu lổng, cha mẹ có lời dạy dỗ thì câu trước câu sau là cãi tay đôi rồi đùng đùng bỏ đi, đôi khi vài ngày sau mới về.

Hội đồng xét xử phân tích trách nhiệm của gia đình là rất lớn trong việc con trẻ phạm tội. Nhận trách nhiệm nhưng trước sau cha mẹ L. cũng chỉ biết nói một câu là nhờ pháp luật can thiệp để giáo dục con. “Đề nghị tòa xử giùm, chúng tôi hết nói nổi rồi” - họ nói.

Nhìn đôi mắt đầy ăn năn thống hối của L., Thẩm phán Đặng Chí Công cho biết bị cáo này đáng thương hơn là đáng trách. “Khi người chưa thành niên phạm tội, lỗi phần lớn thuộc về gia đình. Nếu thiếu sự quản lý, giáo dục thường xuyên và khoa học của gia đình, người chưa thành niên dễ tiêm nhiễm cái xấu, bị tha hóa dần về nhân cách, có hành vi phạm pháp, kể cả hành vi phạm tội. Môi trường giáo dục thân thiết nhất vẫn luôn là môi trường gia đình. Do đó, các bậc cha mẹ phải luôn gương mẫu, làm gương sáng cho con cái noi theo. Cha mẹ phải có trách nhiệm xây dựng một gia đình đầm ấm. Chính hơi ấm gia đình sẽ cho trẻ nhận thấy trẻ được yêu thương. Từ đó, gia đình chính là liều thuốc chủng ngừa hữu hiệu cho con trẻ trước mọi cạm bẫy cuộc đời”.

DƯƠNG HẰNG - PHƯƠNG LOAN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm