Tự bảo vệ trước bẫy lừa cho vay lãi suất cao

Gần đây, dư luận cả nước xôn xao về hàng loạt vụ vỡ nợ “tín dụng đen” ở các tỉnh phía Bắc. “Tín dụng đen” mà các phương tiện truyền thông đề cập hiểu nôm na là việc cho vay tiền giữa các cá nhân, tổ chức (không phải là tổ chức tín dụng) với mức lãi suất cao. Đây là một quan hệ pháp luật dân sự được các nhà lập pháp dự liệu và điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2005.

Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005, “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”. Về mức lãi suất, pháp luật cho phép các bên tự do thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố (Điều 476). Trong các vụ “tín dụng đen”, lãi suất các bên thỏa thuận rất cao, có thể lên đến 30-40%/tháng. Đây chính là động cơ thúc đẩy các chủ nợ cho vay.

Tự bảo vệ trước bẫy lừa cho vay lãi suất cao ảnh 1

Nên lập hợp đồng vay với nội dung cụ thể rõ ràng bằng văn bản, phòng tranh chấp về sau. (Ảnh minh họa)

Xuất phát từ kiến thức pháp luật hạn chế, không phải tất cả người cho vay đều biết rằng việc cho vay với lãi suất cao như vậy là vi phạm pháp luật. Hoặc nếu biết, họ vẫn cố tình vi phạm do hám lời. Cũng vì tâm lý này, việc cho vay thường thực hiện dễ dàng bằng lời nói, giao nhận tiền không lập biên nhận. Sự lơi lỏng trong giao dịch một phần cũng do quá tin tưởng vào mối quan hệ thân thiết giữa người cho vay và người vay.

Về mặt pháp lý, hình thức hợp đồng cho vay không phải là điều kiện có hiệu lực nên việc cho vay được thể hiện dưới nhiều hình thức như bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể đều hợp pháp. Pháp luật cũng không yêu cầu hợp đồng này phải được bất kỳ cơ quan tổ chức nào chứng nhận. Tuy nhiên, xét về mặt chứng cứ, hình thức văn bản được xem là thuyết phục hơn cả.

Bên cạnh lãi suất cao trong “tín dụng đen”, khả năng thu hồi nợ của các chủ nợ là vấn đề quan tâm bậc nhất. Người vay không có khả năng thanh toán, khất nợ lần lữa, thậm chí là bỏ trốn. Dù người vay có bị xử lý về mặt hình sự hay không, quyền lợi của người cho vay chỉ được giải quyết trong quan hệ pháp luật dân sự. Trong đó, nghĩa vụ chứng minh hoàn toàn thuộc về người cho vay. Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 quy định rõ: “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Vì vậy, khi tham gia vào quan hệ cho vay, người cho vay cần lưu ý những điểm sau đây để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất có thể:

- Lập hợp đồng vay với nội dung cụ thể rõ ràng bằng văn bản. Nên áp dụng biện pháp bảo đảm nợ vay như cầm cố, thế chấp, ký quỹ...

- Giao nhận tiền vay phải có biên nhận.

- Theo dõi và lập bảng danh sách từng kỳ thanh toán nợ.

- Đến hạn trả nợ, yêu cầu bên vay cam kết thời hạn, phương thức trả nợ bằng văn bản.

- Khi tiến hành thủ tục khởi kiện tại tòa án, cần tìm hiểu chính xác địa chỉ cư trú của người vay, nơi làm việc, nơi người vay có tài sản, đặc biệt là bất động sản để xác định thẩm quyền tòa án và thi hành án thuận lợi. Trường hợp cần thiết có thể nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ.

- Trường hợp người vay bị yêu cầu mở thủ tục phá sản tại tòa án, cần thông báo cho tòa án về khoản nợ vay của mình kèm theo giấy đòi nợ.

Trên đây là một vài kinh nghiệm cơ bản rút ra từ thực tiễn xét xử mà chúng tôi mong muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định tham gia giao dịch cho vay. Và một khi đã tham gia giao dịch, cần thận trọng thu thập và lưu giữ những chứng cứ quan trọng để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho mình.

ĐĂNG HÀ, Tòa án nhân dân TP.HCM

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm