Viện kháng nghị vì tòa áp dụng sai luật

Di chúc của mẹ ông được chứng thực hợp pháp. Mẹ qua đời được một năm, năm 2006, ông L. làm thủ tục nhận thừa kế theo quy định. Trong diện tích đất ông được hưởng thừa kế ngôi nhà tạm mà bà D. ở trong lúc ông đi làm xa. Nay bà D. tháo dỡ ngôi nhà tạm này để xây dựng nhà kiên cố. Ông không chấp nhận, nhiều lần đòi đất nhưng chị không trả nên ông kiện ra TAND huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang).

Bà D. cho rằng khi mẹ lập di chúc bà cùng các đồng thừa kế khác không biết. Đồng thời bà bảo lúc lập di chúc mẹ không còn minh mẫn do bị bệnh thận và phải chạy thận nhiều năm… Do đó, bà D. đòi tòa chia di sản mẹ để lại theo quy định pháp luật.

Xử sơ thẩm vừa qua, TAND huyện nhận định mặc dù mẹ ông L. có di chúc để lại toàn bộ tài sản cho ông nhưng các đồng thừa kế khác không ký tên nên di chúc không có giá trị về mặt pháp lý. Do đó không thể thực hiện theo di chúc mà phải giải quyết thừa kế theo quy định của pháp luật. Mặt khác, phần thừa kế này ông L. nhận sau khi mẹ chết và có tranh chấp với bà D. nên đây là vụ kiện tranh chấp thừa kế. Do đó, ông L. đòi lại đất là không có cơ sở. Cuối cùng, tòa tuyên chia đều di sản thừa kế của mẹ ông L. cho năm anh chị em ruột của ông, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau như quy định về thừa kế theo pháp luật.

Ngay sau phiên tòa, VKSND huyện Long Mỹ kháng nghị cho rằng theo quy định tại Điều 113 Luật Đất đai thì cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mẹ ông L. có quyền để lại di chúc phần diện tích đất của mình và bà để lại cho ông L. Bản di chúc này được chứng thực hợp pháp là phù hợp theo quy định của BLDS, không bắt buộc phải có mặt các chị em ông L. để ký tên. TAND huyện Long Mỹ cho rằng bản di chúc của mẹ ông L. không hợp pháp và bác yêu cầu khởi kiện của ông L. là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Do đó, VKSND huyện kháng nghị bản án này theo thủ tục phúc thẩm...

ĐOÀN VĂN HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm